Giữa đôi bờ chuyển đổi số

Bảo Nghi |

Giữa tháng 11/2021, cái tên Hướng Phùng (Quảng Trị) tiếp tục được “thổi bùng” trên các trang báo và mạng xã hội bởi những cánh rừng ở thôn Chênh Vênh đẹp như phim “Ngọa hổ tàng long” nổi tiếng. Thế nhưng giữa chuyện rừng đẹp nức tiếng của nơi đây có liên hệ gì với mô hình thí điểm “Xã thông minh” mà Hướng Phùng được Bộ Thông tin và Truyền thông chọn làm thí điểm triển khai? Liệu sự lựa chọn có “táo bạo” cho một xã mới đạt 13/17 chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới trở thành xã nông thôn thông minh? Một chuyến đi được kết nối để trả lời cho thắc mắc không của riêng tôi.

“Hướng Phùng được xem là thủ phủ của cây cà phê Arabica và là một trong những nơi trồng cây cà phê ngon nhất Việt Nam. Thế nhưng những năm gần đây, “từ khoá” của Hướng Phùng không phải là cà phê nữa mà là hoa dã quỳ, là cảnh quan, là các mô hình du lịch cộng đồng và giàu bản sắc văn hóa dân tộc” - Yên Mã Sơn, một cây bút tài hoa cộng tác lâu năm cho Tạp chí Cửa Việt hào hứng cho biết. Có lẽ thêm một điều mà Yên Mã Sơn quên kể, đó là việc Hướng Phùng được chọn làm thí điểm xã thông minh cũng thu hút được sự chú ý của dư luận.

Mạng internet thật thú vị khi nó có thể cho bạn biết trong tích tắc sự quan tâm của xã hội đối với một cá nhân/tập thể/địa phương là gì. Thế nên, không phải “vô cớ” khi mà Đảng, Chính phủ xác định giai đoạn 2021 - 2025 phải đưa nông thôn mới vừa phát triển toàn diện, vừa bền vững về chiều sâu, thích ứng với bối cảnh mới. Việc xây dựng xã thông minh được Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm triển khai từ năm 2020. Biến đổi khí hậu, dịch bệnh, điển hình là dịch tả lợn châu Phi, đại dịch Covid-19 đã làm cho nhiều chuỗi sản xuất bị đứt gãy; giữa người sản xuất và người tiêu dùng thay đổi hoàn toàn thói quen khi việc giao dịch phi tiếp xúc trực tiếp ngày một tăng cao. Mặt khác, vấn đề thách thức cạnh tranh toàn cầu, trong quá trình hội nhập không chỉ thuần túy trên thị trường trong nước, trong tỉnh mà còn với cả những tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Nguyễn Hữu Minh, thôn Phùng Lâm đã biết sử dụng điện thoại thông minh để chụp, quay lại các sản phẩm nông nghiệp để quảng bá trên facebook - Ảnh: Bảo Nghi
Ông Nguyễn Hữu Minh, thôn Phùng Lâm đã biết sử dụng điện thoại thông minh để chụp, quay lại các sản phẩm nông nghiệp để quảng bá trên facebook - Ảnh: Bảo Nghi

Cũng như nhiều xã miền núi có đông đồng bào dân tộc sinh sống, Hướng Phùng là xã đặc biệt khó khăn. Dân số đông với 1.628 hộ, trong đó tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 37,3%, hộ nghèo chiếm 26,29% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2020 - 2025). Với đặc thù như thế quá trình triển khai mô hình xã thông minh ở Hướng Phùng chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, chính khó khăn đó, sự lựa chọn dành cho địa phương này là hợp lý. Bởi mục tiêu mà Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ NN&PTNT hướng tới trong chuyển đổi số ở nông thôn chính là tìm ra được một mô hình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đảm bảo quốc phòng an ninh. Và lớn hơn cả chuyện tìm ra mô hình chính là quyết tâm chuyển thách thức thành cơ hội, là sự chủ động và thích ứng với sự đổi thay. Bởi lẽ cuộc cách mạng 4.0, cách mạng chuyển đổi số chính là thách thức, cơ hội để thúc đẩy nông thôn, nông nghiệp phát triển mang tính bền vững.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thị Huyền cho biết: “Sau khi được Bộ chọn thí điểm, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Cục Tin học hóa triển khai một số nhiệm vụ bước đầu xây dựng thí điểm xã thông minh ở Hướng Phùng như: tuyên truyền nâng cao nhận thức cho toàn hệ thống chính trị, người dân; tập huấn và triển khai khám bệnh từ xa, giúp người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn tiếp cận được với bác sĩ chuyên khoa giỏi qua các phương tiện sẵn có trong gia đình như điện thoại, mạng xã hội… Hỗ trợ UBND xã triển khai truyền thanh thông minh; phát thanh qua trợ lý ảo triển khai định danh xác thực cho người dân để tham gia giao tiếp trên môi trường mạng như: dịch vụ công, app công dân… Hỗ trợ người dân hoàn thiện quy trình đưa sản phẩm cà phê, tinh bột nghệ… lên sàn thương mại điện Postmart.vn, Voso.vn... Qua đó, bước đầu nâng cao ý thức của người dân ứng dụng công nghệ mới để nâng cao đời sống, sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ trường THCS xã Hướng Phùng phòng máy vi tính và ti vi thông minh nhằm đào tạo nguồn lực tại chỗ hỗ trợ người dân và chính quyền trong chuyển đổi số”.

