Hướng Hóa, giàu lên từ đất

Tân Nguyên |

Hướng Hoá (Quảng Trị) là địa bàn có thế mạnh về tài nguyên đất đai. Hiện nay tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm của huyện là 7.208,2 ha (trong đó cây lương thực có hạt 1.908,5 ha; cây lấy bột 5.299,7 ha); cà phê 4356,2 ha, hồ tiêu 234,2 ha, cao su 1.131,9 ha và chuối là 3528 ha. Đây chính là thế mạnh mà huyện miền núi này đang tập trung khai thác có hiệu quả.

Những năm qua, phong trào thi đua lao động sản xuất để thoát nghèo, vươn lên làm giàu được người dân địa phương tích cực hưởng ứng. Cũng từ phong trào này, đến nay toàn huyện mỗi năm thu về trên 150 tỉ đồng từ cây cà phê, 60 tỉ đồng từ cây sắn và trên 40 tỉ đồng từ cây chuối.

Một trong những bước đột phá và thành công nhất của Hướng Hóa đó là đưa giống sắn KM 94 vào sản xuất. Đến nay toàn huyện đã có hơn 5.000 ha sắn, sản lượng ước đạt hơn 85.000 tấn/năm. Xã Thanh là địa phương có diện tích sắn lớn nhất của huyện với hơn 700 ha, sản lượng hằng năm hơn 10.000 tấn. Cây sắn trở thành nguồn thu nhập chính cho hàng trăm hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều.

Thu hoạch sắn ở Hướng Hóa -Ảnh: T.N​
Thu hoạch sắn ở Hướng Hóa -Ảnh: T.N​

Chủ tịch UBND xã Thanh Hồ A Cất cho biết: “Được sự hỗ trợ hướng dẫn về kỹ thuật và phân bón của Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa, nông dân trên địa bàn tập trung đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất và hàm lượng tinh bột tăng. Niên vụ sắn năm 2021, người trồng sắn rất phấn khởi vì không chỉ được mùa mà giá sắn củ tươi hiện đang được nhà máy thu mua khá cao, với mức giá từ 2.000 - 2.700 đồng/kg, cao hơn vụ trước từ 100 - 300 đồng/kg. Năm 2021, nông dân xã Thanh đã nhập cho Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa 10.701 tấn sắn củ tươi, thu về hơn 20 tỉ đồng”.

Trên lĩnh vực kinh tế, xã Thanh đã tập trung phát triển sản xuất, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xác định các loại cây, con chủ lực, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích; chuyển đổi diện tích đất trồng sắn cho năng suất, sản lượng thấp sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao như ngô, cà gai leo, rau màu; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường…

Năm 2021, tổng diện tích gieo trồng toàn xã khoảng 885,05 ha, trong đó cây sắn 710,6 ha, cây ngô 43,45 ha, cây chuối 19 ha, cây lúa gần 30 ha, rau màu các loại 80 ha, cà gai leo 1,3 ha, cây cao su 77,9 ha, cà phê 9,7 ha, hồ tiêu 4,1 ha. Như vậy, cùng với cà phê, hồ tiêu, cao su và các loại cây ăn quả khác, sắn KM 94 không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo mà còn làm giàu cho người dân vùng Lìa nói riêng.

Đứng bên vườn cà phê chín mọng sắp đến ngày thu hoạch, ông Pả Ký ở Bản 7, xã Thuận không giấu nỗi niềm vui: “Từ nhà cửa, xe cộ đều nhờ vào 3 ha cà phê này”. Không riêng gì Pả Ký mà phần lớn người dân Hướng Hóa đều xem cây cà phê là một nguồn lợi quan trọng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống trên mọi phương diện, là một trong những phương án chủ lực để đưa kinh tế miền núi lên một tầm vóc mới. Khác với Tây Nguyên, cây cà phê trồng ở Hướng Hóa không phải tưới nước, bởi trong lòng đất đỏ ba dan ở đây không chỉ có nước, mà còn có cả mùi hương. Có lẽ vì thế nên chất lượng cà phê của Hướng Hóa nhận được sự yêu thích của những khách hàng sành điệu và khó tính ở các nước trên thế giới.

Bà Lương Thị Ngọc Trâm, Giám đốc Công ty TNHH Pun Coffee (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa) cho biết: Công ty vừa ký kết hợp đồng xuất khẩu lô cà phê nhân Arabica Khe Sanh với Công ty TL Group LLC (Hoa Kỳ). Theo hợp đồng, Công ty TNHH Pun Coffee cung cấp cà phê nhân Arabica Khe Sanh rang xay 100%, mùa vụ 2021 - 2022, cho Công ty TL Group LLC với số lượng 2 tấn trên nền tảng cà phê đặc sản Việt Nam 2022. Công ty TL Group LLC được độc quyền phân phối cà phê Arabica Khe Sanh rang xay do Công ty TNHH Pun Coffee cung cấp tại thị trường toàn lãnh thổ Hoa Kỳ trong thời gian từ 1/12/2021 - 1/12/2022.

