Giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Quảng Trị

Thương Huyền |

Cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. 

Trong gần 35 năm qua kể từ ngày lập lại tỉnh đến nay, Quảng Trị đã liên tục duy trì mức tăng trưởng khá, cải thiện đáng kể mức sống người dân, nâng cao phúc lợi xã hội, thực hiện tốt mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2015- 2022, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Do đó, cần nghiên cứu, đề ra các các giải pháp đúng đắn và phù hợp thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Có thể thấy, mô hình tăng trưởng của tỉnh giai đoạn 2015- 2022 chủ yếu theo chiều rộng nên chưa phát huy được các tiềm năng, thế mạnh. Trong GRDP của tỉnh, tỉ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản mặc dù có xu thế giảm nhưng mức giảm chưa phù hợp so với yêu cầu đặt ra; tỉ trọng của khu vực công nghiệp - xây dựng có xu hướng tăng nhẹ nhưng cũng chỉ chiếm 1/4 GRDP của tỉnh; tỉ trọng của khu vực dịch vụ chứng kiến sự ổn định và duy trì ở mức đóng góp cao, xấp xỉ 50% trong tổng GRDP của tỉnh. Quy mô GRDP tỉnh tăng qua các năm nhưng mức tăng cũng không đều và chậm hơn so với các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và cả nước.

Hệ thống giao thông nội vùng đã được đầu tư nâng cấp, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa huyện Đakrông phát triển -Ảnh: Đ.T
Hệ thống giao thông nội vùng đã được đầu tư nâng cấp, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa huyện Đakrông phát triển -Ảnh: Đ.T

Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có sự thay đổi khá tích cực nhưng chất lượng chưa cao. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, liên kết hợp tác.

Nội bộ ngành công nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó năm 2019 là năm hoạt động thu hút đầu tư diễn ra sôi động trên địa bàn tỉnh với nhiều dự án đầu tư quy mô lớn được triển khai; sản xuất công nghiệp từng bước gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt là ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.

Một số ngành dịch vụ thị trường có đóng góp tỉ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung của ngành, các ngành dịch vụ phi thị trường chỉ tăng nhẹ. Trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh, ngành bán lẻ hàng hóa chiếm tỉ trọng lớn, luôn trên 80% trong cả giai đoạn 2015 - 2022.

Cán cân xuất nhập khẩu đang là nhập siêu; hiệu quả huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực đầu tư còn nhiều hạn chế, chưa phát huy được vai trò động lực đảm bảo cho tỉnh tăng trưởng kinh tế. Hiệu quả đầu tư có chiều hướng giảm, theo đó hệ số ICOR năm 2015 là 5,28 và bình quân giai đoạn 2015-2022 là 6,49; tỉ lệ vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước và khu vực đầu tư nước ngoài có xu hướng tăng lên. Năng suất lao động có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, từ năm 2015 đến năm 2022 đã tăng gần 65,9 triệu đồng/lao động, song khoảng cách chênh lệch so với mức bình quân cả nước vẫn còn khá xa.

Trên cơ sở phân tích các điểm mạnh, điểm yếu nội tại của tỉnh; cơ hội và thách thức của tình hình trong nước và thế giới trong thời gian tới, xin được đề xuất định hướng và một số giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Một là, chuyển dần từ mô hình tăng trưởng dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang gia tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Một số đột phá tỉnh cần tập trung ưu tiên là xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh chuyển đổi số; đề xuất cơ chế chính sách hợp lý để khai thác tiềm năng, thế mạnh là tỉnh đầu cầu về phía Việt Nam trên tuyến Hành lang kinh tế Đông -Tây.

Hai là, xác định cơ cấu lại nền kinh tế trên các mục tiêu định hướng cơ bản, trong đó, năng lượng tái tạo là ngành trọng điểm, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ với hệ thống giao thông.

Trong nội bộ các ngành, phát triển công nghiệp chế biến với công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực công nghiệp; tập trung các giải pháp nhằm thúc đẩy nâng cao năng suất nội ngành, gia tăng nội địa hóa, cơ cấu lại thị trường xuất, nhập khẩu.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ để tạo ra giá trị lớn hơn trên quỹ đất hạn chế; thúc đẩy chế biến nông sản, cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, phát triển thị trường trong nước. Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, giá trị gia tăng cao, phát triển và cơ cấu lại thị trường du lịch, phát triển thương mại nội địa, thương mại điện tử.

Ba là, cơ cấu lại các thành phần kinh tế theo hướng củng cố, phát triển các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn, doanh nghiệp có thương hiệu tốt, hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có khả năng cạnh tranh; hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa nâng cao hiệu quả, phát triển kinh doanh.

Phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; gắn kết chặt chẽ hơn việc liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã theo hợp đồng.

Bốn là, cơ cấu lại theo từng địa bàn, trong đó đối với vùng đồng bằng xác định chuyển dịch theo hướng lấy ngành công nghiệp làm động lực phát triển chủ yếu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; từng bước ưu tiên thu hút và tạo điều kiện phát triển một số ngành, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao; phát triển các vùng chuyên canh lúa tập trung.

Đối với vùng ven biển chuyển dịch thành khu vực phát triển năng động, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả tỉnh, trong đó hạt nhân phát triển là Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; đẩy mạnh khai thác thủy sản gắn với tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá tại Cửa Việt, Cửa Tùng; khai thác thế mạnh của đảo Cồn Cỏ, bờ biển để phát triển du lịch biển; trọng tâm là tam giác du lịch Cửa Việt - Cửa Tùng - đảo Cồn Cỏ gắn với tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Đối với vùng miền núi - gò đồi đẩy mạnh sản xuất theo hướng thâm canh, nâng cao chất lượng các vùng nguyên liệu; phát triển các vùng chăn nuôi tập trung gắn với chế biến, phát triển lâm nghiệp bền vững và du lịch văn hóa, đảm bảo quốc phòng- an ninh vững chắc.

Năm là, cơ cấu lại các nguồn vốn đầu tư, hệ thống các tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập; phát triển đa dạng các loại thị trường, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Tập trung xử lý vướng mắc, hỗ trợ triển khai các dự án trọng điểm; hỗ trợ các đối tác, dự án trọng điểm của các nhà đầu tư lớn, có tính khả thi cao. Tích cực vận động nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO).

Sáu là, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo bứt phá về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo nhằm tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)


Đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Tú Linh |

Xác định hệ thống giao thông có vai trò đi trước một bước để thúc đẩy phát triển KT-XH, những năm qua, tỉnh Quảng Trị đặc biệt chú trọng đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, không chỉ tăng kết nối giữa các địa phương mà còn hình thành liên kết vùng, tạo động lực thu hút đầu tư.

Tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông tại Việt Nam năm 2023

PV |

Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2023 đã được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức tối 19/11, tại Quảng trường thành phố Hòa Bình.

Từng bước thiết lập trật tự, kỷ cương, văn hóa về an toàn giao thông

Kiều Hảo |

Từ đầu năm 2023 đến nay, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có nhiều chuyển biến tích cực. 

Quan tâm duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông trong mùa mưa bão

Tú Anh |

Ban Quản lý Bảo trì giao thông có nhiệm vụ giúp Sở Giao thông vận tải (GTVT) Quảng Trị trực tiếp tổ chức quản lý thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, đường sông; các dự án sửa chữa, cải tạo, nâng cấp định kỳ, đột xuất.