Những sự hỗ trợ ban đầu của Trung ương đối với Hướng Phùng đã được thực tế kiểm nghiệm khi Hướng Phùng đi qua mùa thiên tai lịch sử của năm 2020. Ảnh hưởng thiên tai năm 2020 đã làm thiệt hại trên toàn huyện Hướng Hóa 700 tỷ đồng, đồng thời làm chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu bị giảm sút, ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, “truyền thanh thông minh đã giúp xã rất nhiều trong công tác hỗ trợ bà con phòng, chống lụt bão. 25 cụm loa trên 13 thôn bắt đầu hoạt động từ ngày 30/7/2020 ở 3 khung giờ: sáng (5h30 - 6h30); trưa (11h - 12h); chiều (17h30 - 18h30). Chúng tôi sử dụng truyền thanh thông minh nhằm chuyển đổi số trên lĩnh vực “y tế thông minh”; tuyên truyền các ngày lễ lớn, về công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn xã.” - Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Phan Ngọc Long cho biết.

Đi giữa những hàng cây xanh thẳm trên đường vào UBND xã, tôi miên man nghĩ về những thách thức lớn mà con người đang và sẽ đối diện. Nông thôn cần có sự thay đổi cho phù hợp với xu thế của thời đại. Trong đó, ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng mạnh mẽ hơn khoa học - công nghệ, đặc biệt công nghệ số, được coi là giải pháp ưu việt giúp khoảng cách, chất lượng cuộc sống giữa nông thôn và thành thị xích lại gần nhau hơn. Vấn đề lớn nhất hiện nay trong chuyển đổi số ở nông thôn chính là sự chủ động và thích ứng, nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau. Như thế, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn càng lớn hơn.

Anh Phan Ngọc Long cho biết thêm, xác định việc thực hiện mô hình xã thông minh rất quan trọng và chưa từng có tiền lệ, UBND xã đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số trên địa bàn xã Hướng Phùng. Trong đó, phân công thành viên Ban chỉ đạo phụ trách cơ sở theo từng thôn. Quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn như: lũ lụt và việc dồn hết nguồn lực để khắc phục hậu quả của thiên tai; nhiều người dân chưa có điện thoại thông minh và tài khoản facebook; số người sử dụng điện thoại thông minh còn ít nên khó khăn trong việc vận động người dân tham gia cài app. Riêng hai thôn Hướng Choa và Chênh Vênh và một số cụm dân cư mạng di động còn chập chờn, lúc được lúc mất nên kết quả triển khai chưa cao… Tuy nhiên, nhìn vào báo cáo kết quả triển khai bước đầu, tôi lại có suy nghĩ khác. Đó là lần đầu tiên người dân ở vùng miền núi xa xôi của Quảng Trị đã được làm quen với khái niệm cài app, tham gia cộng đồng trực tuyến, biết được sàn Postmart là gì qua hoạt động Cài app Medici, tham gia nhóm “Hướng Phùng hỏi bác sĩ trả lời”…

Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Hữu Minh (57 tuổi), là trưởng thôn Phùng Lâm. Đây là thôn đạt 13/17 tiêu chí (trong đó có 4 tiêu chí chưa đạt là về: thu nhập, giao thông, môi trường, cơ sở vật chất văn hóa). Ông Minh quê ở Triệu Phong, lên Hướng Phùng lập nghiệp từ năm 1998 nên xem như là dân “thổ địa” tại xứ này. “Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước rất được người dân đồng lòng. Khi biết tin Hướng Phùng được chọn là điểm thí điểm thực hiện xã nông thôn thông minh bà con rất vui khi nghĩ đến việc mình sẽ được tiếp cận những điều kiện phát triển qua mạng internet như bà con ở thành thị”.

