Farmstay ở A Lưới, cần thay đổi để phát triển

Hữu Phúc |

Hình thành từ tháng 7/2019 và từng được nhiều người đánh giá triển vọng phát triển, nhưng mô hình farmstay ở A Lưới đến nay vẫn chưa đem lại nguồn thu thực sự cho người làm du lịch, việc duy trì và phát triển mô hình này cũng cần được nghiên cứu lại.

Chưa có nguồn thu

Ghé xã Hồng Hạ thăm các mô hình du lịch cộng đồng, mới biết chuyện làm du lịch của người dân vẫn còn nhiều trăn trở. Dịch bệnh chỉ tác động một phần, riêng mô hình farmstay lại khiến người dân băn khoăn tính hiệu quả. Anh Hồ Văn Lộc, một hộ dân làm du lịch ở Hồng Hạ trải lòng: “Dịch COVID-19 ảnh hưởng chung đến du lịch nhưng nếu so sánh, homestay với các hoạt động du lịch cộng đồng đi kèm vẫn còn thu hút được khách. Còn với farmstay, từ ngày mở ra, chỉ có du khách đến chụp hình selfie miễn phí”.

Farmstay tại xã Hồng Hạ (A Lưới) thu hút khách gần xa
Farmstay tại xã Hồng Hạ (A Lưới) thu hút khách gần xa. Ảnh: Hữu Phúc

Mô hình farmstay tại xã Hồng Hạ mở ra từ tháng 7/2019. Theo ông Hồ Viết Lương, Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ, trên cánh đồng lúa diện tích khoảng 2 ha, người dân góp công làm mô hình du lịch này, kinh phí đầu tư khoảng 70 - 80 triệu đồng. Đáng tiếc, ngoài dịch vụ đi kèm như ẩm thực, giải khát có khách sử dụng thì mô hình du lịch này chưa sinh lời, khó khăn về thu nhập dẫn đến tâm lý người dân dần ít mặn mà.

Cái khó của mô hình farmstay tại xã Hồng Hạ là phụ thuộc vào mùa vụ, điều kiện tự nhiên sẵn có, cụ thể là dựa vào vụ lúa trên đồng. Cách làm này khá bị động, bởi sau vụ lúa khung cảnh không còn như “kịch bản”, farmstay gần như tạm gác lại, chờ vụ sau. Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cũng cho rằng, nếu gián đoạn các hoạt động trải nghiệm nông nghiệp do mùa vụ, khi quay trở lại, người dân làm du lịch cũng giảm hứng thú và hiệu quả khó cao.

Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới trăn trở, mô hình farmstay tại xã Hồng Hạ còn mang tính tự phát, chưa thực sự bài bản dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa như mong muốn. Vấn đề trên rất đáng tiếc với triển vọng từ ý tưởng làm du lịch khá hay. Để phát triển farmstay hiện tại và nhân rộng mô hình này, cần phải có quá trình khảo sát, nghiên cứu lại.

Để farmstay hút khách

Điều kiện tự nhiên, thời tiết và nhiều yếu tố liên quan đến văn hóa, ẩm thực… là cơ hội tốt để A Lưới đủ sức phát triển những mô hình du lịch hiệu quả, trong đó có farmstay, như Đà Lạt và nhiều địa phương khác từng làm.

Đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới cho rằng, du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những hướng phát triển mà huyện hướng đến. Thời gian tới, có thể sẽ khảo sát thêm địa điểm để làm thêm mô hình farmstay, kết hợp với người dân dựa trên khai thác những yếu tố sẵn có: vườn tược, nương rẫy, ao hồ, để du khách cùng trải nghiệm với người dân. Sau trải nghiệm, những nông sản cũng có thể trở thành quà được du khách mua về.

Theo một số chuyên gia, A Lưới có thể phát triển mô hình farmstay, nhưng trước tiên phải đặt ra những chiến lược, giải pháp phù hợp. Chỉ riêng du lịch theo thời vụ đã cần phải thay đổi, bởi nếu đời sống người dân khó khăn, thu nhập không ổn định thì khó theo đuổi. Trái lại, với điều kiện tự nhiên vốn có, các địa phương có thể thích ứng bằng các mô hình trồng hoa theo mùa (bốn mùa hoa), cây ăn quả, thiết kế lại không gian phù hợp, đa dạng các trải nghiệm dựa trên đời sống của người dân miền sơn cước. “Cần có thêm những nghiên cứu để bổ sung thêm hướng sản xuất nông nghiệp mang tính thường xuyên, liên tục cùng các hoạt động trải nghiệm cho du khách”, ông Phúc gợi ý.

Lãnh đạo huyện A Lưới thừa nhận, để phát triển và nhân rộng mô hình farmstay, cần khảo sát kỹ để có phương án đầu tư cụ thể. Trên cơ sở nguồn lực xã hội hóa, sẽ xây dựng phương án hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư các mô hình du lịch bài bản, bố trí hợp lý hơn, đồng thời bàn với người dân về cách khai thác lợi thế du lịch trên cơ sở bảo tồn giá trị vốn có, bảo vệ môi trường bền vững.

Điểm yếu lâu nay của nhiều mô hình người dân làm du lịch là hạn chế trong khâu quảng bá. Dĩ nhiên, đi kèm còn có vai trò từ các ban, ngành chức năng và chính quyền địa phương. Vì thế, muốn phát triển farmstay cùng các dịch vụ du lịch, điều không thể thiếu là đẩy mạnh khâu giới thiệu để du khách khắp nơi biết đến.

(Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế)

TAGS

Để nền nông nghiệp tiếp tục phát triển toàn diện, hiệu quả

Vĩnh Nhiên |

Có thể khẳng định đối với tỉnh Quảng Trị, hiện nay nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục thể hiện là trụ cột của nền kinh tế. Vì vậy việc đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) sẽ trở thành động lực thúc đẩy sản xuất phát triển, giúp nông nghiệp của tỉnh có bước phát triển toàn diện theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, gắn sản xuất với chế biến, thị trường.

Đổi thay nhờ chuối mật mốc

Công Điền |

Quảng Trị có lợi thế đất bazan và tiểu vùng khí hậu phía Tây thích hợp trồng chuối, cà phê, tiêu, sắn... là điều kiện hình những vùng chuyên canh nông sản xuất khẩu.

Tận dụng, khai thác triệt để lợi thế Hành lang kinh tế Đông - Tây

Phương Minh |

Gần đây, khi đánh giá lại các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, có ý kiến cho rằng tỉnh Quảng Trị chưa khai thác hết lợi thế là tỉnh đầu cầu về phía Việt Nam (VN) nằm trên Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC). Vậy chúng ta thử xem đánh giá như vậy có thỏa đáng chưa? Và làm gì để tận dụng, khai thác triệt để tuyến hành lang quan trọng này?

Tự hào với bề dày truyền thống 45 năm Trường THPT thị xã Quảng Trị

Ths. Phan Thiên Nga |

Đứng tựa bên chân Thành Cổ anh hùng, Trường THPT thị xã Quảng Trị là địa chỉ đào tạo giáo dục tin yêu của phụ huynh và học sinh trên địa bàn tỉnh. Ngôi trường 45 năm tuổi đang vươn lên tỏa sáng với bề dày truyền thống và những thành tích đáng tự hào.