Ngày 8.9, nhiều tỉnh có tiềm năng và thế mạnh về du lịch như Quảng Ninh, Bình Định, Phú Yên đã đồng loạt ra các văn bản, chỉ đạo nhằm mở lại cánh cửa ngành công nghiệp không khói. Quan điểm chung là tạo điều kiện cho du khách nhưng thận trọng và phải đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Quảng Ninh tung gói kích cầu
Ngày 8.9, UBND tỉnh Quảng Ninh ra thông báo từ 15h ngày 8.9, nhiều biện pháp nới lỏng đã được thực hiện sau thời gian kiểm soát dịch bệnh COVID-19 có hiệu quả.
Cụ thể, từ 15h dừng hoạt động các chốt kiểm soát liên ngành phòng chống dịch COVID-19 tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đối với các chốt kiểm soát biên giới để ngăn chặn hoạt động nhập cảnh trái phép vẫn hoạt động bình thường.
Các phương tiện vận tải hành khách công cộng, cá nhân, xe chở hàng từ Quảng Ninh tới TP.Hải Dương và ngược lại hoạt động bình thường nhưng phải áp dụng biện pháp phòng chống dịch.
Đặc biệt, văn bản cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, massage, bar, pur, club, dịch vụ internet, cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ vật lý trị liệu hoạt động bình thường. Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định và kiểm soát chặt người đến đểm kinh doanh của đơn vị.
Việc cho phép mở cửa các hoạt động, dịch vụ hỗ trợ ngành du lịch như dịch vụ karaoke, vũ trường, massage, bar, pur, club, dịch vụ internet… sẽ giúp hoạt động du lịch, đặc biệt là tăng hấp dẫn với khách nội địa.
Cũng chiều 8.9, tại kỳ họp thứ 19, khóa 13, nhiệm kỳ 2016 - 2021, chiều 8.9, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua nghị quyết bổ sung một số giải pháp hỗ trợ kích cầu du lịch Quảng Ninh năm 2020.
Theo đó, Quảng Ninh tiếp tục kéo dài thời gian giảm 50% giá vé tham quan vịnh Hạ Long cho cả khách lưu trú và tham quan ban ngày đến hết 31.12.2020. Đặc biệt, sẽ miễn phí tham quan đối với khách lưu trú trên vịnh Hạ Long vào những ngày lễ lớn. Với khách tham quan ban ngày, vẫn được miễn vé tham quan vào những ngày lễ theo nghị quyết kích cầu trước đó.
Theo Sở Du lịch, trong tháng 6.2020, khi dịch COVID-19 được kiểm soát, bình quân mỗi ngày vịnh Hạ Long đón khoảng 7.000 khách. Vào những ngày cuối tuần, lượng khách tăng đột biến, có ngày đạt gần 27.000 khách - cao hơn cả những ngày cao điểm của năm 2019.
Trong thời gian kích cầu du lịch, bắt đầu từ 15.5.2020, vịnh Hạ Long đón 828.000 khách, trong đó có trên 40.000 khách lưu trú. Tuy nhiên, do dịch COVID-19, thu phí tham quan vịnh Hạ Long giảm sốc - mất khoảng 1.000 tỉ đồng so với tổng thu năm 2019.
Theo Ban quản lý vịnh Hạ Long, tổng thu từ bán vé thăm vịnh từ đầu năm đến nay chỉ đạt gần 190 tỉ đồng, trong khi số thu của năm 2019 là trên 1.200 tỉ đồng và kế hoạch giao năm 2020 là 1.300 tỉ đồng.
Mở cửa đón khách
Cũng bắt đầu từ ngày 8.9, UBND tỉnh Bình Định đã cho phép hoạt động trở lại đối với các dịch vụ kinh doanh không thiết yếu trên địa bàn tỉnh trong đó có các khu - điểm du lịch; địa điểm tham quan, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử.
Cũng trong ngày 8.9, tại Phú Yên, những cơ sở massage, karaoke, vũ trường, quán bar, các điểm truy cập internet, rạp chiếu phim, các khu điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử-văn hoá, các điểm tham quan, khu vui chơi giải trí… được phép hoạt động trở lại nhưng phải thực hiện nghiêm các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế như: Đeo khẩu trang bắt buộc, phải có nơi rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, thường xuyên vệ sinh, lau dọn đồ dùng, phương tiện bán hàng, để thông thoáng nhà cửa, cơ sở sản xuất, kinh doanh và thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của ngành Y tế về phòng, chống dịch COVID-19.
