Thành quả 25 năm đạt được là tiền đề quan trọng để huyện Đakrông vững bước đi lên

PV |

Cách đây 25 năm, ngày 1/1/1997 huyện Đakrông (Quảng Trị) chính thức được thành lập và đi vào hoạt động theo Nghị định số 83/NĐ-CP, ngày 17/12/1996 của Chính phủ trên cơ sở 10 xã đặc biệt khó khăn của huyện Hướng Hóa và 3 xã khó khăn của huyện Triệu Phong.

Những ngày đầu mới thành lập bao bộn bề của một huyện miền núi với xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế - xã hội vô cùng khó khăn; cơ sở hạ tầng thiếu thốn, lạc hậu, phương thức, tập quán sản xuất của người dân vẫn theo truyền thống cũ (phát, đốt, cốt, trĩa); công nghiệp, thương mại - dịch vụ chỉ mới sơ khai; đời sống của Nhân dân hết sức khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo trên 70%.

Trước yêu cầu nhiệm vụ đặt ra của Đảng bộ huyện là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ổn định tổ chức bộ máy hoạt động của hệ thống chính trị; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt; thực hiện chuyển đổi mạnh phương thức sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, công tác giáo dục - đào tạo để nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe Nhân dân và quan tâm giải quyết nhiều vấn đề xã hội đang còn tồn tại.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được Đảng bộ huyện chú trọng, không ngừng đổi mới và đạt được những kết quả tích cực. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) ngày càng được nâng cao, khối đại đoàn kết các dân tộc không ngừng được củng cố và tăng cường. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cùng với việc triển khai thực hiện cuộc vận động theo Chỉ thị 06-CT/TW (khóa X), Chỉ thị 03-CT/TW (khóa XI) và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” được tổ chức thực hiện sâu rộng trong toàn Đảng bộ. Việc tổ chức diễn đàn “ Vai trò của chi bộ, đảng viên trong việc giáo dục quản lý cán bộ, đảng viên để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được thực hiện ở tất cả các chi bộ, đảng bộ gắn với chủ đề hằng năm đã tạo nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét.

Trên cơ sở đó giúp cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, hạn chế khuyết điểm, góp phần ngăn ngừa các vi phạm về đạo đức, lối sống, kịp thời phê bình, uốn nắn những nhận thức lệch lạc. Công tác cán bộ được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đảm bảo đồng bộ, thống nhất; đúng nguyên tắc. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được thực hiện nghiêm túc theo đúng Quy định 126- QĐ/TW của Bộ Chính trị “Về một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”. Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức được tuyển dụng, bổ nhiệm theo đúng quy định của nhà nước, đảm bảo về trình độ chuyên môn, đã qua bồi dưỡng nghiệp vụ và khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ được gắn với công tác quy hoạch, đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ được tiến hành dân chủ, công khai, nghiêm túc, đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, khắc phục được tình trạng khép kín, cục bộ địa phương. Trong đó coi trọng việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí nguồn cán bộ tại chỗ, nhất là cán bộ trẻ, nữ, cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số; công tác luân chuyển, điều động cán bộ được triển khai thực hiện có hiệu quả. Qua đó, đã từng bước sắp xếp, điều chỉnh đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ huyện đến cơ sở phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, tạo điều kiện để bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ, nhất là đối với đội ngũ cán bộ trẻ có triển vọng. Thông qua việc quy hoạch cán bộ, đã chuẩn bị tốt nhân sự đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Kịp thời củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ; tổ chức tốt công tác đánh giá cán bộ, luân chuyển, bố trí sắp xếp cán bộ công chức hợp lý.

Đây là điều kiện thuận lợi cũng như tạo môi trường làm việc, giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của huyện không ngừng trưởng thành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhiều cán bộ trưởng thành, nắm giữ những cương vị lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, của các huyện và các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh. Chính quyền từ huyện đến cơ sở thường xuyên được xây dựng, kiện toàn, đổi mới phong cách làm việc ngày càng phát huy hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội không ngừng được củng cố, xây dựng và trưởng thành về mọi mặt, phát huy vai trò vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Bên cạnh đó, Đảng bộ luôn quan tâm lãnh đạo thực hiện tốt công tác kiện toàn, sắp xếp các tổ chức đảng gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết 18,19 -NQ/TW đảm bảo đúng quy định (hiện nay đã giảm 7 TCCSĐ) do giải thể, sáp nhập, sắp xếp. Công tác phát triển đảng viên và xóa chi bộ sinh hoạt ghép được quan tâm, nhất là ở thôn, khóm, địa bàn ít đảng viên. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã kết nạp 665 đảng viên, đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Đến nay, toàn huyện có 30 TCCSĐ,160 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, có trên 2.733 đảng viên. Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được nâng cao về chất lượng, đáp ứng tốt các nhiệm vụ ở địa phương. Qua đánh giá xếp loại TCCSĐ, chính quyền đạt trong sạch vững mạnh hằng năm đều tăng so với năm trước.

