Hướng Hóa tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế và đẩy mạnh thu hút đầu tư

PV |

Hướng Hóa là huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị có đường biên giới dài hơn 156 km, tiếp giáp với 3 huyện Sê Pôn, Mường Noòng, Sa Muội của nước bạn Lào; là cửa ngõ trên Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC); địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Dân cư chủ yếu của huyện là đồng bào Kinh, Vân Kiều, Pa Kô.

Hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, từ một huyện miền núi khó khăn, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, xuất phát điểm thấp, đời sống Nhân dân thiếu thốn, tỉ lệ đói nghèo cao, kết cấu hạ tầng nghèo nàn, lạc hậu, nhiều xã chưa có đường ô tô, điện, nước sinh hoạt, đến nay kinh tế - xã hội của Hướng Hóa ngày càng phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng dựa trên 3 lĩnh vực trụ cột dịch vụ - thương mại - du lịch; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng; nông - lâm nghiệp. Chuyển đổi sâu sắc từ phương thức sản xuất lạc hậu tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa và phát triển kinh tế thị trường, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào đời sống và sản xuất. Điện lưới, đường ô tô, trường, trạm, thông tin, internet phát triển đến khắp các thôn, bản làng toàn huyện.

Điện gió, nguồn năng lượng mới trên vùng đất Hướng Hóa - Ảnh: N.K
Điện gió, nguồn năng lượng mới trên vùng đất Hướng Hóa - Ảnh: N.K

Những năm qua, Đảng bộ huyện đã đề ra nhiều chủ trương giải pháp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của Khu Thương mại đặc biệt Lao Bảo trên Hành lang kinh tế Đông - Tây, cửa ngõ quốc tế vào Việt Nam qua miền Trung; tiềm năng, lợi thế của nông - lâm nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh và sản phẩm chủ lực như cà phê, sắn, chuối, cây cao su, cây lâm nghiệp, chăn nuôi... kết hợp phát triển công nghiệp chế biến nông sản. Một số sản phẩm đã hình thành thương hiệu và xuất khẩu hàng hóa có giá trị kinh tế cao.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; an sinh xã hội đảm bảo, tỉ lệ hộ nghèo hằng năm đều giảm, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày một nâng cao; các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hộ nghèo, gia đình khó khăn được triển khai thực hiện đầy đủ và kịp thời, theo hướng hỗ trợ phát triển bền vững. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt 38,06 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 16,87%, 5/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện xác định 3 đột phá trọng tâm và 5 chương trình, dự án trọng điểm để tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế, trong đó tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo.Trong năm 2021, huyện Hướng Hóa đã tập trung triển khai thực hiện thành công 17/27 dự án điện gió, nâng công suất điện gió đi vào vận hành thương mại đạt gần 700MW và trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của tỉnh Quảng Trị.

Từ những thành tựu sau hơn 35 năm đổi mới, để phát huy nội lực, khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, giá trị lịch sử, văn hóa, nhằm phấn đấu xây dựng Hướng Hóa trở thành huyện miền núi kiểu mẫu, Đảng bộ huyện Hướng Hóa xác định các nhiệm vụ cơ bản sau:

Trên lĩnh vực nông-lâm nghiệp: Chú trọng công tác quy hoạch đất đai, giao đất, giao rừng, nâng cao nhận thức của nông dân trong chuyển đổi và ứng dụng phương thức sản xuất mới, theo hướng sản xuất hàng hóa. Chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế và đem lại hiệu quả cao như cà phê, tinh bột sắn, chuối, cao su, ngô, cây ăn quả, cây hoa màu, cây dược liệu, lúa hữu cơ, chăn nuôi gia súc, gia cầm…

Quan tâm xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất với các doanh nghiệp, ký kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Phát triển chăn nuôi theo hướng hợp tác xã, trang trại, gia trại, an toàn sinh học, phù hợp lợi thế của từng vùng. Phát triển lâm nghiệp toàn diện theo hướng xã hội hóa nghề rừng; tổ chức tốt việc giao rừng tự nhiên ổn định lâu dài, khuyến khích và hỗ trợ phát triển nhanh rừng sản xuất, rừng phân tán, rừng cây gỗ lớn...

Trên lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng: Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, thể thao... Chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm nghiệp dựa trên lợi thế nguồn nguyên liệu tại địa phương như cà phê, cao su, chuối, sắn, rừng sản xuất...

Thực hiện tốt chính sách khuyến công, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo sản phẩm mới, tăng giá trị. Nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm OCOP; tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp được công nhận nhãn hiệu tập thể trên thị trường trong nước và thị trường nước ngoài.

