Bán hàng ngay tại bến cá bằng… online

An Phong |

Cách đây vài năm, những người thu mua thủy, hải sản phải vất vả mang những mẻ cá, mực, tôm, ghẹ... thu mua được của ngư dân, vượt quãng đường hàng chục cây số đến các phiên chợ để bán. Bây giờ, nhiều người thu mua thủy, hải sản cũng như vợ con của ngư dân ở xã Gio Việt, thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh), xã Triệu An (huyện Triệu Phong) đã bán thủy, hải sản bằng cách online ngay tại bến cá.

Gần 6 giờ sáng, Cảng cá Cửa Việt (xã Triệu An, Triệu Phong) đã tấp nập tàu, thuyền cập bến sau chuyến biển. Giữa ồn ào, náo nhiệt tiếng người mua, người bán, vẫn vang lên giọng rao bán thủy, hải sản của anh Nguyễn Lãm ở Khu phố 6 (thị trấn Cửa Việt, Gio Linh): “Tàu về bến rồi nhé mọi người. Có cá bớp, ghẹ, mực ống tươi nhấp nháy luôn. Mọi người xem cá, ghẹ, mực rồi báo em chốt đơn, không thì nhanh chân xuống lựa chọn nhé...”. Quay sang tôi, anh Lãm cười: “Gắng đợi tôi ít phút nhé. Giờ có nhiều khách hàng đang xem trực tuyến cá, mực, ghẹ... để chốt đơn hàng. Chốt xong các đơn hàng, tôi sẽ tiếp chuyện anh. Anh thông cảm. Công việc hằng ngày của những người buôn bán thủy, hải sản như vợ chồng tôi luôn bận rộn vào thời điểm sáng sớm khi tàu cá cập bến...”. Ngồi bên cạnh, chị Bùi Thị Nhi (vợ anh Lãm) cẩn thận ghi chép tên từng khách hàng đặt mua cá, mực, tôm, ghẹ… Khi khách yêu cầu xem cận cảnh các loại thủy, hải sản, anh Lãm một tay cầm smartphone đưa sát thùng xốp đựng hàng, rồi dùng tay còn lại lật qua, lật lại để quay từng con cá, mực, ghẹ, tôm… giúp khách hàng thấy được độ tươi ngon của hàng vừa đánh bắt được. Công việc online bán cá, mực, ghẹ… cứ kéo dài cho đến 8 giờ sáng mới bán hết gần 1/3 lượng hàng thu mua từ tàu cá. “Số hàng còn lại, vợ chồng tôi sẽ mang về nhà. Cứ loại thủy, hải sản nào còn sống thì nhanh chóng cho vào bể chứa nước biển, rồi dùng máy sục khí để hàng luôn tươi sống; còn lại thì bảo quản bằng nhiều lớp đá lạnh để giữ độ tươi ngon. Đến gần chiều tối, khách hàng từ những người buôn bán lẻ cho đến các chủ nhà hàng sẽ đến tận nhà để lấy hết lượng hàng mà vợ chồng tôi mang về nhà…”.

Một chủ hàng đang online bán mực tươi cho khách tại nhà - Ảnh: A.P​
Một chủ hàng đang online bán mực tươi cho khách tại nhà - Ảnh: A.P​

Anh Nguyễn Lãm cho biết, vợ chồng anh “hợp đồng” thu mua hàng với khoảng 70 - 80 tàu, thuyền đánh bắt thủy, hải sản. Phương thức “hợp đồng” là người thu mua thủy, hải sản cho các tàu, thuyền vay vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng để mua sắm thêm ngư lưới cụ. Đổi lại, chủ các tàu, thuyền khi cập bến sẽ bán hàng cho người thu mua đã cam kết với chủ tàu, thuyền ấy mà không bán cho những người khác. Sản lượng thủy, hải sản mà vợ chồng anh Lãm thu mua từ các tàu, thuyền bình quân mỗi ngày giao động từ 5 - 7 tạ (cao điểm là 1 - 2 tấn/ngày). Trước khi tàu, thuyền cập bến, anh Lãm thường điện thoại cho một số thuyền viên quen biết trên tàu, thuyền quay video clip cá, mực, ghẹ… mới đánh bắt được để đăng lên facebook giới thiệu cho khách hàng tham khảo, lựa chọn. “Người buôn bán thủy, hải sản ở xã Gio Việt, thị trấn Cửa Việt, xã Triệu An hiện tại online bán hằng ngay tại bến như vợ chồng tôi khá nhiều. Việc online bán hàng qua facebook rất được khách hàng ưa chuộng, bởi khách hàng ở xa hoặc ở gần không cần phải xuống tận Cảng cá Cửa Việt cũng có thể lựa chọn cá, tôm, mực, ghẹ tươi ngon cho bữa ăn hằng ngày của gia đình. Ngồi ở nhà cũng có thể biết được giá cả của từng loại thủy, hải sản. Mức giá bán thủy, hải sản luôn sát với giá thị trường, thậm chí thấp hơn, miễn sao bán hết lượng hàng thu mua được trong ngày để đảm bảo thủy, hải sản tươi ngon phục vụ khách hàng”…