Trải qua 25 năm, với 6 kỳ Đại hội Đảng bộ huyện, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ giúp đỡ có hiệu quả của Trung ương, của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, của các sở, ban ngành cấp tỉnh và các địa phương, đơn vị trong và ngoài huyện, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Đakrông đã chung lưng đấu cật, phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, khơi dậy nội lực, phát huy tiềm năng thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững; củng cố quốc phòng - an ninh; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân đã khởi sắc, diện mạo của huyện miền núi phát triển và đổi mới từng ngày. Tốc độ tăng trưởng kinh tế các giai đoạn ở mức khá, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 16,4%.
Lễ hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch các dân tộc huyện Đakrông lần thứ II, năm 2019 - Ảnh: PV
Lễ hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch các dân tộc huyện Đakrông lần thứ II, năm 2019 - Ảnh: PV

Tổng giá trị sản xuất các ngành tăng từ 27,5 tỉ đồng năm 1997 lên 1.070,16 tỉ đồng năm 2021. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên 25,4 triệu đồng vào năm 2021. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội từ chỗ thấp kém đến nay đã có bước tiến bộ vượt bậc, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội - dân sinh. Khi mới thành lập, chỉ có các thôn gần trung tâm huyện lỵ có điện, đến nay 100% thôn bản đã có điện lưới quốc gia; đường ô tô đã vào được 100% trung tâm xã, thị trấn; hệ thống đường liên xã, liên thôn bản đang dần được hoàn thiện; trên 85% số hộ gia đình đã được dùng nước sạch và nước hợp vệ sinh.

Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Quy mô giáo dục, mạng lưới trường, lớp tiếp tục được mở rộng và sắp xếp hợp lý đáp ứng nhu cầu dạy và học. Đến nay huyện đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao phát triển đa dạng, rộng khắp trên địa bàn, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và sức khỏe của Nhân dân. Công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số đạt được những kết quả tích cực. Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư đạt được nhiều kết quả. Hoạt động báo chí, phát thanh truyền hình có sự chuyển biến vượt bậc.

Từ chỗ là địa bàn trắng về sóng phát thanh truyền hình, đến nay 100% xã, thị trấn có trạm truyền thanh, tỉ lệ phủ sóng đạt 95%. Mạng lưới y tế, cơ sở khám, chữa bệnh được tăng cường, đầu tư nâng cấp bảo đảm tốt hơn công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân; đội ngũ y, bác sĩ được bổ sung về số lượng, nâng cao chất lượng, 100% trạm y tế xã có bác sĩ, 100% thôn bản có nhân viên y tế và có 13/13 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ngày càng được nâng cao. Các chính sách an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả, nhất là chương trình hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ đã góp phần nâng cao đời sống của Nhân dân, tỉ lệ hộ đói nghèo hằng năm giảm 4-5%.

Tình hình an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định; quốc phòng - an ninh được củng cố, tăng cường. Công tác lãnh đạo, giáo dục cán bộ, đảng viên và Nhân dân nâng cao cảnh giác cách mạng trước âm mưu “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch được chú trọng. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm đạt nhiều kết quả…

Với những thành quả sau 25 năm huyện đã đạt được là cơ sở vững chắc, tạo tiền đề cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Đakrông trong chặng đường mới, với quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; đoàn kết, đổi mới; phát huy lợi thế, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đưa huyện giảm nghèo bền vững”. Để đạt được mục tiêu trên, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong toàn huyện đã quyết tâm xây dựng bản lĩnh chính trị, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu, đó là: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tính bền vững; chuyển đổi mạnh mẽ sản xuất nông - lâm - thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa; phát triển và bảo vệ tài nguyên rừng theo hướng bền vững.

Chú trọng phát triển công nghiệp và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng Cụm công nghiệp thị trấn Krông Klang, xây dựng quy hoạch chi tiết Cụm công nghiệp Tà Rụt; khai thác có hiệu quả Hành lang kinh tế Đông - Tây, Cửa khẩu quốc tế La Lay; đẩy mạnh khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của huyện. Tiếp tục thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới. Củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; củng cố quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần đưa huyện giảm nghèo bền vững.

25 năm đối với lịch sử phát triển của một huyện miền núi không phải là dài nhưng nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển của huyện Đakrông thật đáng trân trọng và tự hào. Ghi nhận những thành tích đạt được, Đảng bộ và Nhân dân huyện Đakrông đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba, nhiều cờ thi đua. Nhiều tập thể, cá nhân được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Quảng Trị.

Qua đó đã khẳng định bước trưởng thành của huyện Đakrông trong thực hiện đường lối đổi mới đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện, thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Có được những thành tựu đó là quá trình hun đúc từ truyền thống cách mạng kiên cường của đồng bào các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, là thành tựu của sự cống hiến của bao thế hệ lãnh đạo, lực lượng vũ trang và Nhân dân huyện Đakrông trong hành trình phát triển.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam kiểm tra công tác phòng, chống COVID-19 tại huyện Đakrông

Trần Tuyền |

Ngày 28/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Hoàng Nam kiểm tra công tác phòng, chống COVID-19 tại huyện Đakrông.

Kịp thời hỗ trợ 239 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn ở vùng phong tỏa tạm thời tại huyện Đakrông

Quang Đăng |

Ngày 22/11, Hội LHPN huyện Đakrông (Quảng Trị) đã trao 239 suất quà gồm gạo, mì ăn liền, rau, củ, quả các loại cho hội viên phụ nữ ở thị trấn Krông Klang và các xã: Hướng Hiệp, Mò Ó, Tà Long. Gia đình các hội viên được hỗ trợ đều nằm trong vùng phong tỏa tạm thời, gặp nhiều khó khăn do COVID-19.

Trao gạo của bạn đọc cho người dân nhiễm COVID-19 ở huyện Đakrông

Thiên Sơn |

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị), nhiều tổ chức, cá nhân đã kêu gọi hỗ trợ lương thực cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi này.

Nhiều hộ dân nhiễm COVID-19 ở Đakrông cần được hỗ trợ lương thực kịp thời

Trần Hà |

30 trường hợp xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2 được ghi nhận chủ yếu tại huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị).