Gặp khó trong xây dựng xã thông minh

Trúc Phương |

Xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) là một trong 7 địa phương của cả nước được lựa chọn thí điểm để xây dựng mô hình xã thông minh. Thời gian qua, dù đã rất nỗ lực trong triển khai chuyển đổi số trên các lĩnh vực song việc xây dựng xã thông minh tại xã Hướng Phùng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.


Hỗ trợ thí điểm chuyển đổi số

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTG về việc Phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó chọn xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa cùng 6 xã khác trên toàn quốc làm thí điểm chuyển đổi số.

Ngay sau khi được lựa chọn, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Cục Tin học hóa triển khai một số nhiệm vụ bước đầu xây dựng thí điểm xã thông minh ở Hướng Phùng như: tuyên truyền nâng cao nhận thức cho toàn hệ thống chính trị, người dân; tập huấn và triển khai khám bệnh từ xa, giúp người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn tiếp cận được với bác sĩ chuyên khoa giỏi qua các phương tiện sẵn có trong gia đình như điện thoại, mạng xã hội.

Thiếu mạng internet, điện thoại thông minh là nguyên nhân chính khiến quá trình xây dựng xã thông minh tại Hướng Phùng gặp khó khăn - Ảnh: T.P
Thiếu mạng internet, điện thoại thông minh là nguyên nhân chính khiến quá trình xây dựng xã thông minh tại Hướng Phùng gặp khó khăn - Ảnh: T.P

Bên cạnh đó, các đơn vị còn hỗ trợ UBND xã triển khai truyền thanh thông minh; phát thanh qua trợ lý ảo vừa được lựa chọn nhiều giọng đọc phù hợp, hấp dẫn, vừa tiết kiệm được thời gian của phát thanh viên, triển khai định danh xác thực cho người dân để tham gia giao tiếp trên môi trường mạng như: dịch vụ công, app công dân. Hỗ trợ người dân hoàn thiện quy trình đưa sản phẩm cà phê, tinh bột nghệ… lên sàn thương mại điện Postmart.vn, Voso.vn.

Từng bước nâng cao ý thức của người dân trong ứng dụng công nghệ mới để nâng cao đời sống, sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ Trường THCS xã Hướng Phùng phòng máy vi tính và ti vi thông minh nhằm đào tạo nguồn lực tại chỗ hỗ trợ người dân và chính quyền trong chuyển đổi số. Nhờ đó mà sau 2 năm thực hiện, đến nay, toàn xã có khoảng 295 người dân đã cài đặt app Medice để thực hiện cuộc gọi tư vấn với bác sĩ; 345 người dân tham gia nhóm cộng đồng trực tuyến “Hướng Phùng hỏi bác sĩ trả lời”; hệ thống loa truyền thanh với 25 cụm loa trên 13 thôn được đầu tư, hoạt động vào các khung giờ: sáng (5 giờ 30 phút-6 giờ 30 phút); trưa (11 giờ-12 giờ); chiều (17 giờ 30 phút-18 giờ 30 phút) nhằm chuyển đổi văn bản giấy thành tin bài bằng giọng nói để phục vụ công tác tuyên truyền chuyển đổi số trên lĩnh vực “Y tế thông minh”, tuyên truyền các ngày lễ lớn và công tác phòng chống COVID - 19 trên địa bàn xã; hỗ trợ, quảng bá và đưa 4 sản phẩm OCOP của địa phương lên sàn Postmart.vn...

Người dân từ hào hứng đến...không mặn mà

Bên cạnh những việc đã làm được, quá trình xây dựng xã thông minh tại Hướng Phùng vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là bởi toàn xã hiện có trên 1.710 hộ dân nhưng phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, tỉ lệ hộ nghèo chiếm 17,6%. Người dân không có điều kiện mua sắm, sử dụng điện thoại thông minh, không có tài khoản facebook, điều này ít nhiều gây ảnh hưởng đến việc vận động người dân cài đặt app.

Riêng 2 thôn Hướng Choa, Chênh Vênh mạng di động còn chập chờn, lúc được lúc mất nên kết quả triển khai chưa cao. Bí thư Chi bộ thôn Hướng Choa Hồ Văn Lang cho biết, khoảng cách từ trung tâm xã Hướng Phùng vào thôn khoảng trên 12 km. Đường sá xa xôi, sóng điện thoại, mạng di động không ổn định khiến người dân không quan tâm nhiều đến việc chuyển đổi số. “Lúc trước được tuyên truyền về việc xây dựng xã thông minh, mọi người rất hào hứng. Nhưng muốn chuyển đổi số được thì phải có mạng internet, có điện thoại thông minh.

Trong khi đó, tỉ lệ hộ nghèo toàn thôn lại chiếm đến 54,41%, chúng tôi rơi vào hoàn cảnh: hoặc là không có điện thoại cảm ứng để dùng, hoặc nếu có điện thoại thì không có mạng để dùng. Mỗi ngày, muốn tiếp cận thông tin mới trên điện thoại còn khó, huống chi là thực hiện xã thông minh. Người dân cũng vì vậy mà dần dà không còn mấy mặn mà”, ông Lang chia sẻ.

Như trường hợp của anh Hồ Văn Đường (sinh năm 1980), hiện đang sống tại thôn Hướng Choa, xã Hướng Phùng, vì hoàn cảnh khó khăn nên cả gia đình anh chỉ có một chiếc điện thoại bàn phím đã cũ để làm phương tiện liên lạc. Anh Đường cho hay: “Khi được cán bộ xã, thôn đến tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số, vận động cài đặt app trên điện thoại thông minh, tôi cũng rất thích. Nhưng ngặt nỗi gia đình khó khăn quá, không mua nổi điện thoại cảm ứng để dùng, đành phải chịu thôi”.

Ngoài ra, một số vấn đề khác như: các buổi phát động, hướng dẫn cách triển khai chủ yếu qua trực tuyến nên một số người trong tổ triển khai thực hiện vẫn chưa hiểu rõ cách làm; số lượng người dân được hỏi để lấy phiếu thu thập ý kiến cho rằng họ không có vấn đề gì về sức khỏe và không cần được tư vấn còn khá nhiều; không có máy tính kết nối trực tiếp với đài truyền thanh khiến việc soạn thảo, chuyển văn bản thành giọng nói sau đó phát thanh về các thôn chưa phát huy được hiệu quả; một số ý kiến cho rằng đã tham gia nhóm facebook “Hướng Phùng hỏi bác sĩ trả lời” nhưng khi có vấn đề về sức khỏe và đã đặt câu hỏi nhưng không nhận được giải đáp hoặc giải đáp không kịp thời; ảnh hưởng của COVID - 19 và thiên tai... là những nguyên nhân khiến quá trình xây dựng xã thông minh của Hướng Phùng gặp nhiều thách thức.

Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Hồ Văn Quý cho biết, dù nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới nhưng nguồn lực của địa phương thực sự quá khó khăn.

“Để giải quyết vướng mắc, giúp quá trình xây dựng xã thông minh được triển khai thuận lợi hơn, bên cạnh nỗ lực tháo gỡ khó khăn, chúng tôi cũng đã kiến nghị lên các đơn vị cấp trên có liên quan hỗ trợ kinh phí để mua máy tính kết nối với đài truyền thanh xã; cử cán bộ về cơ sở để hướng dẫn cụ thể cho người dân cách đưa các sản phẩm của địa phương lên sàn thương mại điện tử, tham gia y tế thông minh.

Quan trọng nhất là hỗ trợ lắp đặt hệ thống wifi tốc độ cao miễn phí tại các điểm dân cư tập trung, khu vực công cộng trên địa bàn xã, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin”, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Hồ Văn Quý nói.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Giải pháp thu thuế xây dựng nhà ở tư nhân trên địa bàn Đông Hà

Nguyễn Hải Phi |

Mặc dù những năm gần đây ngành thuế thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đã nỗ lực để thu thuế đối với các công trình xây dựng cơ bản nhà ở tư nhân trên địa bàn, song kết quả vẫn đạt thấp, dẫn đến thất thu cho ngân sách nhà nước. Từ thực tế đó đòi hỏi ngành thuế cùng với các cấp, các ngành, các đơn vị ở địa phương cần có thêm những giải pháp quyết liệt hơn để nguồn thu này được thực hiện đảm bảo, đúng quy định.

Tập huấn kết nối di sản Lễ hội Mừng lúa mới của người Vân Kiều tại xã Hướng Phùng

Thanh Huyền - Bảo Phú |

Trong 2 ngày 21 và 22 tháng 10 năm 2022, tại xã Hướng Phùng, Cục Di sản - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hoá Thể thao tỉnh Quảng Trị và UBND huyện Hướng Hóa tổ chức lớp tập huấn kết nối di sản “Lễ hội mừng lúa mới” của người Vân Kiều.

Trường THPT Hướng Phùng nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ năm học

Xuân Vinh |

Năm học 2022- 2023, Trường THPT Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) có 426 học sinh, trong đó có 329 học sinh người dân tộc thiểu số.

Hướng Phùng chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với tiềm năng, lợi thế

Nguyễn Đình Phục |

Những năm qua, Đảng bộ xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) luôn phát huy vai trò hạt nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Những kết quả đạt được đã làm cho diện mạo của xã vùng cao biên giới Hướng Phùng ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, an ninh trật tự trên địa bàn và chủ quyền an ninh biên giới quốc gia luôn được giữ vững.