Góp phần xây dựng thương hiệu nước mắm, ruốc đặc Hà Tây

Kăn Sương |

Nhiều năm nay, thôn Hà Tây, xã Triệu An, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) được biết đến là làng quê có sản phẩm nước mắm, ruốc đặc thơm ngon. Một trong những người luôn tích cực tìm kiếm cách thức để duy trì, phát triển nghề truyền thống của cha ông, góp phần đưa sản phẩm nước mắm, ruốc đặc Hà Tây vươn xa đến với người tiêu dùng khắp nơi trong nước là chị Lê Thị Nga.


Nhờ được ông bà, bố mẹ truyền lại nghề nên chị Nga có khá nhiều kinh nghiệm trong khâu chế biến các sản phẩm như ruốc đặc, nước mắm, cá khô. Bình quân mỗi năm, chị làm 2 đợt ruốc đặc, đợt 1 từ tháng 2 – 3 âm lịch và đợt 2 từ tháng 6 – 8 âm lịch. Ruốc từ khi chế biến đến thành phẩm phải mất 2 năm. Những đợt được mùa ruốc biển, chị sản xuất từ 7 - 8 tấn ruốc đặc/2 năm. Đối với nước mắm, nguyên liệu sản xuất là cá nục và cá cơm, bình quân mỗi năm chị sản xuất khoảng 5.000 lít. Ngoài ra, tùy theo mùa, chị thu mua các loại cá như nục, cơm… để phơi khô. Với giá bán từ 60 - 80 nghìn đồng/kg ruốc đặc và 40 - 60 nghìn đồng/lít nước mắm, trừ chi phí, gia đình chị Nga lãi trên 150 triệu đồng/năm từ ruốc đặc và nước mắm, chưa kể cá khô.

Chị Nga (thứ 2 từ trái sang) đang giới thiệu các công đoạn sản xuất ruốc đặc - Ảnh: K.S​
Chị Nga (thứ 2 từ trái sang) đang giới thiệu các công đoạn sản xuất ruốc đặc - Ảnh: K.S​

Theo chị Nga, để làm những mẻ ruốc thơm ngon, chị phải đặt ruốc tươi cho các thuyền đánh cá trong xã. Ruốc sau khi mua về phải được sàng lọc kỹ, loại bỏ cát và các loại tôm, cá tạp, để ráo nước, sau đó bỏ vào các chum hoặc vại rồi cho muối vào trộn đều. Muối xong để từ 2-3 đêm thì đem con ruốc ra phơi thật khô, đem xay 2 lần cho nhuyễn rồi bỏ vào bao cho ruốc bở, sau đó phơi thêm 2 lần nữa mới cho vào lu cất. Chị Nga cho biết: “Để có thành phẩm ruốc đặc hoặc nước mắm là rất công phu, mất nhiều thời gian, do đó, người làm nghề này phải kiên trì, chịu khó và tỉ mẫn từng công đoạn. Đặc biệt, phải có bí quyết làm sao khi ruốc, nước mắm “ra lò” phải dậy mùi đặc trưng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Triệu An là vùng biển nên hầu như nhà nào cũng có thể tự chế biến các loại sản phẩm nước mắm và ruốc. Vì vậy, sản phẩm của tôi làm ra chủ yếu xuất bán cho các chợ đầu mối trong tỉnh. Để góp phần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mắm ruốc Hà Tây, tôi đã nghiên cứu, tìm hiểu để mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện nay, các sản phẩm do cơ sở của tôi sản xuất đã được cơ quan chức năng chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được cấp chứng nhận về logo, nhãn mác. Ngoài việc tự tìm kiếm thị trường, tôi mong muốn các cấp, các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ về liên kết bao tiêu sản phẩm cho các cơ sở sản xuất ở địa phương; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển làng nghề sản xuất nước mắm, ruốc đặc Hà Tây”.

Hiện nay, toàn xã Triệu An có 3 cơ sở chế biến nước mắm, ruốc, trong đó có cơ sở của chị Nga. Các sản phẩm ruốc đặc, nước mắm và cá khô do chị Nga sản xuất rất thơm ngon nên được nhiều khách hàng gần xa biết đến. Ngoài bán tại chợ ở xã, chị còn tích cực đem sản phẩm giới thiệu tại các hội chợ trưng bày sản phẩm đặc trưng do hội phụ nữ tổ chức. Không chỉ cần mẫn duy trì và phát triển nghề truyền thống, chị Nga còn được biết đến là một hội viên phụ nữ năng động, tích cực tham gia các phong trào thi đua, hoạt động ở địa phương, đặc biệt là các hoạt động chung tay giúp đỡ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Chủ tịch Hội LHPN xã Triệu An Lê Thị Ngọc Khuyên cho biết: “Triệu An là xã vùng biển vừa có cửa lạch vừa có bãi ngang, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hậu cần nghề cá, chế biến thủy hải sản. Phần lớn chị em nơi đây rất năng động, sáng tạo, trong đó chị Nga là ví dụ. Để gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của cha ông, trong đó có nghề làm mắm ruốc, cũng như tạo điều kiện nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm tại chỗ cho hội viên phụ nữ, thời gian tới, Hội LHPN xã sẽ phối hợp, đề xuất với các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ chị em nguồn vốn vay lãi suất thấp, tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Tạo điều kiện cho chị em tiếp cận khoa học kỹ thuật mới, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các mô hình làm ăn giỏi. Khuyến khích tinh thần dám nghĩ, tạo ngành nghề mới, hình thành ý thức coi trọng công nghệ, ý thức tìm kiếm thị trường, tuân thủ luật pháp... trong sản xuất, kinh doanh”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP

Trần Anh Minh |

Với 53 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đến năm 2020, trong đó có 7 sản phẩm 4 sao và 46 sản phẩm 3 sao, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của tỉnh Quảng Trị sau 3 năm triển khai đã đạt được kết quả nổi bật. 

Xây dựng thương hiệu Gạo bát đỏ Vĩnh Giang

Nguyễn Trang |

Sau các sản phẩm nông sản chủ lực đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể như ném, dưa hấu, thanh long, đậu xanh, hồ tiêu..., hiện nay chính quyền xã Vĩnh Giang và huyện Vĩnh Linh tiếp tục hoàn thiện các bước theo quy định tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm Gạo bát đỏ Vĩnh Giang. 

Xây dựng thương hiệu của Tạp chí Cửa Việt trên lĩnh vực văn học nghệ thuật

Minh Trí |

Ngày 1/4/2021, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Đại Nam chủ trì buổi làm việc với Tạp chí Cửa Việt về triển khai thực hiện quy hoạch báo chí. 

Cần xây dựng thương hiệu cá thu Cửa Việt

Tú Linh |

Mỗi chuyến khai thác biển xa, ngư dân ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị) ưu tiên nhất là đánh bắt cá thu vì cho hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cá khác. Bởi vậy, từ mùa thu năm trước đến đầu mùa hè năm sau, ngư dân Cửa Việt thường tập trung khai thác loại cá này.