Cam Lộ xây dựng và phát triển các cụm công nghiệp

Trần Tuyền |

Huyện Cam Lộ (Quảng Trị) hiện có 3 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 150 ha. Các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các cụm công nghiệp bước đầu đã phát huy hiệu quả, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn.

Không khí làm việc tại Nhà máy sản xuất ván ghép thanh Tiến Phong Cam Lộ, Cụm công nghiệp Cam Thành, huyện Cam Lộ những ngày đầu xuân Tân Sửu rất tất bật. Dẫn chúng tôi tham quan nhà máy, Giám đốc Công ty TNHH Tiến Phong Cam Lộ Nguyễn Anh Tiến chia sẻ: “Công ty chúng tôi chuyên sản xuất và chế biến lâm sản. Đầu năm 2020, công ty đã đầu tư thêm nhiều máy móc thiết bị, tuyển dụng thêm lao động, đào tạo công nhân để đáp ứng nhu cầu công việc. Hiện nay, số lao động đang làm việc tại nhà máy là 250 người. Ngoài sản xuất hàng nội địa, chúng tôi tập trung sản xuất hàng nội, ngoại thất để xuất khẩu đến các nước Bắc Mỹ và Châu Âu. Tổng doanh thu năm 2020 của công ty đạt 70 tỉ đồng. Hiện tại, công ty đang xây dựng nhà máy mới, dự kiến tháng 5/2021 sẽ đưa vào hoạt động. Mục tiêu mà công ty đặt ra trong năm 2021 là đạt doanh thu 120 tỉ đồng, đảm bảo việc làm cho 450 lao động”.

Công nhân Nhà máy chế biến tinh bột sắn An Thái đóng gói, vận chuyển sản phẩm - ẢNH: T.T​
Công nhân Nhà máy chế biến tinh bột sắn An Thái đóng gói, vận chuyển sản phẩm - ẢNH: T.T​

Trong cuộc gặp gỡ đầu xuân Tân Sửu, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Anh Tuấn thông tin: Trên địa bàn huyện hiện có 3 cụm công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích khoảng 150 ha (Cụm công nghiệp Cam Thành diện tích 25,5 ha; Cụm công nghiệp Cam Hiếu diện tích 70 ha; Cụm công nghiệp Cam Tuyền diện tích 54 ha). Trong thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan, công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện được nâng lên đáng kể. Tính đến nay, tổng kinh phí đã thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện gần 36,9 tỉ đồng; trong đó, Cụm công nghiệp Cam Thành 19,902 tỉ đồng; Cụm công nghiệp Cam Tuyền 0,4 tỉ đồng; Cụm công nghiệp Cam Hiếu 16,593 tỉ đồng. Riêng Cụm công nghiệp Cam Thành cơ bản hoàn thành hạ tầng giao thông, điện; Cụm công nghiệp Cam Hiếu đang tiếp tục được đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông. “Công tác thu hút đầu tư luôn được lãnh đạo huyện quan tâm, thể hiện rõ trong việc cải cách thủ tục hành chính, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đăng ký đầu tư; đồng thời nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp để có các giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển”, ông Trần Anh Tuấn khẳng định.

Theo thông tin từ UBND huyện Cam Lộ, tổng số dự án đầu tư tại các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện là 41 dự án; trong đó 24 dự án đã đi vào hoạt động, 7 dự án đang triển khai xây dựng, 10 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư. Tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.463,62 tỉ đồng; tổng số vốn thực hiện khoảng 658,30 tỉ đồng. Tổng số lao động đăng ký tại các cụm công nghiệp là 2.230 lao động; hiện đã giải quyết được việc làm cho khoảng 1.069 lao động. Kết quả nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của các doanh nghiệp hoạt động trong các cụm công nghiệp kê khai nộp tại địa bàn huyện (có 16 doanh nghiệp, các doanh nghiệp còn lại đăng ký thuế tại Cục thuế tỉnh) là 8,445 tỉ đồng.

Nhìn chung các dự án đầu tư thực hiện sản xuất, kinh doanh theo đúng ngành nghề đã đăng ký, bước đầu phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho lao động trong và ngoài huyện, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế và tiêu thụ các sản phẩm như gỗ rừng trồng, sắn, lạc… trên địa bàn. Đáng chú ý, một số dự án đi vào chế biến sâu, sản phẩm xuất khẩu qua thị trường Châu Âu, Châu Mỹ như Nhà máy sản xuất ván ghép thanh Tiến Phong Cam Lộ, Nhà máy chế biến tinh bột sắn An Thái. Một số dự án giải quyết nguồn lao động lớn như Nhà máy may xuất khẩu Tân Định… Mặc dù COVID-19 làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp vẫn đảm bảo việc làm cho người lao động, nâng cao giá trị trong sản xuất, kinh doanh. Năm 2020, các doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, đầu tư sản xuất, kinh doanh có hiệu quả như: Nhà máy chế biến tinh bột sắn An Thái (doanh thu đạt 220 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước 18 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho 154 lao động), Nhà máy sản xuất gỗ ghép thanh Tiến Phong Cam Lộ (doanh thu 70 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho 250 người). Riêng Nhà máy bia Camel, thuộc Công ty Cổ phần Bia quốc tế TTC đang hoàn thiện đầu tư, dự kiến đến cuối tháng 7/2021 sẽ hoàn thiện phần lắp đặt, tiến hành chạy thử và chính thức đi vào hoạt động vào giữa tháng 10/2021.

Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Anh Tuấn cho biết thêm: Năm 2021, dự báo tình hình kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tác động của COVID-19, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội nên thời gian tới, huyện Cam Lộ tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp để phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để có cơ sở kêu gọi, thu hút đầu tư, huyện Cam Lộ tiếp tục bám sát quy hoạch vùng huyện nông thôn mới để triển khai thực hiện theo lộ trình. Tập trung quy hoạch mở rộng, phát triển mới các cụm công nghiệp - dịch vụ tại các vùng thuận lợi kết nối trục giao thông, quy hoạch vùng dịch vụ phía Đông Nam thị trấn Cam Lộ; phía Tây xã Cam Hiếu, quy hoạch phát triển thương mại- dịch vụ tại Ngã Tư Sòng; điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cụm công nghiệp Cam Tuyền… Huyện tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng Cụm công nghiệp Cam Hiếu nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà xưởng, mở rộng quy mô cũng như vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp, thực hiện kịp thời công tác giải phóng mặt bằng; đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp sớm triển khai xây dựng, hoàn thiện các hạng mục của dự án đầu tư để đưa các dự án vào hoạt động. Thu hút và kêu gọi đầu tư, trong đó ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, gắn với nguồn nguyên liệu thế mạnh, sẵn có trên địa bàn; ưu tiên các ngành nghề sử dụng nhiều lao động như may mặc, chế biến sản phẩm sau thu hoạch, sản xuất các sản phẩm phục vụ xây dựng cơ bản từ nguyên liệu địa phương, sản xuất bia và nước ngọt, gia công đồ gỗ xuất khẩu từ gỗ rừng trồng… Bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp; thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư phát triển sản xuất nhằm góp phần tái cơ cấu nền kinh tế.

Để đảm bảo cơ sở hạ tầng phục vụ tốt hơn nữa cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, UBND huyện kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh quan tâm hỗ trợ đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng; hỗ trợ kinh phí duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật tại các Cụm công nghiệp Cam Hiếu, Cam Thành và đầu tư mới Cụm công nghiệp Cam Tuyền. Hỗ trợ huyện kêu gọi một số doanh nghiệp lớn có tiềm lực đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Xây dựng chính quyền điện tử huyện Cam Lộ giai đoạn 2021 - 2025

Thanh Hải |

Thời gian qua, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã thực hiện mạnh mẽ chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cải cách hành chính, hiện đại hóa hoạt động cơ quan nhà nước, xây dựng chính quyền hiệu lực, hiệu quả hơn, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế- xã hội. Nhiều chương trình, kế hoạch, đề án, dự án công nghệ thông tin triển khai rộng khắp trong cơ quan nhà nước các cấp, bước đầu đạt được những kết quả quan trọng, tạo nền tảng xây dựng chính quyền điện tử huyện Cam Lộ trong các giai đoạn tiếp theo.

Tiếp nhận và phân bổ hơn 240 tấn giống lạc và sắn cho nông dân sản xuất

Anh Vũ |

Từ nguồn kinh phí của UBMTTQVN tỉnh hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương khôi phục sản xuất sau mưa lũ, trong hai ngày 18, 19/1/2021, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã tiếp nhận và phẩn bổ hơn 240 tấn giống lạc và giống sắn cho người dân kịp thời sản xuất vụ đông xuân.

Cam Lộ: Khai trương "Tủ quần áo nhân ái"

Anh Vũ |

Ngày 7/1/2021, Hội Chữ thập đỏ huyện Cam Lộ (Quảng Trị) phối hợp với Công ty NIJI Quảng Trị tổ chức khai trương “Tủ quần áo nhân ái” giúp người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.

Nơi tận cùng phía Đông Cam Lộ

Xuân Dũng |

Tận cùng huyện Cam Lộ về phía Đông có một làng quê đồng bằng trải dài trong tầm mắt của con người khi nhìn lại mảnh đất hương hỏa của cha ông để lại tên gọi Trúc Kinh thuộc xã Thanh An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.