Cam Lộ phấn đấu trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh Quảng Trị

Đan Tâm |

Ngày 8/4/2021, tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh, lô hàng gần 1 tấn cao dược liệu an xoa đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đây là lần đầu tiên sản phẩm cao dược liệu của nông dân huyện Cam Lộ được thị trường khó tính như Mỹ chấp nhận, tạo hướng tiêu thụ rất tin cậy và là động lực to lớn đối với người trồng, chế biến, sản xuất, kinh doanh dược liệu ở huyện Cam Lộ nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung.

Với diện tích tự nhiên 344,207 km2, địa hình huyện Cam Lộ  (Quảng Trị) mang sắc thái của vùng chuyển tiếp từ dãy Trường Sơn thấp dần ra biển, độ cao từ 50-400 m, hình thành nên 3 tiểu vùng sinh thái. Đất đai ở Cam Lộ phần lớn bằng phẳng, khí hậu tương đối thuận lợi và nguồn lao động dồi dào, là điều kiện để phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa và hình thành các làng nghề nông thôn mới. Cam Lộ có sông Hiếu dọc theo địa bàn từ hướng Tây về hướng Đông chảy ra biển nên vùng đồng bằng đất đai màu mỡ phù hợp với sự phát triển cánh đồng mẫu lớn. Bên cạnh đó, huyện còn có vùng đất đỏ ba dan, vùng gò đồi với độ cao lý tưởng, nắng lắm, mưa nhiều, phù hợp để phát triển các loại cây công nghiệp ngắn ngày, cây dược liệu với dược tính cao.

Cà gai leo An Xuân, một sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện Cam Lộ - Ảnh: Đ.T​
Cà gai leo An Xuân, một sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện Cam Lộ - Ảnh: Đ.T​

Những năm qua, huyện đã tập trung nguồn lực khai thác tiềm năng đất đai và kinh nghiệm trong thâm canh để phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến. Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp chế biến, công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Huyện đã từng bước xây dựng và tạo được thương hiệu cho một số nông sản địa phương, là điều kiện để phát triển sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và thị trường, là yếu tố đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững trong tương lai.

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cam Lộ đã ban hành 5 nghị quyết chuyên đề, UBND huyện xây dựng 6 đề án phát triển kinh tế nông nghiệp để thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến nay, các sản phẩm chủ lực của huyện đã hình thành vùng sản xuất chuyên canh tập trung gồm 4.063, 5 ha cao su, 422 ha hồ tiêu, 700 ha lạc, 1.700 ha lúa, trên 100 ha cây dược liệu… Đã hình thành các chuỗi giá trị sản xuất theo chương trình OCOP gắn với thương hiệu địa phương, được thị trường đón nhận với tín hiệu tốt. Sản phẩm cao dược liệu chế biến, tinh dầu lạc, hồ tiêu, cao su mủ cốm…của Cam Lộ đã vươn ra thị trường lớn, vào siêu thị, đạt nhiều giải thưởng danh giá về chất lượng.

Tính đến đầu năm 2021, toàn huyện Cam Lộ đã phát triển được trên 100 ha cây dược liệu, trong đó có 70 ha cây chè vằng, 15 ha cà gai leo, 3,5 ha cây an xoa, 1 ha cây ba kích tím, còn lại là cây đinh lăng, hà thủ ô, sâm Bố Chính... Diện tích cây dược liệu tập trung ở các xã: Cam Tuyền, Cam Thành, Cam Chính, Cam Nghĩa.​

Riêng về cây dược liệu, huyện có làng nghề truyền thống được tỉnh công nhận là Làng nghề cao dược liệu Định Sơn, xã Cam Nghĩa. Làng nghề này mỗi năm chế biến tổng sản lượng cao các loại như chè vằng, cà gai leo, hà thủ ô…, trung bình khoảng 135 tấn sản phẩm, tương đương sử dụng khoảng 1.350 tấn nguyên liệu tươi một năm. Trước đây, để có nguyên liệu dùng nấu cao dược liệu, người dân phải vào rừng tìm kiếm, khai thác hoặc thu mua từ các tỉnh khác về, nên sản xuất gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2014, một số cây như chè vằng, cà gai leo được người dân làng nghề Định Sơn trồng thử nghiệm tại vườn nhà để chủ động nguồn nguyên liệu. Bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2015, huyện Cam Lộ bắt đầu cho trồng thử nghiệm 2 ha cà gai leo, 1 ha chè vằng. Đến năm 2016, huyện tiếp tục mở rộng mô hình trồng thử nghiệm các giống cây dược liệu như cà gai leo, chè vằng, ngưu tất, sinh địa, nghệ trên diện tích gần 30 ha. Đến năm 2017, huyện Cam Lộ ban hành chính sách phát triển vùng nguyên liệu cao dược liệu với quy mô 30 ha trồng cây chè vằng ở các xã: Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thủy, Cam Tuyền, Cam Hiếu và thị trấn Cam Lộ, nhằm khắc phục tình trạng khó khăn do thiếu nguyên liệu đầu vào cho Làng nghề cao dược liệu Định Sơn. Huyện còn phối hợp với Sở Khoa học và công nghệ triển khai mô hình trồng thử nghiệm một số cây dược liệu như: sinh địa, ngưu tất, bạch chỉ, hoài sơn, sâm bố chính, thực hiện dự án: “Trồng thử nghiệm một số cây dược liệu trên địa bàn huyện Cam Lộ”, trong đó có cây trạch tả.