Ông đang trồng 1,5 ha cà phê, còn gần 1 ha dành cho sắn, bắp, chanh leo. Thời gian gần đây, chanh leo của Hướng Phùng được nhiều tỉnh ưa chuộng và bán với giá khá cao. “Nhiều hộ dân ở thị trấn đã rất thành thục trong việc livestream để giới thiệu hàng nông sản mà bà con làm ra như: chanh leo, cà phê, măng khô… Nhờ đó mà hàng nông sản của chúng tôi làm ra đến được rất nhiều địa phương xa xôi khác mà tôi chưa từng được đặt chân đến. Tôi cũng nghe UBND xã thông tin sẽ kiến nghị việc tập huấn giúp bà con giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của địa phương lên sàn thương mại điện tử. Thật sự là mình không rõ sàn thương mại đó là gì nhưng cũng thấy rất vui” - ông Minh hào hứng chia sẻ.

Nhìn ông say sưa nói chuyện, tôi nhớ đến phát biểu rất ấn tượng của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trong Hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì khi đề cập đến những khó khăn của người nông dân làm ra sản phẩm. Sàn thương mại điện tử sẽ góp phần giải quyết những khó khăn đó. “Sản phẩm của mỗi mảnh đất phải có thương hiệu riêng, có xuất xứ không bị làm giả, giá trị của quả chuối còn có giá trị của nắng, của gió nơi ấy, còn có giá trị của đất nơi ấy, giá trị của giống chuối, còn có giá trị của chăm sóc, cách trồng cây của từng gia đình. Vậy là quả chuối không còn là quả chuối nữa, mỗi quả chuối của mỗi cây chuối, của mỗi gia đình nông dân có sự khác biệt, có đời sống riêng, có giá trị duy nhất. Chúng ta - người tiêu dùng không chỉ là ăn quả chuối mà còn là ăn cái nắng, cái gió, cái chất đất nơi ấy và cả tình cảm của người nông dân ấy, và vì vậy mà giá không còn giống nhau nữa” (Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng).

Muốn chuyển đổi số, muốn xây dựng xã thông minh thì điều đầu tiên và cơ bản quyết định chính là sóng di động có ổn định không? Người dân có phương tiện truy cập internet hay không? Anh Phan Ngọc Long cũng nêu rõ những vướng mắc sau thời gian triển khai. Đó là các buổi phát động, hướng dẫn cách triển khai chủ yếu qua trực tuyến nên một số người chưa hiểu rõ cách làm. Không có máy tính kết nối trực tiếp với đài truyền thanh nên việc soạn thảo, chuyển văn bản thành giọng nói sau đó phát thanh về các thôn phải sử dụng bằng điện thoại nên hiệu quả truyền tải nội dung chưa được đảm bảo. “Mô hình bác sĩ tư vấn online đối với xã Hướng Phùng là chưa phù hợp lắm bởi thứ nhất sau khi khám, kê đơn qua online, sẽ được tư vấn mua thuốc mà bà con đã được nhận chế độ khám, chữa bệnh miễn phí từ giữa năm 2021. Thứ hai là nhiều bà con cũng chưa quen với hình thức tư vấn online, khi “kể” bệnh cũng không biết “kể” ra như thế nào để bác sĩ online hiểu được. Khi tham gia nhóm “Hướng Phùng hỏi bác sĩ trả lời” nhưng khi có vấn đề về sức khỏe, đặt câu hỏi nhưng không nhận được giải đáp hoặc giải đáp quá chậm…”.

Ngày 4/11/2021 Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Một trong những mục tiêu đề ra là thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới và xây dựng chính quyền điện tử. Xây dựng nông thôn mới gắn với phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và đảm bảo an ninh nông thôn. Nghị quyết số 03 cũng đề ra: “Xây dựng thí điểm một số mô hình làng, xã thông minh ứng dụng chuyển đổi số để đề xuất cơ chế chính sách phát triển làng, xã thông minh phục vụ chương trình nông thôn mới; các đề án về du lịch, môi trường, vườn mẫu, chương trình OCOP, an ninh... trong nông thôn mới nhằm thúc đẩy hiệu quả chương trình”.

