Bảo vệ rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái

Lê An |

Nhằm khai thác thế mạnh của rừng trong phát triển du lịch sinh thái, trong những năm qua, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Đakrông (Quảng Trị) đã thực hiện hiệu quả công tác quản lý, phát triển tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Từ đó, góp phần tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái, hướng tới phát triển du lịch xanh, bền vững.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông có diện tích hơn 37.600 ha nằm trên địa bàn 7 xã gồm Đakrông, Triệu Nguyên, Ba Lòng, Húc Nghì, Ba Nang, Tà Long và A Bung, huyện Đakrông. Đây không chỉ được xem là kho tài nguyên quý giá, nơi lưu giữ sự đa dạng sinh học cao với nhiều loại động, thực vật đặc hữu quý hiếm, trong đó có nhiều loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới như bò tót, vượn má vàng Trung Bộ, mang lớn, thỏ vằn, gấu, chà vá chân nâu, cu ly lớn, sơn dương… Bên cạnh đó còn có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái khi tập trung nhiều cảnh quan thiên nhiên, nhiều điểm di tích lịch sử. Đặc biệt, người dân địa phương nơi đây còn lưu giữ những bản sắc văn hoá, những nét sinh hoạt truyền thống của người đồng bào Vân Kiều, Pa Kô như các lễ hội truyền thống, các điệu múa… được lưu truyền, bảo tồn, phát triển. Nghề thủ công truyền thống vẫn còn được lưu giữ, bao gồm nghề dệt và đan lát. Ngoài ra, các khu vực “rừng thiêng” vẫn được bảo toàn và tạo thêm hoạt động tham quan hấp dẫn nhằm giúp khách du lịch tìm hiểu thêm về đời sống tâm linh và văn hóa của cộng đồng dân cư nơi đây.

Sử dụng thiết bị bay không người lái để phát hiện biến động tài nguyên rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông - Ảnh: L.A
Sử dụng thiết bị bay không người lái để phát hiện biến động tài nguyên rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông - Ảnh: L.A

Giám đốc Ban Quản lý KBTTN Đakrông Trương Quang Trung cho biết, nhằm bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học cũng như phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững, đơn vị thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, Hạt Kiểm lâm KBTTN Đakrông đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư. Tổ chức chốt chặn, trực canh gác 24/24 giờ; tăng cường tuần tra, truy quét bảo vệ rừng; tháo dỡ lán trại, bẫy động vật rừng, ngăn chặn, đẩy đuổi những đối tượng vào rừng đặc dụng trái phép; xử lý nghiêm những hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ như thiết bị bay không người lái, ảnh vệ tinh để kịp thời phát hiện, xử lý biến động tài nguyên rừng. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động trồng rừng, làm giàu rừng tự nhiên, khoanh nuôi tái sinh rừng, giao khoán bảo vệ rừng. Qua đó, không để xảy ra điểm nóng trên địa bàn được giao quản lý, nâng cao chất lượng, độ che phủ rừng.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý KBTTN Đakrông cũng xác định du lịch sinh thái là hình thức du lịch hướng tới thiên nhiên có mức giáo dục cao về sinh thái và môi trường, có tác động tích cực đến việc bảo vệ môi trường và văn hóa, mang lại lợi ích về tài chính cho cộng đồng địa phương và đóng góp cho các nỗ lực bảo tồn. Phát triển du lịch sinh thái sẽ tạo cơ hội tăng thêm nguồn thu cho Ban Quản lý KBTTN Đakrông và cộng đồng dân cư trong khu vực. Qua đó, giúp cải thiện đời sống của người dân, giảm thiểu các tác động tiêu cực ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên trong vùng lõi của khu bảo tồn, đồng thời góp phần giới thiệu các giá trị đa dạng sinh học, môi trường sinh thái, lịch sử, văn hóa tới người dân trong và ngoài nước.

