Thời gian qua, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) chú trọng phát triển công nghiệp có tiềm năng, lợi thế về nguyên liệu; tích cực hỗ trợ sản xuất, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp…
Nhờ vào lợi thế về giao thông Quốc lộ 9 và đường Hồ Chí Minh, có vùng nguyên liệu vật liệu xây dựng và sản xuất, chế biến nông sản nên huyện Cam Lộ có sức hút với nhà đầu tư. Đến nay, trên địa bàn huyện có 3 cụm công nghiệp (CCN) gồm Cam Thành, Cam Hiếu và Cam Tuyền đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích khoảng 150 ha. Được sự quan tâm, hỗ trợ của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan, công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại các CCN trên địa bàn huyện được đầu tư khá hoàn thiện với tổng kinh phí đã thực hiện là hơn 36,9 tỉ đồng…
Đến nay, huyện Cam Lộ đã thu hút được 41 dự án đầu tư ở các CCN với tổng số vốn thực hiện khoảng 916,74 tỉ đồng, thu hút khoảng 2.290 lao động, giải quyết được việc làm cho khoảng 1.379 lao động, nộp ngân sách nhà nước tính đến ngày 27/10/2021 là 7,242 tỉ đồng. Các dự án đầu tư thực hiện sản xuất, kinh doanh theo đúng ngành nghề đã đăng ký, bước đầu phát huy hiệu quả kinh tế-xã hội, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế và tiêu thụ các sản phẩm như gỗ rừng trồng, sắn, lạc…trên địa bàn. Một số dự án đi vào chế biến sâu, sản phẩm xuất khẩu qua thị trường Châu Âu, Châu Mỹ như Nhà máy sản xuất ván ghép thanh Tiến Phong Cam Lộ, Nhà máy chế biến tinh bột sắn An Thái. Một số dự án giải quyết nguồn lao động lớn như Nhà máy may xuất khẩu Tân Định…
Với mục tiêu phấn đấu từ năm 2021- 2025, tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân trên địa bàn huyện Cam Lộ đạt 14%/năm; tổng giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2025 đạt 1.735 tỉ đồng. Đến năm 2025, ngành công nghiệp sẽ thu hút được khoảng 2.500 lao động và đến năm 2030 là 5.000 lao động…Để thực hiện được mục tiêu đó, thời gian tới trên cơ sở quy hoạch vùng của huyện và Đề án phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch huyện Cam Lộ, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, huyện Cam Lộ sẽ từng bước hoàn chỉnh quy hoạch các CCN, thương mại, dịch vụ và du lịch đến năm 2025; bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất của huyện để làm cơ sở đầu tư và kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng. Về công nghiệp sẽ hoàn thiện quy hoạch các CCN, thương mại, dịch vụ logistics để đón đầu cao tốc Cam Lộ-La Sơn với việc xây dựng CCN Cam Hiếu 2 (nằm ở phía Tây đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn và giáp với thị trấn Cam Lộ với diện tích khoảng 50ha); CCN-thương mại-logistics Cam Hiếu gồm 2 khu vực tại địa phận thôn Vĩnh An, xã Cam Hiếu và Khu phố 4, thị trấn Cam Lộ với diện tích khoảng 40 ha.
Về thu hút và kêu gọi đầu tư vào các CCN, huyện Cam Lộ sẽ ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường gắn với nguồn nguyên liệu sẵn có trên địa bàn; ưu tiên các ngành nghề sử dụng nhiều lao động như may mặc, chế biến sản phẩm sau thu hoạch, sản xuất các sản phẩm phục vụ xây dựng cơ bản từ nguồn nguyên liệu địa phương, sản xuất bia và nước ngọt, gia công đồ gỗ xuất khẩu từ gỗ rừng trồng…Bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp; thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư phát triển sản xuất nhằm góp phần cơ cấu lại nền kinh tế…Đối với các CCN đã đầu tư cơ sở hạ tầng và đang khai thác như: CCN Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Tuyền sẽ từng bước hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch, huy động đầu tư hạ tầng thiết yếu gồm giao thông trục chính, hệ thống thoát nước và xử lý rác thải, hệ thống điện; các hạng mục còn lại sẽ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư…Các CCN mới quy hoạch sẽ kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng và đưa vào khai thác để đón đầu cao tốc Cam Lộ-La Sơn…
Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh cho biết, trên cơ sở quy hoạch và hoàn thiện kết cấu hạ tầng tại các CCN trên địa bàn, huyện Cam Lộ sẽ tích cực hỗ trợ đầu tư tăng cường cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư để thu hút nhiều dự án đầu tư vào công nghiệp, thương mại, dịch vụ…Mặt khác, huyện sẽ chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho các ngành chế biến nông-lâm sản; đẩy mạnh nghiên cứu, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi mang lại năng suất cao, phù hợp với từng vùng để xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo nguyên liệu cho chế biến công nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp chế biến ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm…; đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn gắn với sản phẩm của các làng nghề, sản phẩm OCOP và các loại hình công nghiệp phụ trợ như chế biến thực phẩm, cao dược liệu, công nghiệp cơ khí… phấn đấu gia tăng tỉ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ trong cán cân kinh tế địa phương.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)