Là huyện miền núi khó khăn nhất của tỉnh Quảng Trị nhưng những năm gần đây, công tác giảm nghèo tại huyện Đakrông đã có bước chuyển biến rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên. Kết quả này có được là nhờ vào sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện để từng bước thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.
Nhiệm kỳ vừa qua, xã A Bung là một trong những xã đi đầu trong công tác giảm nghèo bền vững của huyện Đakrông. Với phương châm tạo đột phá trong phát triển kinh tế, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, Đảng bộ, chính quyền xã đã xây dựng nhiều giải pháp thiết thực để phát triển kinh tế, trong đó tập trung, tuyên truyền khuyến khích bà con phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt phù hợp tập quán canh tác; kịp thời hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ cây con giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất.
Ông Lê Hoàn, thôn Ku Tài 2, xã A Bung, huyện Đakrông chia sẻ: “Nhờ chủ trương của Đảng, Nhà nước cho chuyển đổi các cây con, giống cho kinh tế cao giúp bà con phát triển kinh tế gia đình, nhờ đó mà bà con nhân dân bây giờ ngày càng có của ăn của để, bộ mặt nông thôn cũng ngày càng khởi sắc”.
Nói về công tác giảm nghèo bền vững của xã nhà, Ông Lê Quang Thạch, Chủ tịch UBND xã A Bung, huyện Đakrông cho biết thêm: “Hiện nay dư nợ Ngân hàng Chính sách trên địa bàn xã là 23,6 tỷ đồng. Hầu hết nguồn vốn của bà con vay đều đang phát huy hiệu quả, quy mô các trang trại, gia trại ngày càng được nhân rộng giúp nhiều hộ gia đình không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng”.
Nhìn từ nỗ lực giảm nghèo của từng xã trên địa bàn huyện Đakrông mới thấy quyết tâm cao của toàn huyện với nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này. Đối với Đakrông, huyện đã chủ động lồng ghép thực hiện nhiệm vụ kép đó là Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững kết hợp với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung chỉ đạo các địa phương xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai nhiệm vụ giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở khai thác những tiềm lực, lợi thế sẵn có của từng địa phương.
Bà Hồ Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết: “Một số xã đã có rất nhiêu mô hình kinh tế mới được nhân rộng như trồng sâm bố chính, nuôi hươu sao đang đem lại tín hiệu tích cực. Đối với các xã thuộc khu vực đường Hồ Chí Minh thì tập trung phát triển lâm nghiệp, vừa quản lý rừng vừa trồng rừng. Nhờ đó, hằng năm khi huyện Đakrông tổng kết mục tiêu giảm nghèo thì đều đạt trên 5%, vượt chỉ tiêu đề ra. Qua đó, phản ánh chủ chương, chính sách giảm nghèo hiệu quả của Đảng và Nhà nước cũng như nỗ lực của huyện trong mục tiêu giảm nghèo bền vững.”
Từ xuất phát điểm thấp, cùng những khó khăn về mọi mặt, tỷ lệ hộ nghèo từng chiếm đến 80% dân số trên toàn huyện mà đến nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống chỉ còn 33,7 %. Cũng từ đó mà đời sống tinh thần vật chất của bà con đồng bào dân tộc thiểu số đã được nâng lên một bước. Đây chính là kết quả tất yếu mà huyện Đakrông đạt được bằng nỗ lực của cả hệ thống chính trị trên hành trình giảm nghèo bền vững, tiến tới xây dựng một huyện Đakrông phát triển giàu đẹp.
(Nguồn: QRTV)