Thời gian qua, do ảnh hưởng của COVID - 19, rất nhiều người dân từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch. Thế nhưng, hiện nay nhiều doanh nghiệp, nhà máy trên địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc ngành hàng dệt may gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân lực, nhất là đội ngũ công nhân có tay nghề dù đã đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ.
Chính sách đãi ngộ chưa thu hút người lao động
Công ty Cổ phần Phát triển May mặc miền Trung, ở Khu Công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh đi vào hoạt động từ năm 2018, đến nay có 8 chuyền may vận hành với 400 lao động. Hiện tại, công ty đang có nhu cầu tuyển dụng thêm 300 lao động. Trong tháng 3/2022, công ty sẽ mở thêm chi nhánh tại xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong và cần tuyển thêm 200 công nhân tại khu vực này. Mặc dù nhu cầu tuyển dụng công nhân khá nhiều tuy nhiên đến nay, số người nộp đơn ứng tuyển rất hạn chế.
Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính Công ty Cổ phần Phát triển May mặc miền Trung Trương Hữu Nghĩa cho biết: “Hiện có nhiều người từ các tỉnh miền Nam trở về quê Quảng Trị, trong đó có không ít người lao động có tay nghề, nên chúng tôi đưa ra chính sách ưu tiên để tuyển dụng như hỗ trợ thêm 1 triệu đồng tiền lương ở tháng đầu tiên, 700.000 đồng tháng thứ 2 và 500.000 đồng tháng thứ 3 đối với những lao động có tay nghề. Ngoài ra, chính sách tiền lương năm 2022 có điều chỉnh cao hơn các năm trước với mức lương từ 4,5 - 10 triệu đồng tùy vào năng lực. Không chỉ ưu tiên lao động lành nghề, với những lao động về quê tránh dịch, nếu có nhu cầu, công ty cũng sẽ tuyển dụng và tiến hành đào tạo nghề”.
Dù có nhiều chính sách ưu đãi nhưng người lao động vẫn không “mặn mà” với việc làm ở quê. Từ giữa năm 2021 đến nay, Nhà máy may xuất khẩu Phong Phú, huyện Hải Lăng (thuộc Công ty Cổ phần quốc tế Phong Phú) có nhu cầu tuyển dụng thêm 300 lao động để mở rộng sản xuất, trong đó ưu tiên những người lao động có tay nghề trở về từ các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, số lượng hồ sơ nộp vào rất ít, mới chỉ có gần 20 người mặc dù công ty đã có nhiều chính sách đãi ngộ.
Chủ tịch Công đoàn công ty Lê Nguyên Y cho biết: “Chính sách của nhà máy là thưởng 1 triệu đồng đối với những lao động có tay nghề từ miền Nam trở về, mức lương tối thiểu không thấp hơn 5 triệu đồng đối với thợ bậc 2 và không thấp hơn 6 triệu đồng đối với thợ bậc 4. Ngoài ra, người lao động còn có thêm thu nhập từ tăng ca, các chế độ khác nhà máy đảm bảo theo đúng quy định của nhà nước”.
Cũng theo ông Y, người lao động vào thành phố làm việc lâu năm đã quen với lối sống thành thị, trở về quê tránh dịch là giải pháp tạm thời nên rất ít người có ý định ở lại. Ngoài ra, các công ty ở thành phố nơi họ làm việc chỉ cắt giảm số lượng công nhân hoặc đóng cửa tạm thời để tránh dịch, nên đã "níu chân" công nhân bằng cách giữ lại sổ bảo hiểm xã hội để khi trở lại trạng thái bình thường mới sẽ tiếp tục đón công nhân trở lại làm việc. Đây cũng là trở ngại lớn khiến không ít công nhân, nếu có ý định làm việc tại quê nhà cũng sẽ gặp khó.