Chủ trương lớn đã có nhưng quá trình thực hiện cũng có rất nhiều thách thức. Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Đặng Trọng Vân chia sẻ thêm: “Chúng tôi cũng nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, nguồn lực của địa phương thực sự quá khó khăn. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2021 là năm chuyển tiếp, các văn bản hướng dẫn chưa được ban hành, huyện không được đầu tư nguồn vốn ngân sách để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, khả năng huy động nguồn lực từ nhân dân rất ít, nên đã ảnh hưởng lớn đến mục tiêu, lộ trình thực hiện kế hoạch xây dựng nông thôn mới của các địa phương”.

Muốn chuyển đổi số nông nghiệp thì giải pháp để đẩy nhanh việc mỗi hộ nông dân có một đường cáp quang internet là điều kiện đầu tiên. “Với sóng điện thoại hay mạng internet chập chờn, để tiếp cận thông tin mới còn khó, huống chi là thực hiện xã thông minh” - ông Nguyễn Hữu Minh cho biết. Đồng quan điểm này, Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Phan Ngọc Long chia sẻ thêm: “Chúng tôi cũng đã có kiến nghị có thể chuyển đổi cho xã hình thức phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương như: Xây dựng các app ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp nhận và xử lý ý kiến đóng góp của người dân đối với các lĩnh vực trong sản xuất, đời sống, xã hội. Tập huấn để hỗ trợ người dân có thể đưa các sản phẩm bản địa lên sàn thương mại điện tử. Một việc quan trọng nữa là hỗ trợ lắp đặt hệ thống wifi tốc độ cao miễn phí tại các điểm dân cư tập trung, khu vực công cộng trên địa bàn xã, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin”.

Chúng tôi chia tay anh Phan Ngọc Long khi ánh chiều nấn ná những giọt cuối cùng trên mấy ngọn lao phất phơ. Nhìn xa xa về dãy núi phía sau, tôi nghĩ đến cảnh du khách từ khắp nơi đến thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, không khí trong lành cùng với văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Hướng Phùng và sử dụng các dịch vụ du lịch thông minh. Không chỉ là cánh rừng đẹp của Chênh Vênh mà rất nhiều địa danh, đặc sản của nơi này được lan tỏa. Từ thí điểm, Hướng Phùng sẽ trở thành mô hình đáng mơ ước để các nơi đến học tập. Đã đến lúc nông thôn cần có sự thay đổi cho phù hợp với xu thế của thời đại.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

Đoạt giải nhất cà phê đặc sản, Arabica Khe Sanh tiến vào thị trường Mỹ

Công Điền |

Hợp đồng xuất khẩu lô hàng cà phê nhân rang xay Arabica Khe Sanh (Quảng Trị) vừa được Công ty TNHH Pun Coffee ký kết thành công với một doanh nghiệp Mỹ.

Nông dân Hướng Hóa tất bật thu hoạch cà phê đợt cao điểm

Trường Sơn |

Những ngày này, bà con nông dân trên địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đang tất bật thu hoạch cà phê vào đợt cao điểm. Giá thu mua cà phê tươi vụ mùa năm nay cao nhất so với nhiều năm qua, dao động từ 9.000 - 10.000 đồng/kg.

Tín hiệu vui từ giá thu mua cà phê tươi ở Hướng Hóa

Khánh Ngọc |

Bước vào niên vụ thu hoạch cà phê 2020-2021, giá thu mua cà phê tươi trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) tăng cao gần 3 lần so với niên vụ trước, dao động từ 8.000-9.500 đồng/kg, người trồng cà phê rất phấn khởi vì cà phê được giá. Đây là tín hiệu vui để người trồng cà phê Hướng Hóa có thêm điều kiện chăm sóc phục hồi, tái canh và phát triển bền vững cây cà phê trên địa bàn sau nhiều năm liền lao đao vì cà phê rớt giá.

Khởi nghiệp bằng niềm đam mê cà phê nguyên chất

Vân Trang |

Gia cảnh khó khăn nên sau khi tốt nghiệp THPT, anh Phạm Văn Thiện (sinh năm 1986), quê ở tỉnh Hà Tĩnh đành gác lại giấc mơ giảng đường để vào Tây Nguyên làm thuê. Nhiều năm đảm nhận công việc chăm sóc, thu hoạch, sơ chế cà phê nên anh Thiện hiểu rõ những giá trị mà cà phê nguyên chất mang lại. Niềm đam mê với cà phê lớn dần trong lòng chàng trai tha hương để anh nung nấu ý định về một ngày không xa sẽ khởi nghiệp bằng kinh doanh cà phê nguyên chất.