Hiệu quả từ mô hình nuôi dê nhốt chuồng

Thục Quyên |

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện Cam Lộ (Quảng Trị), thời gian qua, nhiều hộ nông dân ở xã Cam Nghĩa đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi dê nhốt chuồng. Điển hình như mô hình nuôi dê sinh sản nhốt chuồng của ông Võ Xuân Thủy ở thôn Bảng Sơn cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Dẫn chúng tôi tham quan chuồng nuôi dê sinh sản, ông Thủy cho biết, trước đây gia đình ông đã từng nuôi giống dê địa phương theo hình thức chăn thả nhưng hiệu quả không cao. Dê có trọng lượng thấp, chậm lớn, dễ bị bệnh. Đầu năm 2020, sau khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi dê do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện triển khai, ông mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội cộng với số tiền tích lũy của gia đình để làm chuồng trại và mua 20 con dê cái giống Bách Thảo về nuôi theo hình thức nuôi nhốt. Nhờ tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật, cùng sự chăm sóc chu đáo, đàn dê của ông nhanh chóng tăng số lượng qua mỗi đợt sinh sản. Hiện tại, ngoài bán dê thịt và dê giống, đàn dê của ông luôn duy trì trên 40 con dê cái sinh sản.

Mô hình nuôi dê sinh sản nhốt chuồng của ông Võ Xuân Thủy mang lại hiệu quả kinh tế rất khả quan-Ảnh: THỤC QUYÊN
Mô hình nuôi dê sinh sản nhốt chuồng của ông Võ Xuân Thủy mang lại hiệu quả kinh tế rất khả quan-Ảnh: THỤC QUYÊN

Theo ông Thủy, ưu điểm của mô hình nuôi dê sinh sản nhốt chuồng là có thể tận dụng được diện tích đất xung quanh nhà và tranh thủ được thời gian lao động nhàn rỗi để chăm sóc, hơn nữa nhu cầu thị trường đối với thịt dê ổn định và giá bán khá cao so với các loại vật nuôi khác. Thức ăn cho dê chủ yếu là các loại lá cây, không cần thức ăn tinh bổ sung nên việc chăn nuôi không vất vả và tốn kém như các loại con nuôi khác. Dê con được lai giữa dê cái giống Bách Thảo và dê đực giống Boer nên tăng trưởng nhanh, trọng lượng lớn, sức đề kháng cao, ít bị bệnh. Trung bình 1 năm dê cái đẻ khoảng 2 lứa, mỗi lứa từ 2 – 3 con. Dê nuôi khoảng 6 tháng có thể đạt trọng lượng từ 25 – 30 kg. Số lượng dê thịt đều được các thương lái thu mua hết với giá ổn định từ 120.000 – 130.000 đồng/kg. Không chỉ thành công với mô hình nuôi dê thịt mà ông còn cung cấp dê giống cho các hộ nuôi có nhu cầu với giá 170.000 đồng/kg. “Năm 2020, thu nhập từ mô hình nuôi dê nhốt chuồng này hơn 100 triệu đồng. Năm 2021, tôi dự kiến sẽ thu về khoảng 150 – 200 triệu đồng từ bán dê thịt và dê giống”, ông Thủy vui vẻ cho biết.