Theo báo cáo của ngành Du lịch Phú Yên, khách du lịch quốc tế đến Phú Yên trong tháng 8.2020 chỉ đạt 120 lượt, giảm 95,9% so với cùng kỳ. Lượng khách sử dụng dịch vụ lưu trú đạt 21.580 lượt, giảm 75,7% so với cùng kỳ (117 lượt khách quốc tế có lưu trú). Tổng thu từ du lịch trong tháng 8.2020 của Phú Yên đạt 19,42 tỉ đồng, giảm 91,3%; trong đó tổng thu từ lưu trú ước đạt 5,43 tỉ đồng, giảm 73,1% so với cùng kỳ. Tháng 8.2020, khách tham quan tại Gành Đá Đĩa và Bãi Môn - Mũi Đại Lãnh đạt 77.289 lượt, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm; doanh thu từ bán vé đạt 1.338,51 triệu đồng, giảm 1,9% so với cùng kỳ. Riêng tại Di tích quốc gia đặc biệt tháp Nhạn, khách tham quan đạt 17.558 lượt, tăng 17,4% so với cùng kỳ.
Lũy kế 8 tháng năm 2020, khách du lịch đến Phú Yên ước đạt 708.640 lượt, giảm 31,2% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt 6.670 lượt, giảm 78,2%. Tổng lượng khách sử dụng dịch vụ lưu trú là 422.598 lượt, giảm 39,7%. Tổng thu du lịch trong 8 tháng năm 2020 đạt 547,42 tỉ đồng, giảm 41,6% so với cùng kỳ; trong đó tổng thu từ lưu trú đạt 105,95 tỉ đồng, giảm 33,5%.
Trước đó, ngày 7.9, UBND tỉnh Lâm Đồng đã cho phép các cơ sở kinh doanh: Vũ trường, quán bar, karaoke, rạp chiếu phim, massage, trò chơi điện tử, ca nhạc phòng trà, cơ sở làm đẹp được hoạt động trở lại, theo đề xuất của Sở VHTTDL và Sở Y tế. Sở Y tế được giao chủ trì phối hợp với Sở VHTTDL, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố hướng dẫn các cơ sở kinh doanh nêu trên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định. Nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch nhiều tỉnh, thành phố trong những tháng cuối năm 2020 là tập trung phục hồi ngành Du lịch khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Không chủ quan
Mặc dù đưa ra gói kích cầu du lịch, tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Ninh vẫn yêu cầu những người đến từ/đi qua tỉnh Hải Dương thực hiện khai báo y tế theo quy định. Cán bộ, công nhân, người lao động cư trú trên địa bàn tỉnh Hải Dương làm việc tại Quảng Ninh đi lại, làm việc bình thường nhưng phải thường xuyên theo dõi sức khỏe, kiểm soát lịch sử đi lại; kịp thời thông báo cho cơ quan và cơ sở y tế nếu có các biểu hiện dịch tễ liên quan đến COVID-19.
Người dân và khách du lịch thực hiện bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông công cộng; khuyến cáo người dân hạn chế đi lại, không tập trung đông người khi không cần thiết, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; tổ chức việc cưới, tang lễ gọn nhẹ, an toàn. Các khu vực biên giới thuộc các địa phương Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu vẫn thực hiện nghiêm kiểm tra các đường mòn lối mở; khu vực cửa khẩu vẫn thực hiện theo các quy định kiểm soát phòng chống dịch.
Các sở, ngành, địa phương, đơn vị tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, tăng cường triển khai các cuộc họp trực tuyến để giảm thiểu các cuộc họp tập trung đông người.
UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về các nội dung phòng chống dịch.
Tại Bình Định dù các khu - điểm du lịch; địa điểm tham quan, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử đã đón khách nhưng hoạt động của các cơ sở dịch vụ kinh doanh: Quán bar, vũ trường, karaoke, rạp chiếu phim, cơ sở massage, nhà hàng tiệc cưới vẫn tiếp tục tạm đình chỉ. Bình Định yêu cầu các cấp, các ngành phải đề cao cảnh giác, không chủ quan, lơ là, coi thường dịch bệnh, xác định chống dịch trong thời gian dài và dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh.
An Giang dừng tổ chức Hội đua bò Bảy Núi
Trước diễn biến của dịch COVID-19, UBND tỉnh An Giang quyết định dừng tổ chức Hội Đua bò Bảy Núi 2020. Đây là một trong những hoạt động văn hóa thể thao tiêu biểu của đồng bào dân tộc Khmer tại 2 huyện vùng núi Tri Tôn và Tịnh Biên diễn ra thường niên vào đúng dịp lễ Sel Dolta của dân tộc Khmer Nam Bộ (từ 29.8 đến 1.9 âm lịch). Với 26 lần tổ chức, sự kiện thu hút nhiều du khách đến tham dự và trở thành một “thương hiệu” của vùng Bảy Núi nói riêng và tỉnh An Giang nói chung. Tháng 3.2020, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt đề án Bảo tồn và phát huy Hội đua bò Bảy Núi nhằm nâng tầm thành Hội Đua bò quốc tế với mức tổng kinh phí lên đến 5,8 tỉ đồng trong giai đoạn 2020 - 2025. M.K
(Nguồn: Báo Lao Động)