Theo bà Trâm, để sản phẩm cà phê Arabica Khe Sanh đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Hoa Kỳ, toàn bộ các khâu từ trồng, chăm sóc đến thu hoạch đều được công ty giám sát chặt chẽ. Trước khi ký kết hợp đồng xuất khẩu cà phê Arabica Khe Sanh với doanh nghiệp Hoa Kỳ, nhiều đơn cà phê mẫu đã được gửi sang thị trường này để đánh giá; tem nhãn được công ty thiết kế mẫu theo yêu cầu của đối tác. Sau gần 2 năm nỗ lực để vượt qua quy trình kiểm tra chất lượng chặt chẽ, sản phẩm cà phê Arabica Khe Sanh của Công ty TNHH Pun Coffee sẽ chính thức bước chân vào thị trường Hoa Kỳ từ đầu năm 2022.

Năm 2021, Hướng Hóa có 6 sản phẩm của 3 chủ thể tham gia OCOP cấp huyện gồm măng sấy khô của Tổ hợp tác Doa Bụt, xã Hướng Phùng; măng tươi thanh trùng (măng A Lay), măng tươi thanh trùng (măng Bát Độ), măng khô nấu ngay của Công ty TNHH MTV Hoàng Tuấn Tùng; Khe Sanh Coffee (cà phê hạt), Khe Sanh Coffee (cà phê bột) của HTX Nông sản Khe Sanh. Thông qua đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của từng sản phẩm theo Bộ tiêu chí đánh giá, hồ sơ sản phẩm và mẫu phẩm kết quả đánh giá xếp hạng 6 sản phẩm, có 4 sản phẩm đạt 3 sao; 2 sản phẩm đạt 4 sao; điểm trung bình từ 59,88 điểm trở lên; 3 chủ thể sản xuất sẽ hoàn chỉnh hồ sơ nộp cơ quan chức năng để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Được biết, ngoài 6 sản phẩm mới trên, hiện huyện Hướng Hóa đã có 9 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh, gồm măng dầm tỏi ớt, măng muối chua của Công ty Hoàng Tuấn Tùng; Ta Lư Coffee của hộ sản xuất kinh doanh Nông lâm Ta Lư, xã Tân Hợp; Khe Sanh Coffee (cà phê bột) của HTX Nông sản Khe Sanh, cà phê phin giấy, cà phê hạt rang của Công TNHH Pun Coffee; cà phê bột, cà phê hạt của Tịnh Việt, xã Hướng Phùng; chuối sấy Chánh Nhung, xã Tân Thành.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận cho biết: “Năm 2021, trước những khó khăn do thiên tai để lại, huyện Hướng Hóa đã xây dựng kế hoạch khôi phục sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Theo đó, huyện ưu tiên việc khôi phục, sử dụng phù hợp diện tích đất sản xuất bị bồi lấp và diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày bị ảnh hưởng do bão lụt, hạn hán với tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ khoảng 12 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương trên 5,5 tỉ đồng, ngân sách tỉnh gần 5 tỉ đồng, ngân sách huyện trên 800 triệu đồng và đối ứng của Nhân dân trên 700 triệu đồng.

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện, vùng Lìa đang được xây dựng thành vùng nguyên liệu sắn tập trung quy mô lớn theo mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm. Nhiều người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô nay là thành viên “Câu lạc bộ 100 triệu”, trở thành những điển hình nông dân sản xuất giỏi của huyện, tỉnh. Huyện Hướng Hóa đang đẩy mạnh khai thác hết tiềm năng đất đai để phấn đấu là huyện giàu lên nhờ đất”.

 (Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hội thảo “Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân”

Phạm Mỹ Hạnh |

Ngày 31/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và Tổng hội Xây dựng đồng chủ trì hội thảo “Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân”.  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Trị.

Dồi dào nguồn rau xanh phục vụ người tiêu dùng

Tú Linh |

Càng gần tết Nguyên đán, nhu cầu cung cấp và tiêu thụ rau, màu cho thị trường trong và ngoài tỉnh rất lớn. Nhờ chủ động ngay từ đầu với các phương án sản xuất rau, màu vụ đông xuân 2021-2022 nên nông dân các địa phương đang cung ứng cho thị trường một lượng rau màu khá lớn, đảm bảo chất lượng và góp phần để thị trường rau xanh luôn đầy đủ, phục vụ người tiêu dùng.

Triệu Phong phát huy mô hình camera an ninh

Ngọc Trang |

Những năm qua, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) trên địa bàn huyện Triệu Phong (Quảng Trị) có nhiều đổi mới, sáng tạo mang lại hiệu quả cao, trong đó có mô hình camera an ninh. Vì vậy, mô hình này đang được các địa phương trong huyện nhân rộng.

Người góp phần xây dựng thương hiệu cao dược liệu Định Sơn

Anh Vũ |

Làng Định Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) được nhiều người biết đến là làng nghề nấu các loại cao dược liệu gần 20 năm nay.