Con trâu vẫn là đầu cơ nghiệp

Trần Tuyền |

Năm 2003, lần đầu tiên đăng cai một kỳ SEA Games, chủ nhà Việt Nam đã lựa chọn hình ảnh con trâu vàng là linh vật bởi vì con trâu gắn liền với nền văn minh lúa nước ở Việt Nam. Con trâu có sức mạnh, tốc độ mà cũng thể hiện trí tuệ, tính cách hiền hòa. Mặc dù những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã được cơ giới hóa nhưng con trâu vẫn là đầu cơ nghiệp, là tài sản lớn của người nông dân.

 

Ngôi nhà sàn khang trang, vững chãi của ông Hồ Văn Hinh (Pả Thừa, sinh năm 1953) nằm ở đầu thôn Đồng Đơờng, xã Mò Ó, huyện Đakrông (Quảng Trị). Sau khi mời khách vào nhà, ông Hinh hồ hởi khoe rằng để có căn nhà mới trị giá hơn 100 triệu đồng này là nhờ đàn trâu của gia đình. Năm 1976, đội Đồng Đơờng (lúc này chưa thành lập thôn) được nhà nước hỗ trợ 1 con trâu làm sinh kế. Con trâu này do đội trưởng nhận chăm sóc. Vài năm sau, con trâu cái đẻ được 3 con nghé. Ông Hinh được nhận 1 con về nuôi.

Nông dân xã Gio Mỹ, Gio Linh dùng trâu để cày ruộng - Ảnh: T.T​
Nông dân xã Gio Mỹ, Gio Linh dùng trâu để cày ruộng - Ảnh: T.T​

“Lúc bấy giờ, con nghé tương đương 300 đồng. Giá trị lắm! Con trâu là tài sản quý giá nhất của gia đình nên vợ chồng tôi thay nhau chăm sóc. Dần dần, đàn trâu nhà tôi tăng lên, lúc cao điểm có khoảng 15 con. Hiện nay, nhà tôi có 11 con trâu. Cũng nhờ đàn trâu mà gia đình tôi thoát nghèo từ năm 2015. Nay lúa ngô luôn đủ ăn, trong nhà không thiếu gì cả”, ông Hình vui vẻ nói. Ngoài cho sức kéo, phục vụ sản xuất, con trâu còn mang lại lợi ích kinh tế rất lớn. 1 con trâu trị giá từ 10 - 50 triệu đồng, tùy thuộc vào độ tuổi và hình thể của nó. Trung bình mỗi năm ông Hinh bán 1-2 con trâu. Năm ngoái, ông bán 1 con trâu đực được 40 triệu đồng. Nhờ tiền bán trâu mà ông xây được ngôi nhà to nhất thôn và dựng nhà kiên cố cho các con.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đakrông Nguyễn Thị Lượng thông tin, với đặc thù địa hình miền núi, ruộng rẫy manh mún, nhỏ lẻ, nằm ở sườn dốc nên người dân nơi đây nuôi trâu phục vụ mục đích chính là lấy sức cày kéo. Ngoài ra, nhiều hộ nuôi trâu với số lượng lớn để bán trâu giống hoặc bán trâu lấy thịt. Đối với địa bàn miền núi như huyện Đakrông, các chủ hộ nuôi trâu được Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tiêm vắc xin phòng dịch bệnh. Tuy nhiên, thực tế công tác tiêm phòng vẫn chưa được người dân chú trọng. Tỉ lệ tiêm vắc xin hằng năm của huyện Đakrông đạt khoảng 70 - 80%. Từ năm 2016 đến nay, Hội Nông dân huyện chú trọng hơn khâu tuyên truyền, vận động nông dân làm chuồng trâu để nuôi nhốt, đảm bảo vệ sinh, hạn chế dịch bệnh và tổ chức nhiều đợt giám sát công tác thú y, tiêm phòng vắc xin cho đàn trâu tại các địa phương.

Ông Nguyễn Văn Tường là người nuôi nhiều trâu nhất Thôn 5, xã Gio Hải, huyện Gio Linh. Hiện gia đình ông nuôi 7 con trâu, lúc cao điểm có 9 con. “Trung bình mỗi năm, đàn trâu cái đẻ được 2 - 3 con nghé. Nhà tôi đông con nên việc chăm sóc đàn trâu không có gì khó khăn”. Theo ông Tường, đàn trâu của gia đình ít bị dịch bệnh nhờ ông xây chuồng trại khép kín, đảm bảo thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Nguồn thức ăn thì phụ thuộc theo mùa. Mùa hè, ông cho đàn trâu ăn cỏ tự nhiên ở ngoài đồng bãi. Vào mùa đông, ngoài cỏ tự nhiên, ông còn dự trữ thêm rơm khô, rau khoai lang phơi khô và trồng thêm một số loại cỏ khác. Nhà tôi nuôi trâu hơn 15 năm nay. Nhờ đàn trâu mà gia đình tôi từ hộ cận nghèo đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Con cái của tôi cũng được ăn học tới nơi tới chốn. Ngày trước khi trâu còn ít, con trâu như là của để dành vậy, chỉ bán đi khi gia đình có việc hệ trọng. Nay số lượng đàn trâu tăng lên nên tôi có thể bán bất cứ lúc nào”, ông Tường bộc bạch.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Gio Hải Nguyễn Văn Thanh cho biết, toàn xã có 125 hộ gia đình nuôi trâu với tổng đàn 391 con, tập trung chủ yếu ở thôn Nhĩ Hạ, Nhĩ Trung và Thôn 5. Ở vùng biển, người dân chủ yếu nuôi trâu làm tài sản. Mỗi con trâu đực trưởng thành trị giá khoảng 60 - 80 triệu đồng, trâu cái trong độ tuổi sinh sản từ 40 - 50 triệu đồng. Đối với người nông dân đây là tài sản lớn. Thời gian qua, Quỹ Hội Nông dân đã triển khai hỗ trợ 10 gia đình, mỗi gia đình 30 triệu đồng để phát triển đàn trâu. “UBND xã Gio Hải đã quy hoạch khu vực phát triển kinh tế vùng cát. Nếu được cấp trên phê duyệt, nơi đây sẽ là khu chăn nuôi tập trung cho các trang trại, gia trại với tổng diện tích rộng khoảng 18 ha, cách trung tâm xã 3 km. Những hộ nuôi trâu cũng sẽ được tạo điều kiện để phát triển kinh tế vừa đảm bảo vệ sinh môi trường”, anh Thanh nói.

