Tận dụng, khai thác triệt để lợi thế Hành lang kinh tế Đông - Tây

Phương Minh |

Gần đây, khi đánh giá lại các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, có ý kiến cho rằng tỉnh Quảng Trị chưa khai thác hết lợi thế là tỉnh đầu cầu về phía Việt Nam (VN) nằm trên Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC). Vậy chúng ta thử xem đánh giá như vậy có thỏa đáng chưa? Và làm gì để tận dụng, khai thác triệt để tuyến hành lang quan trọng này?

Có thể nói EWEC có vị trí quan trọng trong hợp tác kinh tế thương mại giữa VN và các nước tiểu vùng sông Mê Kông cũng như khu vực Đông Nam Á. Do đó, việc xây dựng hành lang kinh tế này là một trong những nội dung hợp tác khu vực quan trọng được các tổ chức quốc tế cũng như các quốc gia trong khu vực quan tâm. Sáng kiến hình thành hành lang kinh tế này được nêu ra tại Hội nghị Bộ trưởng các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng lần thứ 8 tổ chức tại Manila - Phillipines vào năm 1998.

Nghĩa trang liệt sĩ ở Khe Sanh. Ảnh minh họa
Nghĩa trang liệt sĩ ở Khe Sanh. Ảnh minh họa

EWEC dài 1.450 km, đi qua 13 tỉnh của 4 nước, bắt đầu từ thành phố cảng Mawlamyine (Myanmar) đến gặp cửa khẩu Myawaddy (Myanmar) - Mae Sot (Thái Lan), chạy qua 7 tỉnh Tak, Sukhothai, Kalasin, Phitsanulok, Khon Kaen, Yasothon và Mukdahan ở Thái Lan, qua tỉnh Savannakhet của Lào đến cặp cửa khẩu quốc tế Dansavanh (Lào) - Lao Bảo (VN) và qua các tỉnh thành Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng. Đây là sáng kiến của Nhật Bản phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhằm thúc đẩy hội nhập và liên kết kinh tế, thương mại, đầu tư và xoá đói giảm nghèo trong lưu vực sông Mê Kông. Để đón đầu khai thác hành lang kinh tế quan trọng này, ngay từ những năm 1990 tỉnh Quảng Trị đã tổ chức một cuộc hội thảo lớn về phát huy lợi thế đường 9. Sau đó, Tỉnh ủy Quảng Trị ban hành riêng một nghị quyết về khai thác Hành lang kinh tế Đông - Tây với nhiều nhiệm vụ, giải pháp được xác định nhằm khai thác lợi thế từ hành lang này để phát triển kinh tế - xã hội.

Những năm qua, nhiều dự án kết nối giao thông, phát triển đô thị, xóa đói giảm nghèo… với sự tài trợ của chính phủ các quốc gia, các tổ chức quốc tế đã làm cho nhiều vùng đất trên tuyến EWEC đi qua có bước phát triển nhất định. Chẳng hạn như sự phát triển các đô thị nằm trên EWEC của các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng phía VN cho đến các đô thị ở Lào, Thái Lan, Myanmar, nơi hành lang kinh tế đi qua. Điểm dễ nhận thấy nhất là xuất nhập khẩu hàng hóa nhộn nhịp hơn trên EWEC, theo đó dịch vụ, du lịch cũng phát triển theo. Tuy nhiên từ xuất phát điểm là những vùng đất hoang vu, thưa vắng nguồn nhân lực, các địa phương của nhiều quốc gia, không riêng gì VN nằm trên hành lang kinh tế này chưa có thể ngày một ngày hai có thể đổi thay nhanh chóng; điều đó còn tùy thuộc vào tài nguyên, sự tận dụng, khai thác hành lang kinh tế này của mỗi địa phương, của mỗi quốc gia.

Cửa khẩu La Lay (Đakrong, Quảng Trị)
Cửa khẩu La Lay (Đakrong, Quảng Trị)

