Bừng sáng đèo Cùa

Đan Tâm |

Trong lần trở lại vùng Cùa mới đây, tôi đã cố công tìm cho được góc máy nơi gần 30 năm trước, nhà báo, cựu chiến binh Lê Bá Dương đã đứng để chụp bức ảnh mà khi có dịp nhìn ngắm, đã chạm đến sự yêu thương, thấu cảm mảnh đất đèo heo hút gió một thuở chưa xa này trong lòng những người yêu quê hương Cam Lộ.

1. Bức ảnh anh Dương chụp được đặt tên là “Đường Cùa dáng mẹ”. Bức ảnh giản dị như một nhát cắt cuộc sống của người dân quê tôi dầu dãi nắng mưa, đời này qua đời khác, làm lụng nuôi mình, nuôi con, và khi cần, họ sẽ lấy sức lực, xương máu của mình để bảo vệ, giữ gìn quê cha đất tổ. Trên một đoạn đèo Cùa cong cong hình chữ S, màu đất sỏi hoe hoe đỏ hằn vết bao chân người qua. Hoa sim, hoa mua và vô vàn cỏ dại cũng chưa thể khỏa lấp được sự khô cằn chang chang nơi miền nắng lửa. Đúng nơi eo thắt nhất của con đường đèo là hình ảnh một người mẹ xứ Cùa đội chiếc nón lá, trĩu nặng gánh chè tươi trên vai. Bà mẹ như một điểm nhấn tảo tần trên hình hài cách điệu của đất nước khiến người xem phải rưng rưng nước mắt…

Đường Cùa dáng mẹ - Ảnh: LÊ BÁ DƯƠNG​
Đường Cùa dáng mẹ - Ảnh: LÊ BÁ DƯƠNG​

Tôi đã tìm đúng chỗ anh Lê Bá Dương đứng để dựng khuôn hình bức ảnh tâm đắc của mình ngót ba thập kỷ trước. Nhưng trước tầm mắt tôi đang đứng đây, cảnh cũ không còn. Mở ra khoáng đạt là con đường nhựa rộng rãi vươn giữa màu xanh điệp trùng của cây lá. Những cột đèn thắp bằng năng lượng mặt trời nối nhau theo sát lề đường chạy dọc theo hướng chợ Cùa. Đêm đêm, đèo Cùa bừng sáng ánh điện như một chỉ dấu của sự đổi thay kỳ diệu mà mới hôm qua đây thôi, chưa có ai hình dung ra được.

2. Nói chưa có ai hình dung ra được cũng bởi một lẽ xưa nay, đèo Cùa vẫn là một địa danh gợi sự trắc trở, khúc khuỷu, lam sơn chướng khí, quan ngại lòng người. Sử cũ có ghi, hơn 130 năm trước, vào năm 1883, trước sự uy hiếp của quân đội Pháp, Huế không còn là kinh đô an toàn của vua quan triều Nguyễn; do đó những người theo phái chủ chiến trong triều đình đứng đầu là Thượng thư Bộ Binh Tôn Thất Thuyết, quan Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường đã bí mật tổ chức sơn phòng ở các tỉnh để chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Trong bối cảnh đó, một kinh đô dã chiến đã được xây dựng ở Quảng Trị. Đó là sơn phòng Quảng Trị/căn cứ Tân Sở/ thành Tân Sở tại vùng Cùa. Điều đáng lưu tâm là ở thời điểm đó, con đường chính thuận lợi để vào Cùa chỉ có một hướng độc đạo từ Tân Tường vượt qua đèo Cùa. Chính Nguyễn Văn Tường đã có công sửa chữa làm cho con đường này trở nên đi lại dễ dàng hơn trước khi lập căn cứ Tân Sở. Đây còn là con đường kín đáo dùng để vận chuyển vũ khí, vàng bạc, quân lương cho Tân Sở từ các bến thuyền trên sông Hiếu. Dọc trên tuyến độc đạo từ huyện lỵ Cam Lộ vào Tân Sở được dựng nhiều đồn binh canh phòng, bố trí nhiều đại bác, nhất là đoạn đèo trước khi vào Cùa. Theo A. Laborde, công sứ Pháp tại An Nam, chính những người lính Pháp đã đặt tên cho đoạn đèo Cùa là đèo Canon/ Đại Bác vì khi tấn công vào Tân Sở, họ đã thấy hai bên đường được bố trí khá nhiều khẩu đại bác.

