Là địa phương có địa hình rừng núi phức tạp, nhiều diện tích rừng giáp ranh với huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó có nhiều khu vực là rừng tự nhiên phòng hộ cùng nhiều loài động, thực vật quý hiếm.
Do vậy, những năm qua, công tác bảo vệ rừng trên địa bàn xã A Bung, huyện Đakrông (Quảng Trị) đã được cơ quan chức năng và chính quyền địa phương triển khai nghiêm túc, chặt chẽ, tình trạng xâm hại tài nguyên rừng, vi phạm Luật Lâm nghiệp được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Xã A Bung là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn trên địa bàn huyện Đakrông với khoảng 6.760 ha, bao gồm: Rừng tự nhiên 5.744 ha, rừng trồng 1.016 ha. Trước thời điểm 24/3/2020, xã A Bung có 8 tiểu khu đang tranh chấp về địa giới hành chính với xã Hồng Thủy, huyện A Lưới gồm tiểu khu 747, 748, 1018A, 1019, 1020, 1023, 1024, 758 nên công tác quản lý, bảo vệ rừng có nhiều bất cập.
Do vậy, ngay sau khi tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện bàn giao để tỉnh Quảng Trị quản lý toàn bộ hiện trạng sử dụng đất đai, tài sản gắn liền với đất và nhân khẩu, hộ khẩu của thôn Pire 1 và thôn Pire 2 thuộc xã Hồng Thủy, huyện A Lưới. Để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, Trạm Kiểm lâm La Lay đã cùng với UBND xã A Bung tổ chức nhiều phiên làm việc với xã Hồng Thủy về hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, xây dựng quy chế phối hợp bảo vệ rừng giữa hai vùng giáp ranh, kế hoạch phối hợp tuần tra, kiểm tra rừng, truy quét các tổ chức, cá nhân xâm hại rừng, đấu tranh ngăn chặn tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép.
Phối hợp với xã Hồng Thủy tăng cường tổ chức tuyên truyền Luật Lâm nghiệp cho người dân, nhất là cộng đồng thôn Pire 1, Pire 2 là các thôn có vùng rừng giáp ranh có nguy cơ xâm hại cao. Chỉ đạo kiểm lâm địa bàn xã A Bung phối hợp với kiểm lâm địa bàn xã Hồng Thủy tăng cường kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), sản xuất nương rẫy trong 6 tháng mùa khô tại hiện trường các vùng rừng giáp ranh; tham mưu chính quyền địa phương chuẩn bị nhân lực, phương tiện sẵn sàng chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra. Đồng thời, phối hợp tổ chức chốt chặn tại các vùng trọng điểm như khu vực thôn Pa Ay, xã Hồng Thủy đấu tranh, ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng.
Phó Trạm trưởng phụ trách Trạm Kiểm lâm La Lay, Hạt Kiểm lâm Đakrông Lê Tiến Phú cho biết, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, các lực lượng kiểm lâm, công an xã, dân quân và tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng của xã A Bung đã phối hợp với xã Hồng Thủy tổ chức thực hiện 21 đợt tuần tra bảo vệ rừng tại các tiểu khu 758, 1019, 1023, 1024. Tổ chức 160 lượt kiểm tra các phương tiện vận chuyển qua địa bàn chốt chặn, tập trung vào các phương tiện có nghi vấn vận chuyển lâm sản. Nhờ đó, tình hình xâm hại rừng đến nay có chiều hướng giảm rõ rệt, tình trạng khai thác gỗ, vận chuyển lâm sản tại vùng giáp ranh cơ bản được kiểm soát, không có điểm nóng.
Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Đakrông có hơn 5.330 ha rừng tự nhiên nằm trên địa bàn xã A Bung. Xác định đây là vùng rừng giáp ranh với huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, ranh giới phân chia chưa rõ ràng, địa hình đồi núi chia cắt hiểm trở, thời gian qua, Hạt Kiểm lâm KBTTN Đakrông đã chủ động triển khai kế hoạch quản lý, bảo vệ và PCCCR; xây dựng quy chế phối hợp với các địa phương giáp ranh và Ban quản lý KBTTN Đakrông. Cùng với đó, lực lượng kiểm lâm, chuyên trách bảo vệ rừng còn tổ chức luân phiên trực ở các chốt bảo vệ rừng ở thôn Cựp, Km64 và Km68 vùng giáp ranh với rừng của xã Hồng Thủy, xã Hồng Vân, huyện A Lưới.
Phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị giáp ranh thường xuyên tuần tra, truy quét tại các khu vực trọng điểm nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ khai thác, vận chuyển, cất giấu lâm sản trái phép. Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm KBTTN Đakrông Đinh Thiên Hoàng cho biết, trong năm 2021, tại khu vực giáp ranh lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và tịch thu 3 máy cưa xăng, 1 máy tời gỗ, 2 xe máy độ chế; 5,285m3 lâm sản; thiêu hủy 6 lán trại dựng trái phép trong rừng đặc dụng. Ngoài ra, còn phát hiện và đình chỉ kịp thời 1 vụ luỗng phát rừng làm nương rẫy với tổng diện tích 0,3 ha; tháo gỡ, thiêu hủy 109 bẫy động vật rừng…
“Nhờ làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng nên từ đầu năm đến nay, tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán, tàng trữ lâm sản, phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp trái pháp luật đã được hạn chế; các vụ việc xảy ra đều được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời”, ông Hoàng cho hay.
Trao đổi với chúng tôi về những giải pháp quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh, Chủ tịch UBND xã A Bung Lê Quang Thạch cho biết, thời gian tới, cùng với việc tiếp tục duy trì, kiện toàn 10 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, UBND xã A Bung tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các xã Hồng Thủy, Hồng Vân, huyện A Lưới trong việc tuyên truyền vận động Nhân dân chấp hành pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR; tiếp tục hoạt động sản xuất ổn định trên phần đất đã canh tác từ trước đến nay, giữ nguyên hiện trạng và tuyệt đối không được lấn chiếm, đốt rừng làm nương rẫy trên đất không được quy hoạch làm nương rẫy, đất của KBTTN Đakrông.
Tổ chức ký cam kết với các hộ gia đình tuyệt đối không có các hành vi xâm lấn, xâm hại rừng tự nhiên làm nương rẫy, các hành vi tiếp tay hoặc trực tiếp khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ trái phép. Duy trì lực lượng trực 24/24 tại các trạm, chốt bảo vệ rừng. Đẩy mạnh công tác phối hợp tuần tra, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Phối hợp với các đơn vị, lực lượng biên phòng giám sát, quản lý người ra, vào khu vực rừng để có các biện pháp ngăn chặn, đẩy đuổi các đối tượng khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng trái phép…
“Về lâu dài, do điều kiện đất đai, khí hậu và tập quán canh tác của các địa phương là tương đồng, do đó UBND các xã A Bung, xã Hồng Thủy, Hồng Vân đã có cam kết chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả, các cách làm hay về tạo sinh kế cho người dân thoát nghèo mà không phụ thuộc vào rừng tự nhiên”, ông Thạch cho biết thêm.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)