Hiện nay, trên thực tế cũng như hệ thống thể chế, tỉnh Quảng Trị đang tập trung việc khai thác lợi thế từ Hành lang kinh tế Đông - Tây, mà một đột phá là tỉnh đang nỗ lực hình thành Hành lang kinh tế qua Cửa khẩu quốc tế La Lay về cảng Mỹ Thủy, kết nối với EWEC; đồng thời nghiên cứu, xây dựng các công trình giao thông huyết mạch, tạo hiệu ứng lan tỏa và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như đầu tư xây dựng các tổng kho xăng dầu, phát triển mạnh dịch vụ vận tải, mạng lưới kho tàng, bến bãi, dịch vụ logistic; xây dựng cảng trung chuyển hàng hoá bằng công-ten-nơ phục vụ lưu thông hàng hóa hai chiều giữa các nước ASEAN. Hướng tới xây dựng Quảng Trị trở thành điểm trung chuyển hàng hóa của các nước trong khu vực vào năm 2030. Nghiên cứu phát triển Khu kinh tế - thương mại Lao Bảo gắn với định hướng phát triển thương mại xuyên biên giới để hình thành Khu thương mại biên giới. Đẩy nhanh quá trình đầu tư để đưa vào khai thác cảng biển Mỹ Thủy; cảng Cửa Việt bờ Nam; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ Quốc lộ 1 về cảng Cửa Việt; mở rộng Quốc lộ 9 đoạn tránh phía Nam Đông Hà; xây dựng dự án cảng hàng không sân bay Quảng Trị; nghiên cứu tuyến đường sắt đoạn Đông Hà - Lao Bảo và đoạn từ cảng Mỹ Thủy nối với đường sắt Bắc - Nam. Xây dựng một số công trình hạ tầng thiết yếu tại khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay đủ điều kiện thành lập Khu kinh tế cửa khẩu. Đẩy nhanh triển khai dự án phát triển hạ tầng Khu công nghiệp (VSIP8). Từng bước phát triển hạ tầng đô thị hiện đại, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kêu gọi đầu tư xây dựng các đô thị ven biển để phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tăng cường kết nối với các địa phương trên tuyến EWEC để nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng các nguồn vốn đầu tư. Chú trọng kết nối về thể chế, chính sách, tạo sự tương thích để nâng cao hiệu quả hợp tác, tạo thuận lợi trong quan hệ thương mại, vận tải, logistics; về cơ sở vật chất, nhất là hạ tầng giao thông…

Về tổng thể tầm nhìn quốc gia, thời gian tới cần tăng cường sự hợp tác kinh tế và đầu tư phát triển về thương mại giữa các địa phương của các quốc gia trên Hành lang kinh tế Đông - Tây. Có cơ chế, chính sách thích hợp thông thoáng và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, đầu tư phát triển thương mại. Thông qua các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, chương trình về xúc tiến đầu tư, các khu kinh tế của các tỉnh, thành phố, các vùng của các nước nằm trên trục hành lang cần tăng cường thông tin, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của mình để các đối tác ở trong và ngoài EWEC có cơ hội tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư. Rõ ràng muốn có các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư các dự án hợp tác phát triển ở địa phương mình thì mỗi tỉnh, thành phố của các nước nằm trên EWEC cần có một chiến lược dài hạn để điều tra, khảo sát tiềm năng thế mạnh của mình, từ đó kêu gọi những đối tác đầu tư đến từ chính trong nước cũng như các nước trong khu vực với những ưu điểm vượt trội cần nhấn mạnh, nhờ hệ thống giao thông thuận lợi, kết cấu hạ tầng đồng bộ, chính sách thuế ưu đãi…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đưa sức sống biển đảo lên núi cao

Hoa Tỵ |

Hòa chung trong không  khí tươi vui, phấn khởi của ngành Giáo dục trong cả nước đón chào năm học mới và ngày hội “Toàn dân đưa trẻ đến trường”, sáng  ngày 05/9/2020, Trường Tiểu học Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) hân hoan, long trọng tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2020- 2021. 

Nâng cao giá trị sản phẩm hạt tiêu Vĩnh Linh

Nguyễn Trang |

Được triển khai từ tháng 2/2020 tại huyện Vĩnh Linh - địa phương chiếm ½ diện tích trồng cây hồ tiêu toàn tỉnh Quảng Trị, Dự án Sản xuất tiêu hữu cơ do Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Linh cùng HTX Sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh thực hiện hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, mở rộng thị phần của hạt tiêu Vĩnh Linh trên thị trường.

Hướng Phùng được chọn thí điểm xây dựng xã thông minh

Kô Kăn Sương |

Để triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia đồng bộ, hiệu quả, trên toàn quốc, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ thúc đẩy thí điểm chuyển đổi số tại một số xã nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình. Vì vậy, Bộ đã lựa chọn và giao Cục Tin học hóa hướng dẫn triển khai mô hình xây dựng xã thông minh tại 7 xã trên toàn quốc, trong đó có xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị.

Đakrông và những nỗ lực trên hành trình giảm nghèo bền vững

Lê Thảo - Văn Tiến |

Là huyện miền núi khó khăn nhất của tỉnh Quảng Trị nhưng những năm gần đây, công tác giảm nghèo tại huyện Đakrông đã có bước chuyển biến rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên. Kết quả này có được là nhờ vào sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện để từng bước thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.