 
Một đoạn đèo Cùa đã được thắp sáng bằng đèn năng lượng mặt trời - Ảnh: Đ.T​

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đèo Cùa là tuyến độc đạo nối hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa, vùng chiến khu cách mạng với quận lỵ Cam Lộ. Địa bàn huyện Cam Lộ lại có vị trí chiến lược về chính trị và quân sự. Đây là nơi tập trung nhiều đầu mối giao thông quan trọng như Quốc lộ 1, đường sắt Bắc- Nam, Quốc lộ 9, có sông Hiếu nối liền cảng Đông Hà và Cửa Việt. Với địa hình bán sơn địa, Cam Lộ có vành đai đồi núi bao bọc với nhiều cứ điểm trọng yếu nằm dọc theo Quốc lộ 9 như Đầu Mầu, cao điểm 544, 241, Đồi Tròn, Động Toàn, căn cứ Phu Lơ của địch tạo thành hệ thống liên hoàn nối liền với dãy Trường Sơn qua đất bạn Lào. Toàn bộ địa bàn Cam Lộ nằm trọn trên tuyến phòng thủ vòng ngoài mà Mỹ- ngụy đã xây dựng ở bờ Nam sông Bến Hải. Đối với ta, Cam Lộ là địa bàn chiến lược, nơi đứng chân của các lực lượng kháng chiến, là cầu nối với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là gọng kìm uy hiếp địch ở mặt trận phía Tây của tỉnh Quảng Trị. Vào tháng 7/1964, Nhân dân vùng Cùa đã nổi dậy diệt ác, phá kềm, tổ chức cuộc đồng khởi thắng lợi. Năm 1971, xã Cam Chính được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, góp phần làm nên thời khắc đúng 16 giờ ngày 2/4/1972, cờ cách mạng tung bay trên bầu trời Cam Lộ, đánh dấu quê hương Cam Lộ hoàn toàn giải phóng.

Sau ngày quê hương giải phóng đến một thời gian dài sau ngày huyện Cam Lộ được lập lại (tháng 10/1991), đường đèo Cùa từng ám ảnh người qua bởi dốc dài hun hút trên nền đất cằn đá sỏi. Mùa hè bụi đường thổi thốc tháo vào mặt người. Mùa đông, đất đỏ đặc quánh lại đến đi bộ cũng khó. Từ xế chiều đến ban đêm, chỉ có ai vững dạ mới dám vượt qua đoạn đèo Cùa chỉ dài chừng 10 cây số vì thăm thẳm, hoang vu, bất trắc…

Bây giờ, đèo Cùa lại là nơi khách bộ hành vẫn thường hay đến như một sự trải nghiệm thú vị trước khi vào Cùa thưởng thức đặc sản gà Cùa, cơm gạo mới vùng Cùa, thắp nén hương tri ân trên bàn thờ vị vua yêu nước trẻ tuổi Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương, đi dạo trên những “miền đầy hoa” nông thôn mới kiểu mẫu ... Không đủ dài để chồn chân người đi, không đủ cao để làm cho khách bộ hành rợn ngợp, đèo Cùa thong dong và duyên dáng như eo thắt của người con gái xứ Cùa đôn hậu…

3. Mới đây, một thông tin làm nức lòng người, chào mừng Cam Lộ đón nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh, Công an huyện Cam Lộ đã triển khai chương trình “Thắp sáng đèo Cùa”, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài huyện quyên góp ủng hộ để lắp đặt 25 trụ đèn năng lượng mặt trời, có công suất chiếu sáng 300W, tích điện từ ánh sáng mặt trời có thời gian sử dụng hơn 24 giờ, với tổng kinh phí 180 triệu đồng. Được biết, trong thời gian tới, Công an huyện sẽ tiếp tục kêu gọi lắp đặt thêm các trụ đèn để tăng độ chiếu cho toàn tuyến, đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông qua đèo Cùa.

Gần 3 km đèo Cùa đã được thắp sáng từ nỗ lực và những tấm lòng khát khao chung tay xây dựng quê hương. Từ uất hận, tăm tối; từ trắc trở, gập ghềnh, đèo Cùa hôm nay đã êm thuận và bừng sáng, nối nhịp “từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui” như nhà thơ Chế Lan Viên, người con của quê hương Cam Lộ đã xúc cảm.

Đèo Cùa bừng sáng như quê hương nông thôn mới Cam Lộ trung dũng, nghĩa tình đang ngày thêm khởi sắc.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Khoảng 70 ngàn lượt khách đến Huế trong tháng 8

Đức Quang |

Ngày 28/8, Sở Du lịch thông tin, tổng lượng khách đến Huế trong tháng 8/2020 ước khoảng 70 ngàn lượt, đạt 18% so với tháng 8/2019.

Bảo vệ rừng gắn với phát triển du lịch

Linh Xuân |

Ngoài vai trò bảo tồn loài, sinh cảnh, chắn sóng, bảo vệ sản xuất, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, rừng ở Quảng Trị còn giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế thông qua các hoạt động du lịch. Thời gian qua, bằng các chính sách, giải pháp đồng bộ của tỉnh, sự thực hiện có hiệu quả công tác quản lí, bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm và phát triển tài nguyên rừng của cả ngành lâm nghiệp đã góp bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt góp phần phát triển du lịch sinh thái tại Quảng Trị.

Farmstay ở A Lưới, cần thay đổi để phát triển

Hữu Phúc |

Hình thành từ tháng 7/2019 và từng được nhiều người đánh giá triển vọng phát triển, nhưng mô hình farmstay ở A Lưới đến nay vẫn chưa đem lại nguồn thu thực sự cho người làm du lịch, việc duy trì và phát triển mô hình này cũng cần được nghiên cứu lại.

Có 153 nhà thầu mua hồ sơ 3 dự án vốn đầu tư công cao tốc Bắc-Nam

Việt Hùng |

Bộ Giao thông Vận tải sẽ chọn các nhà thầu thực sự đáp ứng được về năng lực cũng như có kinh nghiệm nhằm đảm bảo chất lượng và tiến độ thi công cao tốc Bắc-Nam.