Các nhà khoa học Nhật Bản đã hồi sinh thành công các vi khuẩn sống dưới đáy biển kể từ thời khủng long.
Nghiên cứu của họ làm sáng tỏ khả năng sinh tồn đáng chú ý của một số "mầm sống" nguyên thủy nhất Trái đất, có thể tồn tại hàng chục triệu năm mà hầu như không có oxy hay thức ăn.
Một nhóm nghiên cứu do Cơ quan Khoa học và Công nghệ Trái đất Nhật Bản dẫn đầu đã phân tích các mẫu trầm tích cổ được lắng đọng trong hơn 100 triệu năm trước dưới đáy biển phía nam Thái Bình Dương.
Khu vực này nổi tiếng vì có ít chất dinh dưỡng trong trầm tích hơn bình thường, khiến nó trở thành một địa điểm lý tưởng để duy trì sự sống qua hàng thiên niên kỷ.
Nhóm nghiên cứu đã ủ các mẫu vật để kéo các vi khuẩn "ra khỏi giấc ngủ" kéo dài hàng kỷ nguyên của chúng. Một cách thần kỳ, họ đã có thể hồi sinh gần như tất cả các vi sinh vật.
"Khi tôi tìm thấy chúng, lần đầu tiên tôi đã hoài nghi liệu những phát hiện đó có phải là do một sai lầm nào đó hay là một thất bại trong thí nghiệm hay không. Bây giờ, chúng tôi biết rằng không có giới hạn về tuổi đối với các sinh vật trong sống dưới đáy biển", Yuki Morono - tác giả của nghiên cứu, cho biết.
Giáo sư Steven D’Hondt - đồng tác giả, nói rằng các vi khuẩn đến từ trầm tích lâu đời nhất được khoan từ đáy biển.
"Trong các trầm tích lâu đời nhất chúng tôi đã khoan, với lượng thức ăn ít nhất, vẫn còn các sinh vật sống và chúng có thể thức dậy, phát triển và sinh sôi", ông D’Hondt chia sẻ.
Ông Yuki Morono giải thích rằng dấu vết oxy trong trầm tích cho phép các vi khuẩn sống sót hàng triệu năm trong khi hầu như không có năng lượng.
"Mức năng lượng đối với vi khuẩn dưới đáy biển thấp hơn hàng triệu lần so với vi khuẩn bề mặt", nhà nghiên cứu nói.
Ông Morono cho biết nghiên cứu mới đã chứng minh sức mạnh bền bỉ đáng chú ý của một số cấu trúc sống đơn giản nhất Trái đất.
"Khác với chúng ta, vi khuẩn phát triển dân số theo sự phân chia, vì vậy chúng không thực sự có khái niệm về tuổi thọ", ông nói thêm.
(Nguồn: Guardian)