Tuổi trẻ lại chịu khó tìm tòi, học hỏi, chị Nguyễn Thị Phú (sinh năm 1990) ở khóm An Hà, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã khởi nghiệp và bước đầu thành công với mô hình cháo dinh dưỡng. Qua gần 7 năm thực hiện, mô hình của chị ngày càng được mở rộng và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình, góp phần tạo việc làm cho lao động ở địa phương.
Do tính chất công việc bận rộn, hiện nay phần lớn các phụ huynh không có nhiều thời gian chuẩn bị bữa ăn đầy đủ dưỡng chất cho con nhỏ hoặc người già đau ốm. Thấy được nhu cầu về cháo dinh dưỡng bán sẵn, năm 2015, chị Phú tham gia khóa học về lớp nấu ăn dành riêng cho trẻ tại TP. Huế. Sau đó, tận dụng vị trí nhà ở trung tâm thị trấn, vợ chồng chị mở quán cháo dinh dưỡng với tên gọi Mâm Mâm. Thời gian đầu, chị Phú tập trung đầu tư chế biến các món ăn truyền thống cho trẻ như lươn, ếch, bồ câu, cá hồi, thịt bò… kết hợp với phô mai. Để các món cháo dinh dưỡng vừa đầy đủ chất, vừa tạo cho trẻ khẩu vị tươi mới, chị Phú tìm hiểu, áp dụng công thức chế biến riêng của mình.
Với quy trình, buổi sáng chị đi chợ sớm, chọn cá, thịt và rau củ tươi, còn hải sản như tôm, mực, cua… chị nhập về từ Đà Nẵng, tùy theo loại thức ăn mà có cách chế biến phù hợp. Mỗi ngày, chị nấu một món cháo gạo chủ đạo kết hợp chế biến thêm thức ăn để ăn kèm cơm, phở, cháo bột. Chẳng hạn, với cá dìa, ngoài nấu cháo chị sẽ kết hợp chế biến cá dìa để ăn với cơm hoặc nấu cháo bột. Với bồ câu, chị có thể tạo ra món cơm, cháo, phở với bồ câu. Với thịt bò thì ngoài nấu cháo gạo, chị chế biến thịt bò để ăn với cơm hoặc phở thịt bò… Quán Mâm Mâm hiện phục vụ khách hàng ngày 3 bữa sáng, trưa, tối. Vì không cần phải thuê mặt bằng, chi phí đầu tư ban đầu tương đối ít nên giá bán phù hợp với người dân địa phương.
Trước đây, phụ huynh thường đưa trẻ đến ăn tại quán, từ khi COVID-19 bùng phát, chị Phú chuyển sang hình thức 30% bán online và 70% bán cho khách mang về. Nhờ ứng dụng linh hoạt hình thức kinh doanh nên dù trong hoàn cảnh “bình thường mới” hay lúc cao điểm mùa dịch, trung bình mỗi ngày quán cháo của chị vẫn bán đều đặn từ 300 - 400 suất, mỗi suất có giá từ 15 - 30 nghìn đồng. Không chỉ thay đổi hình thức kinh doanh phù hợp, chị còn biết cách tìm tòi, làm mới các món cháo dinh dưỡng. Ví dụ, ngoài các món cháo dinh dưỡng truyền thống chế biến từ lươn, tôm, bồ câu… chị đã kết hợp chế biến nhiều món ăn dinh dưỡng hấp dẫn như: cháo hầm bào ngư với gà ta, bột Lào cá Úc, mỳ tươi chim troọc…
Công việc kinh doanh ngày càng thuận lợi, đáp ứng nhu cầu khách hàng, từ 2020 - 2021 chị Phú đầu tư, thuê mặt bằng mở thêm 2 cơ sở kinh doanh tại thị trấn Lao Bảo và thị trấn Khe Sanh. Không chỉ tạo được thu nhập ổn định trong thời điểm COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, mô hình của chị Phú còn tạo việc làm cho 4 lao động với mức thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/ tháng. Sau khi trừ mọi chi phí, trung bình mỗi năm chị thu được lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng.
Chị Phú chia sẻ: “Khi mới bắt đầu công việc tôi cũng rất lo lắng nhưng đến thời điểm hiện tại, cơ sở kinh doanh của tôi đã có một lượng khách hàng nhất định. Đặc biệt, sản phẩm tôi làm ra đã tạo được uy tín, niềm tin đối với người tiêu dùng. Nhờ vậy, tôi cảm thấy tự tin hơn với công việc mà mình đã lựa chọn. Hiện tôi đang chuẩn bị các điều kiện để mở thêm một cơ sở kinh doanh ở xã Tân Long”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)