Phát triển kinh tế tập thể (KTTT), nòng cốt là hợp tác xã (HTX) là một chủ trương đúng đắn và nhất quán của Đảng, Nhà nước. Để tạo động lực phát triển KTTT, thời gian qua, TP. Đông Hà (Quảng Trị) triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đối với khu vực KTTT.
TP.Đông Hà hiện có 23 HTX, trong đó có 20 HTX nông nghiệp, 1 HTX vận tải ôtô và 2 quỹ tín dụng nhân dân. Kinh tế HTX đã có những chuyển biến tích cực, chất lượng dịch vụ của HTX ngày càng nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu trong sản xuất của thành viên và hộ nông dân. Tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xóa đói giảm nghèo, đóng góp phúc lợi xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị- xã hội ở khu vực ven đô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Theo đó, HTX đã hướng dẫn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá và hiệu quả kinh tế. HTX cũng thể hiện được vai trò quan trọng trong việc thực hiện các dịch vụ, hướng dẫn, thúc đẩy hộ thành viên đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay toàn thành phố có 96 công cụ sạ hàng, 24 máy gặt, 234 máy làm đất các loại... Các HTX còn là cầu nối tiếp nhận sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước cho thành viên.
Hằng năm, thông qua HTX đã mở hàng trăm lớp tập huấn về kỹ thuật thâm canh, phòng trừ sâu bệnh, dịch hại, tiếp cận các dự án làm mô hình điểm cho thành viên, nông dân. Nhờ vậy góp phần quan trọng để các thành viên HTX sử dụng giống lúa có năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt và sử dụng các loại phân bón phù hợp, thực hiện tốt kế hoạch sản xuất, bố trí mùa vụ, cơ cấu các loại giống... Một số hộ gia đình thành viên đã khai thác thế mạnh địa phương, phát triển các mô hình có hiệu quả như sản xuất rau an toàn, hoa các loại, nuôi trồng thủy sản, kinh tế trang trại…
Ngoài việc tổ chức thực hiện các dịch vụ thiết yếu như bảo vệ thực vật, giống, điều hành sản xuất, làm đất, thu hoạch…, các HTX đã mạnh dạn tổ chức thêm từ 2 - 6 dịch vụ khác nhau, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất của hộ thành viên. Trong đó, có 17 HTX làm dịch vụ thủy nông; 18 HTX làm dịch vụ vật tư nông nghiệp; 18 HTX triển khai dịch vụ làm đất và 4 HTX có dịch vụ tín dụng nội bộ. Từ những hoạt động này, đến nay có trên 60% HTX đã tích luỹ được vốn (tăng vốn góp thành viên) để thực hiện đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, từng bước thể hiện mô hình HTX kiểu mới.
Đồng thời, các HTX đã từng bước đổi mới, thực hiện tốt việc điều hành sản xuất, cung cấp các dịch vụ. Tích cực sử dụng các nguồn vốn, quỹ của HTX cho vay không lãi hoặc lãi suất thấp để mua các công cụ sản xuất như máy gặt đập liên hợp, máy làm đất, đóng góp cùng với chính quyền địa phương đầu tư các công trình hạ tầng nông thôn và các hoạt động xã hội như: Xây dựng các công trình giao thông, giao thông nội đồng, bê tông hóa kênh mương, công trình văn hoá, xây dựng quỹ tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, quỹ khuyến học, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động các đoàn thể ở địa phương. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dồn điền đổi thửa, hình thành các vùng sản xuất tập trung như vùng sản xuất lúa giống, sản xuất lúa chất lượng cao, vùng chuyên canh rau hoa, thủy sản,... nhằm góp phần thay đổi diện mạo của vùng nông nghiệp ven đô.
Để hỗ trợ KTTT phát triển, nhiều chính sách đã được TP. Đông Hà triển khai thực hiện. Trong chính sách đất đai, địa phương đã khuyến khích và tạo điều kiện để các HTX thực hiện dồn điền đổi thửa, cải tạo đồng ruộng để phát triển sản xuất hàng hoá, đa dạng ngành nghề. Kết quả sau dồn điền đổi thửa đối với đất lúa, mỗi hộ chỉ còn lại từ 2-3 thửa (trước đây từ 4-7 thửa)… Hay chính sách về tài chính tín dụng cũng được thành phố quan tâm triển khai. Thông qua Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, đã có 3 HTX vay vốn ưu đãi với số tiền 1,2 tỉ đồng để mua máy gặt đập liên hợp. Ngoài ra, các thành viên là hội viên của các đoàn thể đã xây dựng và hình thành được các tổ tín dụng, tổ tiết kiệm ở các phường tín chấp qua kênh của hội để vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội,... giúp cho các hội viên giải quyết khó khăn và có nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế.
Việc hỗ trợ về khoa học công nghệ được đẩy mạnh. Hằng năm, bằng nhiều nguồn vốn, UBND thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn triển khai thực hiện các chương trình chuyển giao khoa học công nghệ như: Thực hiện chương trình sản xuất lúa “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, ứng dụng phân sinh học vào sản xuất lúa chất lượng cao; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, hoa; đưa các giống rau, hoa, thủy sản, gia cầm mới vào sản xuất, xây dựng các mô hình nuôi gà an toàn sinh học, nuôi lợn thâm canh kết hợp xây dựng hầm biogas đảm bảo vệ sinh môi trường. Thành phố đã phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao ứng dụng phần mềm kế toán cho một số HTX để nâng cao năng lực quản lý tài chính.
Thực hiện chính sách đào tạo, thời gian qua, thành phố đã cử hơn 60 cán bộ quản lý HTX và cán bộ kế cận, dự nguồn đi đào tạo các lớp đại học, trung cấp. Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, về kiến thức quản lý, kinh doanh mới, phương pháp lập dự án, nghiệp vụ công tác tài chính kế toán cho các học viên là cán bộ ban quản trị, ban kiểm soát, kế toán HTX… Chính sách hỗ trợ HTX đầu tư cơ sở hạ tầng được chú trọng. Bằng nhiều nguồn vốn, hằng năm thành phố đã hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như: Đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng trạm bơm, hệ thống điện, giao thông nội đồng, cải tạo đồng ruộng, xây dựng trại sản xuất giống hoa cúc, bể nước, giếng khoan... Từ đó góp phần quan trọng giúp HTX và kinh tế hộ thành viên đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân.
Để tiếp tục hỗ trợ KTTT phát triển, cùng với các giải pháp như tuyên truyền, tăng cường vận động thành lập HTX kiểu mới, đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ HTX…, nhiều chính sách phát triển KTTT sẽ được thành phố triển khai. Đó là tiếp tục chỉ đạo dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, tạo thành những vùng chuyên canh, vùng sản xuất lúa chất lượng cao, chuyên canh rau an toàn, nuôi thủy sản. Chỉ đạo các HTX hướng dẫn xã viên, hộ nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các mô hình phù hợp với điều kiện địa phương, phấn đấu mỗi năm mỗi HTX vận động xây dựng thêm từ 1-2 mô hình có hiệu quả kinh tế cao…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)