Thực hiện chủ trương cải tạo vườn tạp gắn với xây dựng nông thôn mới, thời gian gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong (quảng Trị) đã thay đổi tư duy sản xuất, đưa những giống cây trồng, vật nuôi mới, phù hợp vào sản xuất, tạo sinh kế bền vững.
Ông Phan Tiên ở thôn Hà My là một trong số đó. Hưởng ứng chủ trương của cấp trên, cũng là muốn nâng cao đời sống kinh tế gia đình, ông Tiên mạnh dạn đầu tư cải tạo, biến khu vườn tạp thành nơi sản xuất hoa cho hiệu quả kinh tế cao hơn, góp phần tăng thu nhập cho gia đình, tạo động lực để người dân địa phương cùng đổi mới phương thức làm ăn.
Trước đây, khu vườn của gia đình ông Tiên chỉ trồng các loại cây truyền thống như chuối, khoai lang, sắn…cho thu nhập thấp. Sau quá trình nghiên cứu, học hỏi và tìm hiểu thị trường, ông cải tạo hơn 2 sào vườn tạp để xây dựng mô hình trồng hoa cúc. Đây là loại hoa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương nên dễ trồng, phát triển tốt. Hơn nữa, nhu cầu thị trường hoa phục vụ cho các dịp lễ, tết, rằm, 30 và mồng 1 âm lịch hằng tháng tương đối lớn. Khi mới trồng do chưa có nhiều kinh nghiệm nên những lứa hoa đầu tiên mất mùa. Không nản chí, ông Tiên tiếp tục theo học các lớp tập huấn kỹ thuật trồng hoa do Hội Nông dân xã Triệu Hòa phối hợp với Trung tâm Dạy nghề tổng hợp huyện Triệu Phong tổ chức, rồi tìm hiểu trên mạng internet, thậm chí lặn lội đến tận các vùng chuyên trồng hoa để trực tiếp học hỏi kinh nghiệm. Nhờ đó, những lứa hoa ông trồng ngày càng tươi tốt, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Nếu như năm đầu tiên, ông trồng thử nghiệm trên diện tích 2 sào (chủ yếu là hoa cúc mai vàng) thì những năm sau, thấy hoa được mùa, được giá ông quyết định thuê diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả ở thôn để mở rộng diện tích trồng hoa. Đến nay, diện tích các vườn hoa của gia đình ông đã phát triển trên 5 sào với số lượng khoảng 5.500 cây hoa mỗi lứa, gồm các loại cúc pha lê, mai đỏ, nút tím, tua đỏ… Nhờ trồng gối lứa nên vườn của ông có hoa bán quanh năm. Theo ông Tiên, trồng hoa cúc không khó nhưng để bông đẹp, đáp ứng nhu cầu thị trường thì ngoài yếu tố cây giống, người trồng phải kiên trì, tỉ mĩ, tuân thủ đúng yêu cầu kỹ thuật thì hoa sẽ nở đúng dịp và cho hiệu quả kinh tế cao. Các loại hoa cúc của gia đình ông có giá bán từ 3.000 - 5.000 đồng/cây; thời điểm tháng 4 và tháng 7 âm lịch hoặc tết Nguyên đán, mỗi cây hoa có giá 7.000 - 10.000 đồng. Theo ước tính, trừ chi phí, gia đình ông có nguồn thu nhập trên 150 triệu đồng/năm từ việc trồng hoa, cao hơn hẳn các cây trồng truyền thống. Khi làm ăn có hiệu quả, mô hình trồng hoa của ông Tiên được nhiều người dân trong xã đến học hỏi, ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và cho mượn các loại giống hoa để xây dựng mô hình. Ông Tiên cho biết: “Bản thân tôi cũng đã lớn tuổi nên tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình cố gắng sống tốt, chăm chỉ làm ăn cho con cháu học hỏi. Tôi cũng rất phấn khởi vì việc quyết định cải tạo vườn tạp để trồng hoa của mình là đúng. Đến nay, trồng hoa đã trở thành nghề chính, là sinh kế bền vững của gia đình tôi. Các con cũng noi gương tôi chăm chỉ học hỏi để phát triển mô hình trồng hoa nên có thu nhập ổn định”.
Từ định hướng chuyển đổi cây trồng của địa phương, ông Tiên còn quy hoạch một số diện tích của khu vườn tạp để trồng ổi. Theo ông, đây là loại cây dễ trồng, tiết kiệm công chăm sóc, ít sâu bệnh và cho thu nhập cao. Đối với mỗi loại cây trồng, ông luôn tìm tòi học hỏi để đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Ông Tiên chia sẻ, cây ổi chỉ cần 3 - 4 tháng bón phân một lần, cắt tỉa cành già để ổi ra trái đều đặn. Khi ra trái cần bao trái lại bằng bọc xốp để hạn chế sâu bệnh. Chỉ cần những công đoạn đơn giản như vậy là đã có nguồn thu nhập rất ổn.
Không chỉ cải tạo vườn tạp, đối với sản xuất lúa, trên cơ sở dồn điền đổi thửa, ông Tiên tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa các giống lúa chất lượng cao vào canh tác. Nhờ áp dụng thành công quy trình kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” (1 phải tức phải giống lúa tốt, giống xác nhận; 5 giảm gồm: giảm lượng nước tưới; giảm lượng giống gieo sạ; giảm thuốc bảo vệ thực vật; giảm phân đạm; giảm thất thoát khi thu hoạch) nên diện tích trồng lúa của gia đình ông Tiên luôn có năng suất, chất lượng cao.
Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Hòa Nguyễn Đình Dũng cho biết: “Ông Phan Tiên là một trong những nông dân đi đầu trong phát triển kinh tế, chuyển đổi vườn tạp, ruộng lúa kém hiệu quả để xây dựng mô hình trồng hoa, hằng năm cho nguồn thu nhập khá cao. Xã cũng đã thường xuyên quan tâm theo dõi, chỉ đạo để hỗ trợ động viên gia đình ông trong việc phát triển mô hình. Năm 2019, ông Tiên đã được Huyện ủy biểu dương, khen thưởng là tấm gương điển hình trong học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)