Thực tế cho thấy, hiệu quả kinh tế của cây dược liệu đem lại cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác trên một diện tích đất canh tác. Theo khảo sát, mỗi năm cây cà gai leo cho thu hoạch 2-3 lứa, năng suất khô đạt 20-24 tạ/ha, thu nhập 160-200 triệu đồng/ha, lãi 100-130 triệu đồng/ha; cây chè vằng mỗi năm thu hoạch 2-3 lứa, năng suất đạt 90 tạ/ha, doanh thu 135 triệu đồng/ha; sâm Bố Chính năng suất 40 tạ/ha, giá bán 50.000 đồng/ kg củ tươi, sau khi trừ chi phí lãi 140 triệu đồng/ha... Để có nguồn nguyên liệu chế biến cao an xoa, huyện Cam Lộ đã cùng với doanh nghiệp triển khai trồng thử nghiệm 3,5 ha cây an xoa tại các xã Cam Thành, Cam Nghĩa và Cam Hiếu. Nếu thành công sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất cao xuất khẩu theo nhu cầu của đối tác. Hiện nay, các loại cây dược liệu như chè vằng, cà gai leo, an xoa... đã có cơ sở chế biến trên địa bàn thu mua bao tiêu sản phẩm nguyên liệu. Huyện chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các địa phương mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây dược liệu, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở chế biến cũng như liên doanh, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ, quảng bá và xây dựng thương hiệu cho các loại sản phẩm dược liệu.

Trong lộ trình xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2023 - 2025, huyện Cam Lộ định hướng sẽ phát triển cây dược liệu thành hướng đi mũi nhọn, sản xuất chuyên canh vùng nguyên liệu tập trung trước mắt khoảng 200 ha cung cấp cho Làng nghề cao dược liệu Định Sơn và các cơ sở chế biến cao dược liệu trên địa bàn. Huyện Cam Lộ đang phấn đấu để trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh Quảng Trị trong tương lai gần.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Sản phẩm cao dược liệu Cam Lộ lần đầu tiên xuất khẩu sang Mỹ

Anh Vũ - Lê Trường |

Cam Lộ (Quảng Trị) được biết đến là một trong những địa phương có thế mạnh về phát triển cây dược liệu các loại. Tuy nhiên lâu nay, đầu ra sản phẩm cao dược liệu chủ yếu ở thị trường trong nước. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm thị trường, liên kết với doanh nghiệp, lần đầu tiên có một sản phẩm cao dược liệu của huyện được xuất khẩu qua thị trường nước Mỹ. Đây là một tín hiệu tích cực đối với người trồng cây dược liệu ở Cam Lộ nói riêng và Quảng Trị nói chung khi sản phẩm của họ được những thị trường khó tính trên thế giới chấp nhận.

Cam Lộ: Phát triển gần 100 ha cây dược liệu

Anh Vũ |

Thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thế mạnh của địa phương”, tận dụng lợi thế đất đai ở vùng gò đồi, thời gian qua, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân đưa vào sản xuất các loại cây dược liệu, bước đầu mang lại giá trị kinh tế cao. 

“Mở lối” cho dược liệu quê nhà

Quang Hiệp |

Thời gian qua, cán bộ, hội viên Hội Đông y tỉnh Quảng Trị đã bước ra từ công việc chuyên môn để giúp người, giúp đời nhiều hơn. Hiện nay, các thầy thuốc chuyên bắt mạch, kê đơn đang đóng góp sức mình một cách có hiệu quả vào việc tìm đầu ra cho những sản phẩm dược liệu của quê nhà.

Cam Lộ: Trồng thử nghiệm 3,5 ha cây dược liệu an xoa

Anh Vũ |

Nhằm tạo vùng nguyên liệu ổn định lâu dài, đáp ứng nhu cầu nấu cao dược liệu của người dân, UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã liên kết với một doanh nghiệp triển khai mô hình trồng thử nghiệm cây an xoa tại một số vùng đất gò đồi trên địa bàn.