Hỗ trợ thu mua nông sản từ Lào

Hiếu Giang |

Quảng Trị có đường biên giới trên đất liền dài hơn 187 km tiếp giáp với hai tỉnh Savannakhet và Salavan, nước CHDCND Lào. Thời gian qua, hoạt động trao đổi hàng hóa qua biên giới, nhất là việc thu mua nông sản từ nước bạn Lào đã góp phần tích cực trong việc nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân các địa phương vùng giáp biên.


Từ tháng 11/2023, Công ty TNHH MTV Tôn Quang Ánh ở huyện Hướng Hóa được UBND tỉnh Quảng Trị đồng ý để hỗ trợ cư dân hai bên biên giới trao đổi, vận chuyển hàng nông sản qua cửa khẩu phụ Thanh, huyện Hướng Hóa. Tại điểm thu mua ở bản Đenvilay, huyện Mường Noòng, tỉnh Savannakhet, ngoài việc thu mua với giá cao gấp đôi so với trước, công ty còn thực hiện nhiều chính sách ưu đãi với người trồng sắn trên đất bạn Lào.

Ông Võ Quang Ánh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tôn Quang Ánh cho biết: “Thời gian qua, công ty chúng tôi đã đầu tư, hỗ trợ về vốn, gạo, giống, công làm đất trước khi mùa vụ bắt đầu để giúp người dân thuận lợi trong việc trồng sắn ở Lào. Đến mùa thu hoạch, công ty sẽ thu mua sắn cho bà con. Trong năm 2024 này, công ty sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con trồng sắn ở Lào bằng hình thức tương tự. Việc làm này vừa tạo điều kiện cho công ty chủ động thu mua được nông sản, vừa tạo việc làm, thu nhập cho người dân hai bên biên giới”.

Một đại lý thu mua sắn củ tươi ở bản Phường, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet (Lào) -Ảnh: Đ.V
Một đại lý thu mua sắn củ tươi ở bản Phường, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet (Lào) -Ảnh: Đ.V

Đóng chân trên địa bàn, thời gian qua Đồn Biên phòng Thanh, huyện Hướng Hóa luôn quan tâm, tạo điều kiện để người dân hai bên biên giới giao thương hàng hóa thuận lợi, đúng quy định, quy chế biên giới của hai nước Việt Nam - Lào.

Thiếu tá Nguyễn Văn Chinh, Chính trị viên Đồn biên phòng Thanh cho biết: “Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn biên phòng Thanh thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các lực lượng địa bàn, đặc biệt là các trạm kiểm soát hỗ trợ hết mức để người dân 2 bên biên giới trao đổi hàng hóa, cũng như phục vụ các nhu cầu sinh hoạt. Trong quá trình đó, chúng tôi cũng yêu cầu bà con tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định, hiệp định về quy chế biên giới Việt Nam - Lào”.

Trước đây, phần lớn diện tích sắn trồng ở bản Phường, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet sau khi thu hoạch thường bán qua Thái Lan hoặc bán tại địa phương với mức giá khá thấp. Nay được sự hỗ trợ của chính quyền, các ban, ngành hai tỉnh láng giềng là Quảng Trị - Savannakhet, sắn được đưa về Quảng Trị bán vừa được giá vừa thuận lợi, người dân bản Phường rất phấn khởi.

Ông Si Tha Ka Si Xong Det, Trưởng bản Phường, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet cho biết: “Ở bản chúng tôi có gần 150 hộ trồng sắn, mỗi hộ có diện tích sắn khoảng 4 - 5 ha. Có những gia đình trồng diện tích lớn, thu hoạch từ 40 - 50 tấn, còn trung bình mỗi hộ thu được khoảng 20 - 30 tấn sắn. Giá sắn hiện nay từ 2.000 - 2.200 kíp/kg. Thương lái đến rẫy để trực tiếp mua nên bà con đỡ công vận chuyển. Vụ sắn năm nay người dân chúng tôi vừa được mùa vừa bán được giá nên có nguồn thu nhập khá cao, nhờ đó cuộc sống kinh tế sung túc hơn”.

Ông Si Tha Ka Si Xong Det cũng sở hữu một số máy cày đất phục vụ người dân sản xuất. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, thời gian này người dân bản Phường vừa thu hoạch những luống sắn cuối cùng vừa triển khai việc cày xới đất để xuống giống vụ mới.

Được biết, sắn thu mua từ phía Lào được đưa về tiêu thụ tại một số nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh. Riêng Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa trong năm 2023 đã thu mua khoảng 1.000 tấn sắn củ tươi của người dân dọc biên giới của tỉnh Savannakhet và Salavan, Lào giáp với Quảng Trị.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Hướng Hóa quan tâm xây dựng sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP

Ngọc Trang |

Là địa phương miền núi có nền nông nghiệp phát triển khá bền vững, có nhiều loại nông sản đặc trưng, trong những năm qua, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) đã triển khai nhiều giải pháp sát thực nhằm không ngừng nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, hướng tới xây dựng sản phẩm mang thương hiệu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong đó, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được xác định là điểm nhấn để triển khai thực hiện mục tiêu này, đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Quan tâm bảo vệ thương hiệu sản phẩm nông sản

Trần Anh Minh |

Hiện nay, tình trạng vi phạm thương hiệu, nhãn mác đối với sản phẩm nông sản diễn ra khá phổ biến trên phạm vi toàn quốc, không chỉ làm cho người tiêu dùng lúng túng trong lựa chọn hàng hóa để tránh hàng giả, hàng nhái mà quyền lợi của những người sản xuất chân chính bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, mọi giải pháp bảo vệ và giữ gìn thương hiệu nông sản có vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy sản xuất phát triển.

Truy xuất nguồn gốc góp phần nâng tầm giá trị nông sản

Lê An |

Hiện nay, trong thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản có vai trò hết sức quan trọng. Nông sản gắn tem truy xuất nguồn gốc không những giúp minh bạch “lý lịch” dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, mà còn là “chìa khóa” khởi tạo niềm tin của người tiêu dùng, hình thành thói quen tiêu dùng thực phẩm an toàn, có địa chỉ tin cậy, giúp nông dân khẳng định thương hiệu sản phẩm, nâng tầm giá trị nông sản trên thị trường.

Tìm hướng đi riêng để đưa nông sản, cây dược liệu bản địa vươn ra thị trường

Mai Lâm |

Dù mới đi vào hoạt động nhưng nhờ biết cách liên kết, hợp tác với đơn vị sản xuất có kinh nghiệm và lựa chọn dòng sản phẩm riêng, các thành viên HTX Nông nghiệp sinh thái Tây Thạch Hãn, xã Mò Ó, huyện Đakrông (Quảng Trị), đã sản xuất được một số sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương, bước đầu được thị trường đón nhận.