Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; tác động mạnh mẽ đến tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhằm thúc đẩy nhanh và bền vững phát triển KT - XH và bảo vệ Tổ quốc; góp phần đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Nghị quyết 52).
Tại Quảng Trị, thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, ngày 12/8/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 190-KH/TU; Tỉnh ủy Quảng Trị ban hành Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 4/11/2021 về chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết 01-NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2021 - 2025 ngày 4/11/2021 của Tỉnh ủy Quảng Trị; chính quyền các cấp và các ngành đều ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và các hoạt động văn hóa, xã hội, đời sống…
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đó, các địa phương đã tích cực ứng dụng rộng rãi công nghệ số vào mọi lĩnh vực sản xuất và đời sống như: Công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp, xây dựng, quốc phòng, an ninh, tài chính, ngân hàng, bưu chính viễn thông, điện lực… Việc khai trương và đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh là một bước ứng dụng công nghệ số vào giải quyết các thủ tục hành chính phục vụ đơn vị, doanh nghiệp và người dân nhanh chóng, hiệu quả. Trung tâm đã tập trung số hóa các hồ sơ từ cấp tỉnh đến cơ sở, tạo thuận lợi trong việc giải quyết các vấn đề giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp.
Tiếp sau việc số hóa giải quyết thủ tục hành chính, tỉnh đã thành lập Trung tâm Giám sát điều hành thông minh (IOC) tích hợp các hệ thống phần mềm và cơ sở dữ liệu về quản lý thông minh trong hầu hết các lĩnh vực như: Hệ thống báo cáo, một cửa điện tử; hệ thống phản ánh hiện trường; quản lý thông tin báo chí, giáo dục, y tế, hệ thống camera giám sát an ninh trật tự; giám sát an toàn thông tin mạng...
Doanh nghiệp và người dân có thể truy cập vào hệ thống để theo dõi quá trình xử lý hồ sơ, dữ liệu của mình. Cũng thông qua các hệ thống ứng dụng thông minh đó để có thể phản ánh các vướng mắc đến các cấp chính quyền. Thông qua các hệ thống ứng dụng công nghệ số thông minh, lãnh đạo tỉnh dễ dàng nắm được bức tranh tổng thể và số liệu cụ thể của từng ngành, lĩnh vực, địa phương để chỉ đạo và ra quyết định chính xác, kịp thời, hiệu quả…
Tuy nhiên, hiện nay mức độ chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở tỉnh còn thấp; KH&CN, đổi mới, sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển nền KT - XH của tỉnh; quá trình chuyển đổi số diễn ra còn chậm, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp; kinh tế số có quy mô nhỏ; vấn đề bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức...
Từ tình trạng đó, việc chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng trước mắt và lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Do đó phải có nhận thức đầy đủ, đúng đắn bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để có quyết tâm đổi mới tư duy và hành động với bước đi và lộ trình phù hợp để bứt phá trong phát triển KT - XH của tỉnh.
Phải nhanh chóng nắm bắt, tận dụng có hiệu quả các cơ hội để nâng cao năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, tăng hiệu quả quản lý xã hội bằng việc ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm động lực cho tăng trưởng vượt bậc, đồng thời cũng phòng ngừa các tác động tiêu cực từ công nghệ số, bảo đảm QP - AN, công bằng xã hội và tính bền vững của quá trình phát triển.
Tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo, có cách tiếp cận mở đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra. Trong quá trình tham gia cuộc cách mạng này không được bàng quan, thụ động, nhưng cũng không chủ quan, nóng vội. Phát huy tối đa các nguồn lực cho việc tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của toàn xã hội.
Để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu là: Đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số quốc gia
. Cần có chính sách thiết thực như: Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu; phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; phát triển nguồn nhân lực thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; hội nhập quốc tế; thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 190-KH/TU, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Việc hoạch định chính sách có tính khả thi cao và tổ chức triển khai Kế hoạch chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải đồng bộ, huy động nhiều nguồn lực, có bước đi, lộ trình, mục tiêu cụ thể, phù hợp với điều kiện phát triển KT - XH của tỉnh.
Để tiếp tục đưa Nghị quyết 52 vào cuộc sống, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt sâu rộng nội dung nghị quyết đến các cấp, các ngành và địa phương, đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân, giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nắm vững quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nghị quyết để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, bảo đảm hoàn thành mục tiêu mà nghị quyết đề ra.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)