Những năm qua, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Nhiều doanh nghiệp hoạt động khá hiệu quả, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách địa phương. Để đồng hành với doanh nghiệp, huyện Hướng Hóa đã có nhiều chính sách, giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển.
Tính đến ngày 12/7/2021, huyện Hướng Hóa có 510 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký đạt 7.033,91 tỉ đồng, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, số lượng doanh nghiệp mới thành lập giai đoạn 2011 - 2021 tăng bình quân 35,57%/năm. Đa số các doanh nghiệp đăng ký đa ngành, đa nghề, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như xây dựng, thương mại, chế biến nông sản, tiểu thủ công nghiệp. Các doanh nghiệp không ngừng đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ và thực hiện việc quản lý chất lượng toàn diện theo tiêu chuẩn. Đội ngũ doanh nhân đã khai thác tốt các điều kiện, lợi thế của địa phương để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực quản lý, điều hành doanh nghiệp. Từ đó xây dựng được uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài địa phương.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, huyện Hướng Hóa đã quan tâm đến việc thực hiện các chính sách, pháp luật, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân. Theo đó, địa phương đã chỉ đạo triển khai Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, các quy định của pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân. Đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là về cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đến làm việc và đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Tạo môi trường kết nối giữa doanh nghiệp trong hợp tác và cùng nhau phát triển, đẩy mạnh việc ưu tiên, sử dụng sản phẩm, dịch vụ lẫn nhau.
Để tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động, thu hút các nhà đầu tư đến huyện Hướng Hóa, địa phương đã ban hành các chính sách, quy định như kế hoạch về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; quy định về ngày tiếp công dân; quy chế phối hợp thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” trong việc giải quyết thủ tục đầu tư, xây dựng. Cùng với đó, lãnh đạo địa phương thường xuyên tiếp xúc, tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, doanh nhân để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn liên quan đến lĩnh vực đất đai, vay vốn, các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động. Hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch nhằm thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn huyện Hướng Hóa.
Việc hỗ trợ doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, khuyến khích phát triển ở khu vực nông thôn được huyện Hướng Hóa chú trọng thực hiện. Cụ thể, chính quyền địa phương đã khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ở các lĩnh vực như sản xuất nông nghiệp có liên kết với người dân; xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; đầu tư vùng sản xuất rau, củ, quả an toàn; xây dựng cơ sở chọn tạo và sản xuất giống rau, củ, quả thực phẩm, cây dược liệu, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và tôn vinh doanh nghiệp cũng được huyện Hướng Hóa quan tâm thực hiện tốt…
Với sự hỗ trợ tích cực của địa phương, các doanh nghiệp trên địa bàn yên tâm phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo việc làm, cải thiện đời sống Nhân dân, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của COVID-19, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và của huyện Hướng Hóa nói riêng cũng đang đối mặt với không ít khó khăn. Đó là hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đều thiếu vốn để duy trì sản xuất, nhập nguyên vật liệu đầu vào do hoạt động bị đình trệ bởi ảnh hưởng của COVID-19. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là chế biến thô nên lợi nhuận, thu nhập mang lại chưa cao. Trong hoạt động lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn chưa kết nối được sản phẩm vào siêu thị, hệ thống bán lẻ. Do ảnh hưởng của COVID-19 nên việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn, các thị trường truyền thống đã mất khó phục hồi, chịu sức ép trong việc tìm kiếm thị trường mới. Các chương trình xúc tiến thương mại chưa thực hiện được do thiên tai, dịch bệnh…
Để tiếp tục đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp, trong thời gian tới, huyện Hướng Hóa sẽ triển khai, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Chú trọng việc thu hút đầu tư các dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, áp dụng các phương pháp quản lý tổng hợp để tăng năng suất, tạo giá trị gia tăng cao, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương. Khuyến khích các doanh nghiệp tăng tỉ trọng tích lũy đầu tư. Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, vận tải, bưu chính, viễn thông. Thường xuyên tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo địa phương với doanh nghiệp để giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư vào khu vực nông thôn, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Tạo chuyển biến trong đào tạo nghề cho lao động, gắn đào tạo của nhà trường, trung tâm đào tạo nghề với yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Các doanh nghiệp, doanh nhân chú trọng việc đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, xây dựng hình ảnh doanh nhân Hướng Hóa…
Bên cạnh đó, địa phương cũng đề nghị cấp trên ban hành chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư vào Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo về cơ sở hạ tầng, các chính sách sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, chính sách về thuế… Tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân được thu mua và vận chuyển hàng nông sản qua các cửa khẩu phụ trên địa bàn huyện. Đồng thời hỗ trợ huyện trong việc nắm bắt thông tin, thu hút và kêu gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, lĩnh vực công nghiệp chế biến và đưa vào đầu tư một số công trình, dự án lớn để tạo bước đột phá chiến lược, tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực cùng phát triển. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đặc biệt là phối hợp với các hiệp hội ngành hàng để hỗ trợ đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)