Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất

Lê An |

Nhằm “tiếp sức” cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển sản xuất, thời gian qua, huyện Đakrông (Quảng Trị) đã huy động các nguồn lực và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


Năm 2024, ông Hồ Văn Cường ở thôn Đồng Đờng, xã Mò Ó, huyện Đakrông được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 100 con gà ri bản địa 21 ngày tuổi, thức ăn hỗn hợp, chế phẩm sinh học làm đệm lót và ủ thức ăn để thực hiện mô hình nuôi gà thịt bản địa theo hướng an toàn sinh học. Sau 5 tháng nuôi, đàn gà phát triển tốt, đạt trọng lượng gần 1,7 kg/con.

Ông Cường cho biết, tham gia mô hình lần đầu tiên ông được biết cách phối trộn thức ăn từ các loại phụ phẩm có sẵn trong sản xuất nông nghiệp; biết cách làm đệm lót sinh học giúp giảm mùi hôi thối trong chăn nuôi và giảm công dọn chuồng.

Theo ông Cường, gà nuôi trên nền đệm lót sinh học nên rất sạch sẽ, giảm tỉ lệ mắc bệnh, nhất là các bệnh về đường tiêu hóa nên giảm được công chăm sóc và chi phí thuốc thú y. Những phụ phẩm nông nghiệp trước đây không sử dụng thì nay được dùng để ủ làm thức ăn cho gà giúp giảm chi phí thức ăn công nghiệp mà gà vẫn lớn nhanh. “Nuôi gà như thế này rất phù hợp với người dân địa phương và cũng tạo thói quen cho đồng bào biết cách quản lý đàn vật nuôi, quản lý dịch bệnh”, ông Cường nói.

Mô hình nuôi gà bản địa theo hướng an toàn sinh học tại xã Mò Ó, huyện Đakrông cho hiệu quả cao gấp 1,6 lần so với nuôi gà theo phương thức truyền thống - Ảnh: L.A
Mô hình nuôi gà bản địa theo hướng an toàn sinh học tại xã Mò Ó, huyện Đakrông cho hiệu quả cao gấp 1,6 lần so với nuôi gà theo phương thức truyền thống - Ảnh: L.A

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trần Cẩn cho biết, nhằm thay đổi nhận thức về chăn nuôi cho đồng bào DTTS, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình nuôi gà bản địa theo hướng an toàn sinh học tại xã Mò Ó, huyện Đakrông với 9 hộ tham gia.

Theo đó, thay vì mua gà giống về thả nuôi và không đầu tư chăm sóc như cách nuôi truyền thống, các hộ tham gia mô hình được hướng dẫn cách thức đầu tư để gia tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiểu rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu. Việc sử dụng đệm lót sinh học giúp người chăn nuôi kiểm soát được lượng chất thải chăn nuôi và hạn chế mùi hôi, lượng phân thu gom được sẽ dùng để bón cho cây trồng, từ đó hạn chế gây ô nhiễm đất, nước, đồng thời tránh gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến môi trường sống.

Kết quả sau 5 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng trung bình hơn 1,6 kg/con, lợi nhuận đạt gần 5 triệu đồng/mô hình, cao gấp 1,6 lần so với chăn nuôi gà theo phương thức truyền thống mà người dân tại địa phương thường áp dụng. Ngoài lợi nhuận cao hơn, người chăn nuôi còn tiết kiệm được thời gian nuôi, từ đó giúp xoay vòng lứa nuôi nhanh hơn, 1 năm có thể nuôi từ 2 - 2,5 lứa gà. Lợi nhuận thực tế thu được sẽ giúp nông dân mạnh dạn mở rộng mô hình, tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống.

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đakrông Trần Đình Bắc thông tin, thời gian qua, với sự hỗ trợ của Nhà nước, các chương trình, dự án, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã từng bước phát triển, năng suất, sản lượng cây trồng tăng dần qua các năm. Người dân đã tăng cường đầu tư thâm canh, cơ giới hóa để nâng cao hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích. Đã hình thành được một số mô hình trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa có liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm như: mô hình trồng chuối lùn bản địa, mô hình trồng lạc, dưa hấu, nếp than...

Trong chăn nuôi đã chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa. Hiện tại, trên địa bàn huyện đã hình thành 3 trang trại chăn nuôi bò theo quy mô chăn nuôi tại 3 xã gồm: Ba Lòng với quy mô 54 con gồm bò vàng Việt Nam và bò lai Sind; Triệu Nguyên với quy mô 25 con gồm bò vàng Việt Nam và bò lai Sind và A Ngo với tổng cộng 10 con bò lai Sind.

Đã hình thành 1 HTX nông nghiệp tại xã Hướng Hiệp vừa chăn nuôi và cung cấp con giống cho người dân trên địa bàn; 1 HTX chăn nuôi hươu sao lấy nhung theo hướng liên kết tiêu thụ sản phẩm với quy mô 25 con tại xã Triệu Nguyên. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, hằng năm trồng rừng tập trung trên 1.000 ha và khoảng 30 vạn cây phân tán.

