Người nỗ lực xây dựng thương hiệu các sản phẩm từ sim rừng Hướng Hóa

Ngọc Trang |

Nắm bắt nhu cầu sử dụng sim rừng để làm thuốc chữa bệnh, nước giải khát… cũng như lợi thế ở địa phương có nguồn cây sim khá lớn nên những năm gần đây, chị Nguyễn Thị Minh Hồng ở thôn Quyết Tâm, xã Tân Hợp đã tìm kiếm nguồn cung cấp cũng như đầu ra ổn định cho trái sim Hướng Hóa (Quảng Trị). Qua một thời gian gắn bó với nghề thu mua, kết nối tiêu thụ, chị Hồng cũng đã tự tay làm ra những sản phẩm đặc trưng của miền sơn cước và hướng tới xây dựng thương hiệu từ loại cây rừng này.

Gần 1 tháng nay, thời điểm vào vụ nên cơ sở thu mua sim rừng Hồng Nhật của chị Nguyễn Thị Minh Hồng luôn bận rộn. Tại đây, thường xuyên có hơn 10 lao động làm việc cật lực để kịp cân sim, thanh toán tiền cho người bán, chọn lọc loại bỏ những quả sim không đạt chất lượng để đóng gói vận chuyển gửi cho khách hàng ở xa. Chị Hồng chia sẻ: “Huyện Hướng Hóa có diện tích sim rừng tương đối lớn, tập trung tại xã Hướng Sơn và Hướng Linh.

Chị Hồng giới thiệu sản phẩm rượu sim
Chị Hồng giới thiệu sản phẩm rượu sim

Bắt đầu từ tháng 7 là vào mùa sim chín. Thời tiết càng nắng gắt trái sim càng ngọt, mọng nước. Mấy năm trước, để có được số lượng sim lớn, tôi phải vào tận các bản làng xa của những xã này để tìm hiểu và động viên người dân tranh thủ thời gian nhàn rỗi hái sim về bán. Đồng thời, cam kết với bà con là thu mua toàn bộ số sim hái được. Giá sim những năm qua tương đối ổn định cùng với việc cơ sở thu mua sim rừng của tôi làm ăn uy tín nên người dân yên tâm, tin tưởng cung cấp sản phẩm, đảm bảo cho cơ sở hoạt động tốt”.

Để đầu ra của sim rừng Hướng Hóa thuận lợi, chị Hồng tìm kiếm, kết nối với các mối mua bán sim rừng ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Có những lúc khách hàng đặt mua sim với số lượng ít hơn, không xuất hết hàng đi mà dân bản ngày nào cũng đưa sim đến cơ sở bán chị vẫn thu mua hết. Số hàng tồn phần chị phơi khô đợi lúc thuận lợi thì xuất bán, phần thì đem ngâm rượu. Mỗi năm, mùa sim kéo dài từ 2 - 3 tháng, bình quân mỗi cân sim có giá từ 13 - 15 nghìn đồng. Trung bình mỗi ngày, cơ sở của chị thu mua 4 - 5 tạ sim, có ngày cao điểm trên dưới 1 tấn. Nhờ có nơi thu mua ổn định như cơ sở của chị Hồng nên nhiều hộ hái sim rừng ở Hướng Hóa có nguồn thu nhập khá, đặc biệt hộ nào có từ 2 - 4 nhân công bình quân mỗi ngày thu nhập từ 300 - 500 nghìn đồng/hộ từ việc hái sim. Bên cạnh đó, cơ sở của chị còn tạo việc làm theo mùa vụ cho hơn 10 lao động với mức thu nhập từ 2,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Với mong muốn duy trì và phát triển cơ sở thu mua sim rừng bền vững, góp phần cùng đồng bào dân tộc thiểu số bảo vệ cây sim rừng, vừa tạo nguồn thu nhập, đồng thời tạo ra sản phẩm đặc trưng của Hướng Hóa, giới thiệu cho du khách gần xa, chị Hồng đã từng bước đa dạng hóa sản phẩm từ loại cây rừng này.

Nhận thấy trái sim rừng có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh, nhu cầu sử dụng rượu sim cao nên ngoài xuất bán trái sim tươi, khô, từ năm 2018 đến nay chị Hồng còn ngâm rượu sim theo các đơn đặt hàng hoặc cất bán cho ai có nhu cầu. Để có sản phẩm chất lượng, chị chọn loại nếp ngon để nấu rượu bằng men lá cây rừng của người Vân Kiều, Pa Kô. Bên cạnh đó, chị dùng sim để ngâm với đường cát trắng, tạo ra loại nước đặc biệt, vừa giải khát vừa có tác dụng chữa bệnh rất dễ uống. Nước sim sau khi ngâm tan đường thì chắt ra bỏ tủ lạnh để bảo quản.

Để giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình, chị Hồng thường xuyên đăng tải thông tin, hình ảnh về người dân thu hái, cơ sở thu mua sim rừng, rượu sim, nước sim ngâm đường…lên facebook cá nhân. Bên cạnh đó, nhân dịp địa phương có các hoạt động giới thiệu sản phẩm đặc trưng vùng miền, chị tích cực tham gia. Đặc biệt, tại phiên chợ vùng cao năm 2020 của huyện, các sản phẩm rượu, nước trái cây từ sim rừng của cơ sở chị được khách đến tham quan, mua sắm đánh giá cao, tạo động lực để chị tiếp tục đầu tư, chú trọng chất lượng cũng như tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Chị Hồng cho biết thêm: “Với quyết tâm xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm từ sim rừng, góp phần quảng bá các sản phẩm đặc trưng của Hướng Hóa đến được với thị trường rộng lớn hơn, rất mong các cơ quan chức năng hướng dẫn, tạo điều kiện để chúng tôi làm thủ tục hồ sơ công bố chất lượng, thủ tục đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm của mình”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam

Đỗ Hương |

Thị trường sầu riêng tại Australia trị giá hàng triệu USD và Thương vụ Việt Nam tại Australia đã có nhiều chương trình để phát triển thương hiệu sầu riêng tại thị trường này.

Chuyện một làng nông thôn mới

Xuân Dũng |

Hôm nay ngồi lại với nhau để bàn việc xóm thôn, người Tân Hiệp vẫn không quên nhớ về một kỷ niệm không thể nào quên của những tháng năm “vật đổi sao dời”, khiến cuộc sống biến động bất ngờ sang một hướng khác đối với những người dân nơi đây. Đó cũng là cách “ôn cố tri tân” hay nói mộc mạc dân gian là ăn cơm mới, nói chuyện cũ. Và những ai có dịp quay lại Tân Hiệp hôm nay chắc hẳn không khỏi ngỡ ngàng.

Cam Chính đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu

NTH |

Ngày 17/7, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) tổ chức lễ đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2019.

Làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp

Thế An - Anh Vũ |

Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, những năm gần đây nhiều hộ gia đình ở xã Cam Chính huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại tổng hợp mang lại thu nhập cao. Một trong những điển hình phát triển kinh tế hiệu quả ở xã Cam Chính là ông Phạm Văn Hoàng ở thôn Sơn Thanh.