Ngày 26/8, tại Hà Nội, TikTok Việt Nam và Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức phiên chợ OCOP 4.0, đưa nông đặc sản của tỉnh Lạng Sơn lên sàn thương mại điện tử.
Lần đầu tiên các chủ thể OCOP vừa trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các gian hàng của phiên chợ nông sản, vừa trực tiếp livestream quảng bá sản phẩm trên nền tảng TikTok. Có thể thấy, đây là một trong những chương trình hưởng ứng tích cực chuyển đổi số, đẩy mạnh mức tiêu thụ sản phẩm OCOP cả nước.
Từ đó, tạo động lực cho các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm bởi khi dây chuyền sản xuất đã đáp ứng nhu cầu về lượng lẫn chất. Các hộ doanh nghiệp sẽ nhanh chóng gia tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, tăng trưởng doanh thu và cải thiện đời sống cho bà con nông thôn.
Chỉ riêng trong buổi sáng 26/8, đã có 32 phiên livestream Chợ phiên OCOP, thu hút 552.000 lượt xem, đem về doanh thu 340 triệu đồng. Riêng tại phiên Chợ OCOP 4.0, đã có 12 phiên livestream được thực hiện. Thương hiệu na Lạng Sơn và các sản phẩm đặc trưng của địa phương đã được lan toả đến với đông đảo công chúng.
Các sản phẩm được quảng bá trong buổi livestream đến từ 9 chủ thể của 3 tỉnh: Lạng Sơn, Thanh Hóa, Hải Dương với gần 15 sản phẩm nông đặc sản các loại. Đồng hành với các chủ thể khi livestream là rất nhiều nhà sáng tạo nội dung nổi bật trên nền tảng TikTok như: Thơ Nông Sản, Thảo Nguyên Farmer, Nông sản Dược liệu vùng cao, Kiều Chinh Trà, Nông sản Tây Bắc, Bình Sâm…
Tham gia phiên livestream Chợ phiên OCOP 4.0, anh Trịnh Đức Trọng, Giám đốc Công ty Thảo Ngọc Việt (Thanh Hóa) cảm thấy vô cùng hào hứng với không khí của sự kiện cũng như cảm thấy may mắn vì có cơ hội để học hỏi về thương mại điện tử.
Theo anh Trọng, marketing qua Internet, thương mại điện tử đang trở thành xu hướng phát triển tất yếu mà bất kỳ doanh nghiệp hay hợp tác xã nào cũng cần hướng đến. Doanh ngiệp của anh cũng không ngoại lệ. Trước đây, anh cũng mày mò làm thương mại điện tử trên TikTok Shop, nhưng gặp rất nhiều khó khăn vì chưa thực sự hiểu nền tảng cũng không có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn.
Được tham gia Chợ phiên OCOP 4.0 lần này, anh Trọng rất vui vì có cơ hội được chứng kiến các KOC livestream bán hàng, được học hỏi về thương mại điện tử và may mắn khi đơn hàng bùng nổ. Mang theo sản phẩm ra Hà Nội và nhận được sự đón nhận của người tiêu dùng, anh Trọng như được tiếp thêm động lực đưa sản phẩm ngày càng tốt hơn. Chắc chắn sau khi trở về, anh sẽ đầu tư thời gian, con người và kinh phí để làm chủ "cuộc chơi" về thương mại điện tử cho chính sản phẩm của mình.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, hoạt động livestream đem đến cho khách hàng có thêm phương thức giao dịch, mua sắm và tạo sự lan tỏa giá trị, cảm xúc khi trải nghiệm nông đặc sản địa phương, khi được cung cấp đầy đủ các thông tin về điều kiện sản xuất, tính độc đáo, thông điệp sản phẩm gắn với bản sắc, truyền thống, biểu tượng văn hóa...
Đây cũng chính là hoạt động giúp người tiêu dùng được tìm hiểu, trải nghiệm, nhận diện thương hiệu, phân biệt nông sản, đặc sản đặc trưng gắn với từng vùng địa lý với sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Theo chủ trương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, TikTok - với vai trò đối tác chiến lược đã không ngừng đưa ra những sáng kiến mới nhằm xúc tiến thương mại nông thôn, tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Trước đó, tháng 4/2023, TikTok đã cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp Việt Nam ký kết hợp tác nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi số của các chủ thể có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP trên sàn thương mại điện tử. Đồng thời kết nối tạo ra lợi thế, điều kiện thuận lợi cho việc phát triển tiêu thụ nông sản ở Việt Nam.
Trong khuôn khổ hợp tác này, TikTok cho ra mắt chuỗi sự kiện Chợ phiên OCOP. Chợ phiên được phát sóng trực tiếp (livestream) trên TikTok Shop hàng tuần, sự kiện sẽ là cơ hội quảng bá và bán hàng trực tuyến các sản phẩm - đặc sản vùng miền do chính các doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương sản xuất.
Thông qua dự án này, TikTok đặt mục tiêu cải thiện sinh kế của 20.000 nông dân địa phương, người dân thuộc các làng nghề thủ công và các doanh nghiệp nhỏ cả nước, đồng thời góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống địa phương và thúc đẩy du lịch trên các vùng miền.
(Nguồn: Ngày Nay)