Thực tế cho thấy, việc chăn nuôi trâu trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, tự phát. Tại các địa bàn miền núi, người dân có thói quen thả rông đàn trâu, không có sự quản lý. Đây là những lý do gây khó khăn trong việc phát triển chất lượng đàn trâu. Trước thực tế ấy, từ đầu năm 2019, được sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thực hiện chương trình cải tạo đàn trâu. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nguyễn Trung Hậu cho hay, toàn tỉnh hiện có tổng đàn trâu trên 22.000 con; trong đó, trâu sinh sản chiếm khoảng 40%.

Thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT, chương trình cải tạo đàn trâu được trung tâm thực hiện với mục đích cải tạo tầm vóc của đàn trâu, tạo đàn nái nền đạt tiêu chuẩn để chuẩn bị cho hướng lai tiếp theo, mở hướng đi mới trong chăn nuôi trâu lấy thịt theo hướng hàng hóa, từng bước khắc phục tình trạng giao phối cận huyết thống. Chương trình được thực hiện tại các huyện đồng bằng gồm: Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh với nguồn giống chủ yếu là giống trâu Mura có nguồn gốc từ Ấn Độ và một số giống trâu nội tuyển chọn. Đối tượng của chương trình là những con trâu cái có trọng lượng từ 280 kg trở lên, có khả năng sinh sản tốt. Những gia đình tham gia thụ tinh nhân tạo cho trâu cái được hỗ trợ 50% các loại vật tư như: tinh cọng rạ, nitơ, dụng cụ thụ tinh nhân tạo.

Ông Hậu cho biết thêm: “Từ đầu năm 2019 đến nay, chương trình đã phối giống khoảng 350 con trâu cái và sinh sản được 120 con nghé. Trong quá trình thực hiện, Trung tâm đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trâu và cử cán bộ là kỹ sư chăn nuôi trực tiếp theo dõi, hướng dẫn người dân. Đây chính là mấu chốt để cho kết quả thụ thai cao và bảo đảm thành công của chương trình. Bước đầu, chương trình đã khẳng định hiệu quả và giúp một bộ phận người dân nhận thức được tầm quan trọng của chăn nuôi trâu theo hướng hàng hóa, phát triển kinh tế”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Nên có “Ngày toàn dân vệ sinh đồng ruộng và môi trường nông thôn” hằng năm

Trung Dung |

Các đợt thiên tai lịch sử cuối năm 2020 ở các tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại rất lớn trên nhiều lĩnh vực, trong đó nông nghiệp là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất. Riêng sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh Quảng Trị có hơn 1.645 ha đất sản xuất bị vùi lấp, nhiều công trình thủy lợi, kênh mương, giống cây trồng bị hư hỏng… trong khi vụ sản xuất đông xuân 2020 – 2021 đã cận kề. Mặc dù ngay sau khi nước rút, chính quyền và người dân các địa phương cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể, lực lượng vũ trang đã khẩn trương bắt tay vệ sinh đồng ruộng để kịp thời khôi phục sản xuất, nhưng trong tình thế cấp bách, trước những cánh đồng hoang tàn sau thiên tai, đòi hỏi một cuộc ra quân tổng lực với quy mô lớn và thực hiện bài bản hơn.

Tìm lại mặt ruộng sau mưa lũ

Hưng Thơ |

Đợt mưa lũ trong tháng 10 và tháng 11.2020, các tỉnh miền Trung có khoảng 2.624ha đất nông nghiệp bị vùi lấp. Trong đó, tỉnh Quảng Trị có diện tích bị ảnh hưởng nặng nhất - 1.704ha (đất trồng lúa 1.051ha). Khoảng 1 tháng nữa là đến vụ đông xuân, nhưng mặt ruộng vẫn đang bị đất, cát bồi lấp có nơi cả mét, nên Quảng Trị phải động viên các lực lượng ra đồng hỗ trợ người dân.

Khi đồng ruộng thừa... phù sa

Nguyễn Phúc |

Từng hạt phù sa từ muôn đời đối với người nông dân là tia hy vọng về những mùa vàng bội thu. Nhưng phù sa, hay nói đúng hơn là bùn đất đóng dày cả mét trên ruộng đồng sau trận mưa lũ lịch sử ở Quảng Trị năm nay chỉ để lại sự ám ảnh. Ai có thể canh tác và loài cây nào có thể nảy mầm trên những mảnh đất đóng dày cả mét bùn đất đó?

Ruộng bậc thang - bức tranh nghệ thuật nơi vùng núi Sơn La

Quang Quyết |

Do ở vị trí cao, vùng núi khó có đất bằng để canh tác nhất là trồng lúa nước, người dân chọn các sườn đồi có đất màu, tạo mặt bằng rồi dần dần thành những thửa ruộng nhỏ xinh.