Hồi phục kinh tế: Trọng tâm trước mắt là giảm chi phí khu vực sản xuất

PV |

Về giải pháp điều hành trọng tâm trong sáu tháng cuối năm, cơ quan quản lý cho biết sẽ đề xuất các chính sách cụ thể và triển khai ngay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.


Trong 6 tháng đầu năm, tình hình thế giới có nhiều biến động và tiềm ẩn rất phức tạp, khó lường, như giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao… đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Khó khăn bủa vây doanh nghiệp

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao theo giá nhiên liệu thế giới. Cùng với đó, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu "leo thang" theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển. Đây cũng là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, kéo theo lạm phát cơ bản tăng 1,25%.

CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, kéo theo lạm phát cơ bản tăng 1,25%. (Ảnh: TTXVN)
CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, kéo theo lạm phát cơ bản tăng 1,25%. (Ảnh: TTXVN)

Bên cạnh đó, chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu quý 2 và sáu tháng của năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ năm 2021. Điều này khiến các ngành hàng, doanh nghiệp trong nửa chặng đầu của năm gặp nhiều khó khăn.

Ông Vũ Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết ngành xây dựng đang đứng trước thách thức “trăm bề,” khi tất cả các chi phí đầu vào từ sắt, thép, ximăng, cát, xăng, dầu … và chi phí vận chuyển tăng “phi mã,” khiến giá thành các dự án bị "đội" lên 18%-30% và làm cho lợi nhuận của toàn ngành giảm sút rất mạnh.

“Mặc dù ngành xây dựng ghi nhận mức tăng trưởng rất cao trong 6 tháng đầu năm nhưng chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp lớn đáp ứng cho các dự án FDI, còn lại các doanh nghiệp nhỏ và vừa gần như rơi vào cảnh 'chết lâm sàng',” ông Hiệp buồn rầu cho biết.

Về vấn đề này ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) cũng cho hay toàn bộ hàng hóa sản xuất nội địa bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu, dịch vụ vận tải tăng cao. Hiện chi phí logistics đã và đang là “gánh nặng” đè trên vai các doanh nghiệp xuất khẩu và tình trạng này còn có thể nặng nề hơn trong năm nay.

Tương tự, ngành du lịch đã ghi nhận sự hồi phục tích cực trong sáu tháng qua, song ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho biết các doanh nghiệp du lịch đã phải nỗ lực rất lớn trong việc giảm chi phí dịch vụ để thu hút khách, trong khi chi phí về vận tải lại tăng mạnh gây ảnh hưởng tới giá tour.

“Trong bối cảnh hiện nay, để bán được tour, các doanh nghiệp phải cân đối rất nhiều,” ông Bình nói.

Cần giải pháp hỗ trợ đồng bộ

Về các giải pháp chính sách hỗ trợ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng cần phải có giải pháp hỗ trợ chính sách cụ thể trong ngắn hạn với khả năng thực hiện được ngay, bên cạnh đó là các giải pháp trong trung và dài hạn để nâng cao tính liên kết, lan tỏa giữa khu vực có vốn đầu trực trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước, từ đó nâng cao sức cạnh tranh, tính độc lập tự chủ của nền kinh tế.

“Yêu cầu là phải đảm bảo tính khả thi, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức song tránh dàn trải và lãng phí nguồn lực,” Ông Phương cho biết.

Từ các yêu cầu nêu trên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh giải pháp điều hành trọng tâm trong sáu tháng cuối năm, gồm các nhóm chính sách cụ thể với mục tiêu có thể triển khai ngay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định đời sống cho người nông dân đồng thời bảo đảm quốc phòng, an ninh, an ninh lương thực và ổn định đời sống người nghèo, người thu nhập thấp... Tiếp đó là nhóm giải pháp trong trung và dài hạn tập trung vào phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy đầu tư, giải quyết các điểm nghẽn của nền kinh tế về năng suất lao động, chuỗi cung ứng, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Mục tiêu các chính sách ngắn hạn tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định đời sống cho người. (Ảnh: TTXVN)
Mục tiêu các chính sách ngắn hạn tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định đời sống cho người. (Ảnh: TTXVN)

Trên tinh thần đó, Bộ Tài chính đã có buổi làm việc với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trao đổi một số vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh, cụ thể về thuế-phí xăng dầu, giá bán xăng dầu, chi phí trong công thức giá, quy định trong hình thành giá cơ sở và kiến nghị đề xuất nhằm có mức giá phù hợp với tình hình thực tế kinh doanh xăng dầu hiện nay.

Từ đó, Bộ Tài chính đã và đang trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh chính sách thuế đối với xăng dầu trong năm 2022. Ngoài ra, cơ quan này dự kiến trình Chính phủ để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12.

Để đa dạng hóa nguồn cung xăng (tránh bị động bởi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN) đồng thời đảm bảo mức chênh lệch phù hợp với mức thuế suất theo các FTA mà Việt Nam đã ký kết, đại diện Bộ Tài chính cho hay hiện đang khẩn trương tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương về dự án Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi để trình Chính phủ (trong tháng Tám). Theo đó, trên cơ sở ý kiến tham gia, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức thuế suất MFN đối với xăng từ 20% xuống mức phù hợp.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu nhằm góp phần giảm giá mặt hàng xăng dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế.

(Nguồn: Ngày Nay)

Phục hồi và phát triển kinh tế: Năm 2022 – nửa chặng đường đầy nỗ lực

PV |

Tăng trưởng kinh tế quý II ước đạt 7,72%, là mức cao nhất trong 10 năm, góp phần đưa GDP trong 6 tháng đầu năm tăng hơn 6,4%, đạt mức cao nhất của ba năm qua.

Người phụ nữ đi đầu phát triển kinh tế ở thôn Chênh Vênh

Ngọc Trang |

Không cam chịu đói nghèo, chị Hồ Thị Mươn ở thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) quyết tâm đổi mới phương thức phát triển kinh tế bằng cách đầu tư xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh tổng hợp.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt bậc nhờ xuất khẩu, sản xuất

PV |

Bất chấp nguy cơ từ đại dịch COVID-19 và giá dầu tăng cao, nhờ sự phục hồi trong lĩnh vực xuất khẩu và sản xuất, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã tăng nhanh hơn dự kiến trong quý II.

Kinh tế Quảng Trị - Tầm nhìn mới và phương thức phát triển mới

PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN, Viện Kinh tế Việt Nam |

Suốt chiều dài lịch sử, Quảng Trị là vùng đất luôn “đầy ắp” những điều kiện bất lợi cho phát triển. Sự tích hợp giữa các điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt với sự tàn phá của chiến tranh nên có thể coi Quảng Trị là biểu tượng “độc nhất vô nhị” của tình trạng khó khăn cho phát triển, sự gian khổ của cuộc sống cũng như đức tính can trường và năng lực chống chịu của con người trước những thách thức gay gắt nhất.