2.145 ha rừng cộng đồng ở huyện Hướng Hóa có khả năng hấp thụ 7.000 tấn CO2 mỗi năm đang được tỉnh Quảng Trị chào bán với giá 10 USD mỗi tấn.
Ngày 16/12, tại khu du lịch cộng đồng Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) phối hợp với UBND xã công bố 5 cánh rừng tự nhiên do cộng đồng dân cư quản lý được chứng nhận quốc tế FSC dịch vụ hệ sinh thái về hấp thụ và lưu trữ CO2 với trữ lượng 350.000 tấn, lượng hấp thụ hàng năm khoảng 7.000 tấn CO2. Đây là 5 cánh rừng cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam nhận chứng nhận quốc tế FSC dịch vụ hệ sinh thái."
Ông Nguyễn Đình Đại, Trưởng văn phòng Quảng Trị tổ chức MCNV, cho biết với chứng nhận này, 5 cánh rừng tự nhiên có thể tham gia thị trường tự nguyện mua bán tín chỉ CO2. MCNV đang đàm phán với một doanh nghiệp tại Hà Lan để bán tín chỉ CO2 với giá 10 USD mỗi tấn. “Nếu thành công, đây sẽ là câu chuyện rất đặc biệt để nhân rộng”, ông Đại nói, cho biết hiện giá bán tín chỉ CO2 trên thế giới dao động từ 5 đến 50 USD mỗi tấn.
Ông Hồ Xa Văn, thành viên Ban Quản lý rừng cộng đồng Chênh Vênh, cho hay có được kết quả trên nhờ nỗ lực bảo vệ, gìn giữ cánh rừng thiêng liêng của thôn hàng chục năm qua. “Chúng tôi cam kết giữ rừng để duy trì được chứng chỉ này”, ông Văn nói.
Hiện, Quảng Trị có 245.000 ha rừng, trong đó 125.000 ha tự nhiên. Trong diện tích rừng tự nhiên, có 20.000 ha giao cho cộng đồng dân cư quản lý. Hiện, chỉ có 1/3 rừng cộng đồng được chi trả dịch vụ môi trường rừng, số còn lại người dân tự nguyện bảo vệ. Việc bán tín chỉ CO2 có thể trở thành mô hình để nhân rộng, giúp người dân có thêm kinh phí bảo vệ rừng.
Tín chỉ CO2 (tín chỉ carbon) là chứng nhận có thể giao dịch thương mại, thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2, hoặc một tấn khí nhà kính khác tương đương. Thị trường mua bán tín chỉ carbon trên thế giới khá sôi động, Việt Nam mới manh nha hình thành, dự kiến năm 2028 vận hành sàn giao dịch.
Phương thức mua bán được hiểu như sau: Một công ty tạo ra 12 tấn khí thải trong khi giới hạn cho phép là 10 tấn thì có thể mua lại 2 tín chỉ từ công ty tạo khí thải thấp hơn mức giới hạn. Điều này được xác nhận bởi một bên thứ ba. Mục tiêu cuối cùng của tín chỉ carbon là giảm phát thải khí nhà kính vào khí quyển.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)