Trên cơ sở các địa điểm gồm sông, suối, thác và cảnh quan rừng đặc dụng KBTTN Đakrông; cộng đồng dân cư đang sinh sống tại vùng đệm khu bảo tồn và những di tích lịch sử để lại sau chiến tranh, qua điều tra, khảo sát thực tế, kết hợp tham vấn người dân và chính quyền địa phương, Ban Quản lý KBTTN Đakrông đã xác định được các điểm du lịch với những thắng cảnh thiên nhiên đặc sắc như: hang dơi, giếng Tiên, bến thuyền, sông Đakrông, thăm vườn thực vật, vườn lan, thăm cảnh quan rừng đá vôi tại khu dịch vụ, hành chính tiểu khu 701, 700C; thác Đỗ Quyên 1, Đỗ Quyên 2, suối A Cho, suối Tà Lao, suối Pa Hy, rừng nguyên sinh ở các tiểu khu bảo vệ nghiêm ngặt gồm 731, 733, 722, 723, 702, 746, 748; liên kết các địa điểm khác của vùng đệm như suối nước nóng Klu, bến thuyền sông Đakrông, bản Cựp (xã Húc Nghì), động A po ly hông (xã Tà Rụt), bản Si Pa, Chai, Trại Cá, Tà Lao (xã Tà Long) và thăm khu bảo tồn cảnh quan đường Hồ Chí Minh.

Xây dựng các loại hình du lịch phù hợp gồm du lịch nghỉ mát, phong cảnh, khám phá hệ thống thác, khe, suối kết hợp phong cảnh rừng tự nhiên, qua đêm ở giữa rừng tại các điểm có bố trí lều bạt; du lịch khám phá, mạo hiểm, phong cảnh, nghiên cứu khoa học bằng các chuyến đi xuyên rừng trong nhiều ngày.

Các tuyến du lịch khám phá rừng, văn hóa người đồng bào Pa Kô, Vân Kiều gồm: tuyến 1 du khách sẽ đi tham quan theo tuyến hang dơi, bến thuyền, thăm vườn thực vật, vườn dược liệu, cảnh quan rừng; tuyến 2 sẽ đi thăm thác Đỗ Quyên, cắm trại qua đêm sau đó quay về bản Cựp, xã Húc Nghì tham gia giao lưu văn hoá cộng đồng; tuyến 3 sẽ đi thăm thác Đỗ Quyên, cắm trại qua đêm sau đó quay về xã Tà Rụt giao lưu văn hoá cộng đồng sau đó đi động A po ly hông; tuyến 4 sẽ đi tham quan theo tuyến hang dơi, giếng Tiên, bến thuyền và sông Đakrông, thăm vườn thực vật, cảnh quan rừng, tổ chức giao lưu cộng đồng tại bản Trại Cá, Tà Lao hoặc xã Tà Rụt và đi thăm động A po ly hông; tuyến 5 sẽ đi tham quan theo tuyến hang dơi, bến thuyền, thăm vườn thực vật, vườn dược liệu, cảnh quan rừng, tổ chức giao lưu cộng đồng tại bản Chai, Si Pa và thăm khu bảo tồn cảnh quan đường Hồ Chí Minh và tuyến 6 sẽ đưa du khách tới thăm khu danh thắng Đakrông, thăm vườn thực vật và hang dơi. “Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng cháy chữa cháy rừng, phục hồi sinh thái.

Đồng thời, tranh thủ các nguồn lực để xây dựng, cải tạo các điểm đến, các tuyến du lịch để tạo sự hấp dẫn cho du khách. Qua đó từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần quan trọng vào bảo vệ, phát triển rừng bền vững”, ông Trung cho biết thêm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Nỗ lực bảo vệ rừng giáp ranh

Lê An |

Là địa phương có địa hình rừng núi phức tạp, nhiều diện tích rừng giáp ranh với huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó có nhiều khu vực là rừng tự nhiên phòng hộ cùng nhiều loài động, thực vật quý hiếm.

Nhiều tiện ích từ ứng dụng flycam trong quản lý, bảo vệ rừng

Lê An |

Gần 1 năm nay, nhờ vào việc ứng dụng thiết bị bay không người lái có chức năng chụp ảnh và quay phim (còn gọi là flycam) mà công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông (Quảng Trị) được cập nhật chính xác, kịp thời hơn. Đặc biệt là những khu vực địa hình đồi núi hiểm trở, khó tiếp cận.

Truyền thông về công tác bảo vệ rừng

Ngọc Trang |

Ngày 24/12, tại xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa phối hợp với Tổ chức Y tế Hà Lan tổ chức chương trình truyền thông về công tác bảo vệ rừng.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa lập tổ chốt chặn bảo vệ rừng

Trường Nguyên |

Thông tin từ Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) cho biết, đơn vị vừa phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập tổ chốt chặn bảo vệ rừng tại khu vực Cát – Trỉa thuộc xã Hướng Sơn nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các đối tượng chặt phá và vận chuyển gỗ trái phép trong lâm phần quản lý của khu bảo tồn.