Khi được hỏi về kinh nghiệm nuôi dê thành công của mình, ông Thủy chia sẻ, dê là loài ăn tạp, sức đề kháng cao, ít bị bệnh. Thức ăn chủ yếu là các loại lá cây trong vườn nhà và thân cây chuối, đặc biệt là lá xoan vì còn có tác dụng phòng bệnh. Để chủ động nguồn thức ăn, cần tận dụng các khoảng đất trống quanh nhà để trồng thêm cỏ làm thức ăn cho dê. Nuôi dê sinh sản nhốt chuồng không phải tốn công chăn thả, dê không bị lây nhiễm nguồn bệnh từ bên ngoài. Ngoài ra còn tận dụng được phân để bón cho cây trồng và bán cho người trồng hoa lan. Chuồng nuôi dê được thiết kế đơn giản, vật liệu làm chuồng chủ yếu là tre, gỗ…, đảm bảo thông thoáng, tránh nắng nóng, gió lùa nhằm đảm bảo cho dê phát triển khỏe mạnh. Do dê là loài động vật không ưa độ ẩm cao nên chuồng nuôi cần làm cách mặt đất từ 1 m trở lên. Ông Thủy cũng lưu ý, dê là loài động vật có tốc độ sinh sản nhanh nên việc phối giống rất quan trọng. Trung bình 1 năm cần đổi dê đực 1 lần để tránh cận huyết thống. Ngoài ra, định kỳ phải rải vôi, phun tiêu độc khử trùng để phòng bệnh, tẩy giun sán và tiêm phòng các loại vắc xin theo hướng dẫn thú y.

Bí thư Chi bộ thôn Bảng Sơn Trần Xuân Hùng cho biết, thôn Bảng Sơn hiện có hơn 30 hộ thực hiện mô hình nuôi dê nhốt chuồng với số lượng từ 5 – 40 con/hộ. Trong đó, ông Võ Xuân Thủy là hộ nuôi nhiều nhất. Qua gần 2 năm thực hiện cho thấy đây là mô hình hết sức hiệu quả, không những tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương mà còn giúp người chăn nuôi cải thiện kinh tế gia đình. Để liên kết các hộ nuôi dê trên địa bàn, xã Cam Nghĩa đã hỗ trợ thành lập Tổ hợp tác nuôi dê thôn Bảng Sơn để các hộ nuôi có điều kiện giúp đỡ nhau cùng phát triển. “Việc phát triển chăn nuôi dê theo hướng nuôi nhốt rất phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của địa phương. Bởi đây là vật nuôi khá phù hợp với điều kiện của các hộ gia đình, dễ chăm sóc, kỹ thuật nuôi đơn giản, vốn đầu tư thấp, thị trường tiêu thụ rộng, giá cả ổn định, lại cho thu nhập quanh năm”, ông Hùng khẳng định.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Thoát nghèo nhờ nuôi dê

Thục Quyên |

Với bản tính cần cù và ý chí vượt khó, sau gần 3 năm thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản, chàng thanh niên dân tộc Vân Kiều Hồ Văn Ngui ở thôn Xa Đưng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã vươn lên thoát nghèo với thu nhập từ 60 – 70 triệu đồng mỗi năm. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh còn tấm gương khởi nghiệp cho nhiều thanh niên ở xã vùng cao Hướng Việt.

Thành công từ mô hình nuôi dê nhốt chuồng

Trúc Phương |

Bắt tay khởi nghiệp từ năm 2013 với mô hình nuôi dê nhốt chuồng, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đến nay anh Nguyễn Văn Chương (sinh năm 1996), ở thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã có trong tay đàn dê gần 200 con, mang lại thu nhập trên 250 triệu đồng mỗi năm.

Hỗ trợ chăn nuôi dê, bò sinh sản cho phụ nữ nghèo

Bình An |

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị vừa tiến hành trao 40 con dê cho phụ nữ nghèo tại các xã Hướng Sơn, Hướng Linh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) và 8 con bò tại xã Triệu Long, huyện Triệu Phong với tổng trị giá 180 triệu đồng do các tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ. 

Quyết chí làm giàu từ mô hình nuôi dê thâm canh

Anh Vũ |

Hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất-kinh doanh giỏi, phát huy lợi thế vùng gò đồi, những năm qua, nhiều nông dân ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã tập trung khai thác tiềm năng đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, lấy chăn nuôi làm khâu đột phá trong cung cách làm ăn của mình để nâng cao thu nhập. Trong đó, mô hình chăn nuôi dê thâm canh có quy mô lớn của anh Lê Văn Chương, một nông dân còn rất trẻ ở thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính là một trong những điển hình với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.