Bà Hoàng Thị Gái ở Khu phố 5 (thị trấn Cửa Việt, Gio Linh) nhớ lại: “Gần 50 năm gắn bó với nghề buôn bán thủy, hải sản nên tôi hiểu cái nghề này lắm. Ngày xưa buôn bán thủy, hải sản vất vả, cực nhọc vô cùng chứ không như bây giờ. Muốn bán được mẻ cá, mực, ghẹ… thu mua được của ngư dân, phải gồng gánh trên con đường băng qua những trảng cát dài ngút mắt để lên chợ Cầu (thị trấn Gio Linh) hoặc nhiều phiên chợ khác trên địa bàn huyện Gio Linh để bán. Quãng đường cả đi lẫn về của người buôn bán thủy sản ở miền biển phải tính bằng thời gian cả ngày. Sau này, khi đường sá đi lại thuận lợi hơn, người buôn bán thủy, hải sản bắt đầu sử dụng xe máy để vận chuyển cá, mực, ghẹ… đến nhiều phiên chợ ở khắp các vùng trong tỉnh để bán. Việc vận chuyển hàng bằng xe máy cũng vất vả, nguy hiểm muôn phần. Từ sáng sớm, sau khi thu mua hàng xong, người buôn bán thủy, hải sản phải chất 40 - 50 kg hàng lên xe máy và chạy gần trăm cây số đến các phiên chợ mới mong bán được hàng. Nhiều hôm bán không hết, phải chở hàng quay về nhà để tiếp tục bảo quản và chịu lỗ chi phí chuyến đi. Rồi trên đường đi, do người buôn bán chở hàng cồng kềnh nên luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông…”.

Hiện nay, những người buôn bán thủy, hải sản ở xã Gio Việt, thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh), xã Triệu An (huyện Triệu Phong) đã năng động hơn khi online bán hàng tại bến, tại nhà. Nhất là các đợt COVID-19 diễn biến phức tạp vừa qua, các phiên chợ thực hiện việc giãn cách xã hội thì online bán thủy, hải sản bắt đầu khẳng định được lợi thế trong thực tế. Nếu như trước đây chưa online bán hàng, khách đặt trước bao nhiêu giao bấy nhiêu, còn lại phải đi rao nài để bán được hàng. Giờ đây, cứ tàu, thuyền vừa cập bến, khách quen đợi sẵn, khách vãng lai cũng đông nên không lo ế. Đối với những người online bán thủy, hải sản hay bán ngoài chợ thì “chữ tín” phải đặt lên hàng đầu. Và “chữ tín” ấy được những người online bán thủy, hải sản thực hiện bằng việc bán hàng tươi ngon cho khách hàng; nếu khách hàng không ưng ý có thể trả lại hàng cho người bán.

“Mua cá, mực, ghẹ… online đỡ mất thời gian ra chợ, mà vẫn lựa chọn được hàng tươi ngon. Và tôi cũng rất thích xem những mớ cá, ghẹ, mực tươi nhấp nháy mà ngư dân đánh bắt từ biển khơi được những người bán quay cận cảnh. Mỗi lần xem đều có sự thú vị riêng. Bởi cứ như mình được sờ nắn từng con mực, cá tươi ngon. Tôi cũng mừng cho những người buôn bán thủy, hải sản có thêm cách bán hàng mới để tiếp cận thị trường”, chị Dương Thị Đào ở thôn Hà Tây (xã Triệu An, Triệu Phong) chia sẻ.

(Nguồn: baoquangtri)

TAGS

Công ty cổ phần May và Thương mại Gio Linh: Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Hoàng Nam Bằng |

Công ty cổ phần May và Thương mại Gio Linh (Quảng Trị) được thành lập và đi vào hoạt động đến nay đã 5 năm. Từ một tổ hợp may buổi đầu với vài chục công nhân, nằm trong khu vực Trường Dạy nghề nông dân tỉnh, đến năm 2017 khi xây dựng xong nhà máy ở Khu công nghiệp Quán Ngang, số lượng công nhân tăng lên 400 người. Từ năm 2019 đến nay ổn định ở mức 500 cán bộ, công nhân. Trong đó có khoảng 50 người có trình độ đại học, một số người có chuyên môn nghiệp vụ khá cao, thành thạo về ngoại ngữ, có khả năng giao tiếp với khách nước ngoài.

Gio Linh khởi sắc từ kinh tế biển

Nguyên Bảo |

Với đường bờ biển dài, bãi tắm đẹp, tập trung nhiều tàu thuyền khai thác hải sản, kinh tế biển hiện đang là thế mạnh của huyện Gio Linh (Quảng Trị). Huyện Gio Linh đã có nhiều khởi động trên các lĩnh vực du lịch, đánh bắt thủy hải sản và kêu gọi đầu tư đang tạo đà cho một năm với những khởi sắc mới từ kinh tế biển. Địa phương đã và đang có chiến lược quan trọng nhằm từng bước khai thác phát huy tốt tiềm năng và lợi thế từ biển phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tỉnh uỷ Quảng Trị làm việc với huyện Gio Linh về các dự án trọng điểm

Mai Linh - Minh Dương |

Ngày 3/3, đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Trị do đồng chí Lê Quang Tùng, UVBCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ làm trưởng đoàn có chuyến khảo sát thực địa một số dự án và làm việc với Ban Thường vụ Huyện uỷ Gio Linh để nghe báo cáo về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Mang ‘Ước mơ xuân’ đến với trẻ em huyện Gio Linh

Trần Tuyền |

Ngày 31/1/2021, tại Trường TH & THCS Trung Giang, xã Trung Giang, huyện Gio Linh (Quảng Trị), Hội đồng Đội tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Ước mơ xuân” năm 2021.