Bên cạnh đó, khai thác tiềm năng của địa phương, huyện Đakrông đã đẩy mạnh tổ chức sản xuất các loại cây trồng, con nuôi có lợi thế, xây dựng các mô hình kinh tế có liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm như: mô hình trồng nếp than trên rẫy về trồng ở ruộng nước; mô hình trồng lạc đen, trồng cây dược liệu; mô hình dưa hấu Mò Ó; mô hình trồng sâm Bố Chính, nuôi hươu sao xã Triệu Nguyên; chuối lùn bản địa xã Tà Rụt...

Qua đó, từ chỉ 1 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, đến nay trên toàn huyện đã có 10 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP. Đặc biệt, đã xây dựng 3 vùng trồng VIETGAP cho 3 sản phẩm dưa hấu Mò Ó và chuối lùn khu vực Tà Rụt, nếp than tại xã A Ngo. Đưa vào sử dụng 3 điểm bán hàng sản phẩm đặc trưng của huyện tại các xã Tà Rụt, Tà Long và thị trấn Krông Klang.

“Với sự tập trung các nguồn lực và thực hiện đồng bộ các giải pháp nên ước tính tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành nông - lâm - ngư nghiệp đạt bình quân 9,97%/ năm. Giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp năm 2024 ước đạt gần 500 tỉ đồng”, ông Bắc cho hay.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, theo ông Bắc, thời gian tới, huyện Đakrông tiếp tục khai thác tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn của các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ vào địa bàn. Ưu tiên thực hiện theo cơ chế trao quyền chủ động cho cộng đồng dân cư, tự bàn bạc, quyết định theo quy định mức hỗ trợ được HĐND, UBND tỉnh phân bổ; về phía các xã ưu tiên thực hiện ở các thôn, bản đăng ký đạt chuẩn.

Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành hỗ trợ nhà đầu tư để sớm triển khai thực hiện 5 dự án chăn nuôi lợn công nghệ cao đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư. Đồng thời, tiếp tục tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư đối với các địa bàn có tiềm năng để thực hiện các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như các địa điểm có tiềm năng chăn nuôi bò sữa tại địa bàn các xã Hướng Hiệp, Ba Lòng.

Tăng cường khảo sát, đánh giá tiềm năng lợi thế để phát triển sản phẩm OCOP của các địa phương; tập trung khai thác các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh, các sản phẩm của làng nghề, của các HTX, các sản phẩm có dư địa lớn mà hiện nay chưa khai thác như: dịch vụ du lịch cộng đồng, điểm du lịch, thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm từ chăn nuôi...

Tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với các chủ thể và sản phẩm tham gia chương trình OCOP, chú trọng nâng cấp các sản phẩm đã được công nhận. Phát triển các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP, trong đó thành lập mới các HTX, tổ hợp tác theo hướng chuyên canh một loại sản phẩm đặc hữu, kết nối doanh nghiệp với HTX, HTX với hộ sản xuất, tạo chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Chú trọng bảo vệ rừng, phát huy hiệu quả từ rừng, hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC cho các tổ chức và hộ gia đình, thực hiện tận thu các sản phẩm dưới tán rừng và bán chứng chỉ carbon từ rừng. Xây dựng các chuỗi liên kết để sử dụng tốt nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất từ các chương trình MTQG, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, tạo sự thay đổi về chất trong tổ chức sản xuất, ổn định thị trường đầu ra và nâng cao thu nhập cho nông dân, đặc biệt là đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Giải pháp nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ

Tuấn Việt |

Năm học 2024 - 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo xác định nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc tiếp tục thực hiện hiệu quả đổi mới công tác quản lý trong cấp học giáo dục mầm non (GDMN) theo hướng dẫn phân cấp, tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình cũng như nâng cao chất lượng hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ em.

Tăng cường quản lý môi trường đối với hoạt động chăn nuôi ở Cam Lộ

Khánh Ngọc |

Thời gian qua, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã chú trọng việc quy hoạch phát triển chăn nuôi, bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi. Qua đó, góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, giảm thiểu các tác động xấu của hoạt động chăn nuôi đến môi trường khu vực.

Thạc sĩ trẻ nuôi khát vọng làm giàu cho mình, cho quê hương

Quang Đăng |

Sở hữu tấm bằng thạc sĩ sau bao năm nỗ lực đèn sách, nhiều cơ hội mở ra đối với Phan Đức Phước (sinh năm 1995), trú tại Khu phố 2, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị). Thế nhưng, gác lại những tính toán thiệt hơn, anh Phước đã quyết định trở về quê để thực hiện điều ấp ủ từ lâu là làm giàu cho mình và cho quê hương.

Đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi trong mùa mưa bão

Trần Anh Min |

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2024 có nhiều nguy cơ xảy ra các hiện tượng thiên tai cực đoan, bất thường, trái quy luật và diễn biến rất phức tạp. Để chủ động phòng, chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, trong đó có thiệt hại về chăn nuôi trong mùa mưa bão năm nay, các địa phương đã sớm chỉ đạo người dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi khi có bão lụt.