Ngoài ra, lý do khiến lao động ở miền Nam về không muốn làm việc trên chính quê hương của mình, qua tìm hiểu được biết, mức lương thấp hơn so với mặt bằng chung ở các tỉnh phía Nam vẫn là “rào cản” lớn nhất. Chị Nguyễn Ngọc Hà, ở Hải Lăng cho biết, mức lương công nhân của chị tại một nhà máy may ở Bình Dương từ 10 - 12 triệu đồng/tháng tùy vào thời gian tăng ca, chồng chị có thu nhập ổn định mỗi tháng 8 triệu đồng, dù chật vật nhưng vẫn xoay xở đủ nuôi hai con nhỏ. Tuy nhiên nếu trở về quê, rất khó để cả hai vợ chồng tìm được công việc với thu nhập ổn định. “Ở quê tôi cũng không có nhà cửa, bố mẹ chồng ở với em trai nên dù muốn về quê cũng băn khoăn chuyện công việc, chỗ ở. Tính toán mãi phương án ở quê không khả thi nên hai vợ chồng quyết định sau Tết sẽ quay trở lại Bình Dương làm việc”, chị Hà cho biết.
Cần thêm nhiều cơ chế, chính sách để giải "bài toán" cung cầu lao động
Trên địa bàn tỉnh có 4.193 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng gần 53.000 lao động. Năm 2021, có khoảng 315 doanh nghiệp báo cáo tạm ngừng hoạt động và có 31 doanh nghiệp, đơn vị đề nghị hỗ trợ cho 483 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu sử dụng lao động là người địa phương nên việc thiếu hụt lao động trong các ngành nghề, lĩnh vực không lớn.
Tuy nhiên, hiện nay, có 4 công ty may mặc và các công ty khác trong khu công nghiệp, khu kinh tế có nhu cầu tuyển dụng 2.250 lao động, trong đó ngành may mặc có nhu cầu tuyển 1.750 lao động. Ngoài ra, các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế có nhu cầu tuyển dụng 1.560 lao động. Trong khi đó, người lao động ở các tỉnh, thành phố phía Nam trở về quê với số lượng khá lớn, khoảng 3.400 người. Số lao động trở về quê cùng với lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động ở các doanh nghiệp trên địa bàn đã tạo ra tình trạng người lao động trong một số ngành nghề không có việc làm.
Thời gian qua, chính quyền các cấp đã tham mưu các giải pháp để tập trung hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động từ các tỉnh, thành phố phía Nam về quê nhằm ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, hỗ trợ, tư vấn, giải quyết việc làm cho người lao động. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, giới thiệu cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu biết để tuyển dụng lao động…
Theo đó, trong năm 2021, trung tâm đã tổ chức 30 phiên giao dịch việc làm. Có 180 lượt đơn vị tham gia tuyển dụng trực tiếp tại sàn giao dịch việc làm, có 775 lao động tìm được việc làm trong tỉnh, trong nước. Đơn vị cũng đã tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho 3.800 lượt lao động, trong đó có 355 lao động thất nghiệp tìm được việc làm và 130 lao động được hỗ trợ học nghề. Xây dựng, ban hành kế hoạch đào tạo nghề cho người lao động trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam có nhu cầu học nghề, chuyển đổi sinh kế theo các chính sách như đào tạo mới, đào tạo lại lao động, hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên tham gia học trung cấp, cao đẳng theo quy định hiện hành, hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp…
Để giải được “bài toán” cung cầu lao động, các cấp, ngành và địa phương cần tuyên truyền, tư vấn giáo dục nghề nghiệp và việc làm cho lao động nông thôn, tổ chức rà soát lại các nghề đào tạo cho lao động nông thôn, đảm bảo các nghề phải phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương, nhu cầu sử dụng lao động theo vị trí việc làm của doanh nghiệp trên địa bàn.
Mặt khác, các địa phương, đơn vị cần tổ chức liên kết đào tạo và cung ứng lao động giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh để gắn kết đào tạo nghề với giải quyết việc làm, nhận bao tiêu sản phẩm và tuyển dụng lao động sau khi học nghề. Các doanh nghiệp cũng cần quan tâm tới việc chăm lo đời sống của người lao động, tuyên truyền, khuyến khích động viên người lao động trong học tập, nâng cao kiến thức, tay nghề cho bản thân. Đây là giải pháp giúp người lao động tìm được nhiều cơ hội việc làm và cải thiện chất lượng nguồn lao động.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)