Cây dong riềng góp phần xóa đói giảm nghèo ở Xa Ry

Lê Trường |

Những ngày cuối năm 2021, cùng cán bộ Công ty Xây dựng, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đến thu mua củ dong riềng của người dân thôn Xa Ry, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui của bà con nơi đây. Vui vì năm nay cây dong riềng được mùa và vui vì nhờ có dong riềng của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 “du nhập” về mà giờ đây cuộc sống đồng bào thôn Xa Ry đã khởi sắc hơn.

Những năm trước đây, mảnh đất màu mỡ dưới chân ngọn đồi ở thôn Xa Ry được người dân nơi đây trồng lúa và các loại hoa màu. Nhưng từ sau đợt mưa lũ, sạt lở đất cuối năm 2020 đã làm cho hệ thống thủy lợi bị hư hỏng nghiêm trọng, việc trồng trọt gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Đoàn KT - QP 337) đóng quân tại địa bàn đã tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi sang trồng cây dong riềng với cam kết hỗ trợ từ khâu trồng, chăm sóc và thu mua củ tươi.

Củ dong được Công ty Xây dựng, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 thu mua và chế biến thành miến dong - Ảnh: L.T
Củ dong được Công ty Xây dựng, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 thu mua và chế biến thành miến dong - Ảnh: L.T

Theo Giám đốc Công ty Xây dựng, Đoàn KT - QP 337 Thượng tá Lê Kế Phát, cây dong riềng đã được Đoàn KT - QP 337 đưa về trồng thử nghiệm ở vùng đất Xa Ry từ nhiều năm trước, nhưng do trồng manh mún tự phát, giá lại bấp bênh, tiêu thụ không ổn định nên người dân không mấy mặn mà. Sau này, do ảnh hưởng của thiên tai nên đời sống gặp nhiều khó khăn, được cán bộ, chiến sĩ của đoàn vận động nên nhiều hộ gia đình đã trồng lại giống cây này. Để bà con yên tâm canh tác, Đoàn KT - QP 337 đã hỗ trợ từ việc cấp giống cây, đầu tư chi phí giúp bà con làm đất, mua phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch.

Gia đình anh Hồ Văn Chỉ trước đây chủ yếu làm lúa rẫy, trồng sắn, năng suất và chất lượng sản phẩm không cao. Từ khi được chính quyền địa phương và Đoàn KT - QP 337 hỗ trợ chuyển đổi một phần diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dong riềng, gia đình anh đã đầu tư xuống giống hơn 2 sào. Năm nay cây dong riềng được mùa, lại được Công ty Xây dựng, Đoàn KT - QP 337 thu mua trực tiếp tận ruộng nên gia đình rất phấn khởi vì có nguồn thu nhập ổn định hơn.

Anh Chỉ chia sẻ: “Trước đây, đất ở vùng này bằng phẳng, màu mỡ nên trồng sắn, trồng lúa rất thuận lợi. Nhưng sau mấy trận mưa lũ năm 2020 rồi sạt lở làm cho đất đai bị bồi lấp hết, hệ thống kênh mương dẫn nước đều hư nên không trồng sắn, trồng lúa được nữa. Nhờ có bộ đội Đoàn KT - QP 337 chỉ cho cách trồng rồi thu mua luôn củ dong nên cuộc sống của bà con đỡ khổ hơn. Như gia đình tôi trồng 2 sào, thu hoạch ước hơn 6 tấn củ, bán ra cũng được khoảng 15 triệu đồng”.

Ngay cạnh mảnh đất gia đình anh Chỉ, nhà chị Hồ Thị Nga được các cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT - QP 337 giúp thu hoạch hơn 1 sào cây dong riềng. “Năm nay nhờ được mùa nên gia đình thu được hơn 3 tấn củ tươi, trong nhà ít người, nhờ có bộ đội phụ giúp thu hoạch lại thu mua ngay tại ruộng nên cũng tiện. Vụ này gia đình bán củ dong thu được khoảng hơn 7,5 triệu đồng, cũng đủ để trang trải cho dịp Tết tới đây”, chị Nga bộc bạch.

Toàn thôn Xa Ry hiện có khoảng 25 hộ trồng cây dong riềng với diện tích hơn 10,5 ha. Bên cạnh hỗ trợ việc trồng, chăm sóc và thu hoạch, Công ty Xây dựng, Đoàn KT - QP 337 còn thu mua toàn bộ sản phẩm củ tươi cho bà con. Trung bình mỗi héc ta cây dong riềng cho thu hoạch từ 30 - 35 tấn củ, với giá bình quân 2.500 đồng/kg, mang lại thu nhập đáng kể cho bà con nơi đây. Để đảm bảo thu mua củ dong riềng ổn định và lâu dài cho bà con thôn Xa Ry, Đoàn KT - QP 337 đã đầu tư dây chuyền chế biến miến dong thành phẩm từ củ dong ngay tại địa bàn. Với sản lượng khoảng 400 tấn củ tươi thu mua hằng năm, nhà máy sản xuất dong riềng của Công ty Xây dựng, Đoàn KT - QP 337 chế biến thành 20 tấn miến thành phẩm với thương hiệu “Miến dong Trường Sơn”.