Huyện xác định chú trọng khai thác tiềm năng và lợi thế để đẩy mạnh thu hút và hỗ trợ đầu tư các dự án công nghiệp năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), đây chính là hướng đi mới, là một trong các tiền đề để huyện có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai gần. Tiếp tục thu hút đầu tư vào các Khu công nghiệp Lao Bảo, Khu công nghiệp Tân Thành và Cụm công nghiệp Hướng Tân; ưu tiên các dự án công nghệ cao, sử dụng nhiều lao động tại chỗ nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện cơ cấu lao động công nghiệp để khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh thu hút đầu tư trên địa bàn huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trên lĩnh vực dịch vụ, thương mại, du lịch, phát triển mạnh các dịch vụ công theo hướng hiện đại; khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, khu du lịch, nghỉ dưỡng, hệ thống dịch vụ y tế; phát triển hệ thống tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm nhằm cung cấp các dịch vụ hiện đại, phục vụ tốt nhu cầu của doanh nghiệp và Nhân dân.

Tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh về Khu kinh tế - thương mại Lao Bảo, Hành lang kinh tế Đông- Tây, Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, các cửa khẩu phụ, các điểm di tích lịch sử, các điểm du lịch thiên nhiên để thu hút đầu tư và phát triển toàn diện về thương mại, dịch vụ, du lịch. Phối hợp triển khai mạnh mẽ, thực hiện có hiệu quả Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đã được Chính phủ chủ trương đầu tư phát triển cùng với 8 khu kinh tế cửa khẩu lớn trong nước.

Xúc tiến Đề án kinh tế thương mại xuyên biên giới Lao Bảo - Densavanh, tạo “cú hích” bứt phá và năng động trở lại cho Khu thương mại Lao Bảo. Triển khai xúc tiến đề án dịch vụ logistics - hàng hóa quá cảnh qua đường 9 từ các vùng kinh tế trọng điểm trong nước, từ Biển Đông vào các nước trong khu vực như Lào, Thái Lan, Myanma... Kêu gọi đầu tư vào các dự án phát triển du lịch như: Điểm du lịch cộng đồng tại suối Tà Đủ (Tân Hợp); khu du lịch sinh thái tại đèo Sa Mù, thác Chênh Vênh (Hướng Phùng), thác Tà Puồng (Hướng Việt), cánh đồng điện gió; du lịch khám phá hang động Brai (Hướng Lập), hang động Kulum (Hướng Việt); khu phức hợp nghỉ dưỡng tại thị trấn Khe Sanh với quyết tâm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Hơn 35 năm đổi mới với những thành tựu huyện Hướng Hóa đã đạt được là rất đáng trân trọng và tự hào. Đó chính là hành trang, là niềm tin và sức mạnh để Đảng bộ, Nhân dân Hướng Hóa vững bước tiến vào tương lai, phấn đấu trở thành huyện miền núi kiểu mẫu như lời căn dặn của Tổng Bí thư Lê Duẩn cách đây 45 năm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Công an tỉnh kiến nghị phòng ngừa tình trạng sạt lở tại các dự án điện gió

Lê Trường |

Công an tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản gửi UBND tỉnh kiến nghị phòng ngừa tình trạng sạt lở, ô nhiễm môi trường tại các dự án điện gió.

Bãi thải dự án điện gió tiếp tục bồi lấp ruộng, đất sản xuất của dân

Lê Trường |

Từ khi các dự án điện gió trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đi vào vận hành thương mại đến nay, nhiều bãi thải vẫn chưa được gia cố đảm bảo. Do đó, chỉ xảy ra một trận mưa lớn là đất đá từ các bãi thải trôi tràn xuống, bồi lấp nhiều ruộng lúa, hồ cá, đất nông nghiệp, khiến việc sản xuất gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc bồi thường, hỗ trợ chưa được hai bên thống nhất, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Cty CP Điện gió Hướng Linh 8 ủng hộ 50 triệu đồng xây dựng đường hoa ven hồ Tân Độ

Xanh EWEC |

Ngày 13/5/2022, Công ty Cổ phần Điện gió Hướng Linh 8 đã trao số tiền 50 triệu đồng cho Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị ủng hộ xây dựng con đường hoa ven hồ Tân Độ (đường Hùng Vương, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hoá).

Công ty điện gió hỗ trợ 32 hộ dân có ruộng lúa bị vùi lấp do mưa lũ

Hoàng Táo |

Ngày 8/5, ông Nguyễn Xuân Hạnh, Phó Giám đốc Nhà máy Điện gió Amaccao Quảng Trị thông tin, đơn vị đã chi trả hơn 190 triệu đồng cho 32 hộ dân bị vùi lấp ruộng lúa do mưa lũ đầu tháng 4/2022.