Sau khi thu mua củ dong về, cán bộ ở Công ty Xây dựng sẽ trực tiếp sơ chế rồi xay thành bột để sản xuất miến. Việc làm miến ở đây hoàn toàn thủ công bằng bột sống và dùng máy đánh. Sau đó lấy bột tráng thành tấm mỏng rồi mới cắt thành miến. Làm bằng tay nên sợi miến không đều nhau, nhưng lại dai ngon nên được yêu thích. “Miến dong Trường Sơn” được bán với giá ổn định từ trước đến nay là 85.000 đồng/kg. Nhờ được đầu tư bài bản từ nguyên liệu đầu vào, sơ chế và chế biến thủ công nên sản phẩm “Miến dong Trường Sơn” của Công ty Xây dựng, Đoàn KT - QP 337 luôn đảm bảo an toàn thực phẩm, thơm ngon, sợi miến săn chắc và giữ được hương vị đặc trưng của cây dong riềng trồng ở địa bàn miền núi.

Thượng tá Lê Kế Phát cho biết thêm: “Với mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực đóng quân, sang năm 2022, đơn vị sẽ mở rộng diện tích trồng cây dong riềng lên 25 - 30 ha; đầu tư nâng cấp dây chuyền của nhà máy chế biến miến dong với công suất dự kiến 1.200 tấn củ tươi/ năm. Đồng thời, sẽ dần nâng giá thu mua củ dong nhằm hỗ trợ nguồn thu nhập cho người dân”.

Sản phẩm miến dong Trường Sơn hiện nay đã được thị trường biết đến và chấp nhận, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm lại tăng mạnh trong dịp giáp tết Nguyên đán. Đây là tín hiệu vui cho bà con ở thôn Xa Ry, bởi lẽ cây dong riềng của họ đã có đầu ra ổn định, từ đó giúp các hộ gia đình ở đây có thêm nguồn thu nhập, vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững.

Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Hồ Văn Quý chia sẻ: “Bà con ở đây rất phấn khởi vì nhờ cây dong riềng mà có thêm thu nhập, tạo công ăn việc làm ổn định. Trên cơ sở đó, tới đây chúng tôi sẽ phối hợp cùng Đoàn KT - QP 337 mở rộng diện tích trồng cây dong riềng ở các thôn có chất đất phù hợp, đồng thời tiến hành xây dựng thương hiệu “Miến dong Trường Sơn” trở thành sản phẩm OCOP của địa phương”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Hướng Hóa đa dạng hóa cây trồng phù hợp với tiềm năng, lợi thế địa phương

Nguyễn Đình Phục |

Là huyện miền núi, biên giới, Hướng Hóa (Quảng Trị) hiện có hơn 94.000 dân, gồm 3 dân tộc Kinh, Vân Kiều, Pa Kô sinh sống ở 21 xã, thị trấn, trong đó gần 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm gần đây, cùng với sự đầu tư của nhà nước, người dân Hướng Hóa đã có thêm điều kiện khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, thực hiện đa dạng hóa cây trồng, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Nhân rộng mô hình cây dong riềng ở Hướng Hóa

Nguyễn Đình Phục |

Phó Giám đốc Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa (Quảng Trị) Lê Ngọc Sáng cho biết, năm 2021, nhà máy đã hỗ trợ giống, phân bón cho người dân các xã Tân Lập, Hướng Tân, Hướng Linh, Thuận trồng thử nghiệm 10 mô hình cây dong riềng lấy bột.

Bình yên Cu Dong

Thiên Sơn |

Nằm tách biệt giữa núi rừng Trường Sơn, thôn Cu Dong (Húc, Hướng Hóa, Quảng Trị) có vẻ đẹp hoang sơ tựa như Tây Bắc. Tại đây, những căn nhà sàn gỗ truyền thống của người Vân Kiều trải dọc theo con suối nhỏ giữa núi rừng. Đó là một bản làng đẹp, bình yên và còn lưu giữ nhiều bản sắc văn hoá khiến ai cũng muốn ghé thăm, khám phá.

Trồng thử nghiệm 10 mô hình cây dong riềng ở Hướng Hóa

Nguyễn Đình Phục |

Huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) vừa thống nhất chủ trương để Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị thực hiện chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả trên địa bàn sang trồng cây dong riềng lấy bột.