Thời gian qua, bám sát các nghị quyết, kết luận của Huyện ủy Triệu Phong (Quảng Trị) về phát triển kinh tế- xã hội vùng gò đồi, cấp ủy, chính quyền hai xã Triệu Ái và Triệu Thượng đã có những cách làm phù hợp để phát triển kinh tế. Đây là 2 địa phương có diện tích đất khá lớn gần 17.000 ha, chiếm 48,1% diện tích đất tự nhiên toàn huyện. Đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người xã Triệu Ái đạt 47,2 triệu đồng/năm, xã Triệu Thượng đạt 50 triệu đồng/năm. Hai xã đã đạt chuẩn nông thôn mới khá sớm vào năm 2019, 2020.
Để đạt được kết quả đó, cấp ủy, chính quyền hai xã Triệu Ái và Triệu Thượng đã đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tập trung cải tạo đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đây cũng là hai địa phương được UBND huyện Triệu Phong chỉ đạo trồng thử nghiệm nhiều loại cây trồng mới như cam Vân Du, bưởi thanh trà, chanh leo, thanh long. Các cây trồng này bước đầu cho hiệu quả kinh tế đáng ghi nhận.
Cùng với phát triển cây trồng mới, hai địa phương này đẩy mạnh chăn nuôi, trồng rừng và cây công nghiệp. Đến nay, hai xã Triệu Ái và Triệu Thượng có 42 mô hình kinh tế về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trong đó có 6 mô hình đạt tiêu chí trang trại, có 3 trang trại chăn nuôi gà theo hướng công nghệ cao với quy mô 10.000-12.000 con/lứa, 1 mô hình chăn nuôi lợn với quy mô 600 con/lứa. Mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện tổng đàn trâu bò của hai xã lên đến hơn 2.330 con . Hơn 1.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC và VFCS, 710,56 ha cao su tiểu điền, trong đó hơn một nửa diện tích cao su đã trồng cho khai thác mủ.
Các hợp tác xã (HTX) luôn đổi mới phương thức hoạt động để giúp người dân phát triển sản xuất. Hiện nay, hai địa phương này có 5 HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, trong đó có 2 HTX đã được UBND tỉnh công nhận là HTX kiểu mới. Các HTX chú trọng sản xuất hàng hóa theo chuỗi liên kết để tăng giá trị sản phẩm gắn với nền nông nghiệp hiện đại theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Trên lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), thương mại- dịch vụ (TM-DV), du lịch được đẩy mạnh. Đến nay, hai địa phương này có 142 cơ sở sản xuất CN-TTCN với 375 lao động; 330 cơ sở hoạt động kinh doanh TM - DV, giải quyết việc làm cho 1.100 lao động có mức thu nhập ổn định.
Mới đây, Ban Thường vụ Huyện ủy Triệu Phong tổ chức hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện để bàn và thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế- xã hội vùng gò đồi của huyện Triệu Phong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là điều kiện cần thiết để huyện tiếp tục có những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế vùng gò đồi, từ đó tạo bước đột phá trong phát triển.
Huyện ủy Triệu Phong xác định, trong thời gian tới, đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của các xã Triệu Ái, Triệu Thượng đạt từ 14,5- 15%, trong đó nông- lâm- ngư tăng 5- 6%, công nghiệp- xây dựng tăng 17- 18%, thương mại- dịch vụ tăng 17- 18%. Thu nhập bình quân đầu người giai đoạn 2021- 2025 đạt 85- 90 triệu đồng/người/năm, định hướng đến năm 2030 đạt 120- 125 triệu đồng/ người/năm. Xây dựng 3 - 4 HTX đạt HTX kiểu mới. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 70 - 75%, trong đó qua đào tạo nghề 46%. Hằng năm tạo việc làm mới cho 300 - 400 lao động. Giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm 1 - 1,5%.
Để đạt được mục tiêu đó, cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng và phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, canh tác tự nhiên, canh tác hữu cơ; phát triển mô hình cây, con chủ lực, có lợi thế so sánh, liên kết sản xuất để nâng cao chất lượng, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất. Đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn kiểu mẫu; phát triển mạnh vùng cây nguyên liệu (rừng FSC, VFCS), cây dược liệu, cây ăn quả. Phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại có quy mô hợp lý, ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong chăn nuôi. Tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo lộ trình gắn với chỉnh trang nông thôn mới. Đổi mới và nâng cao năng lực của HTX thích ứng với cơ chế thị trường hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, quy hoạch hình thành các khu dân cư, khu đô thị mới, các phân khu chức năng dọc 2 bên đường Hùng Vương đoạn qua địa bàn xã, dọc sông Vĩnh Phước. Kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, nhất là giải quyết dứt điểm các vướng mắc về đất đai, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội vùng gò đồi. Tiến hành quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng gò đồi gắn với quy hoạch nông thôn mới của các xã và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện theo từng giai đoạn và định hướng đã đề ra. Quản lý và thực hiện tốt quy hoạch đất đai, kế hoạch sử dụng đất hằng năm, quy hoạch 3 loại rừng; lập quy hoạch các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung, vùng nguyên liệu gắn với đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế và sử dụng bền vững, ổn định tài nguyên đất.
Mặt khác, sớm hoàn thiện và trình phê duyệt quy hoạch để tranh thủ nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút các dự án đầu tư vào Cụm Công nghiệp Tây Triệu Phong. Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án khu du lịch sinh thái hồ Ái Tử; phối hợp quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết quần thể di tích Chúa Nguyễn trên địa bàn huyện gắn với di tích chùa Sắc Tứ Tịnh Quang; xem xét quy hoạch khu du lịch sinh thái Trấm, hồ Triệu Thượng 1, 2 để phát triển du lịch. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai; tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc, tranh chấp về đất đai; kịp thời lập phương án giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân sản xuất ổn định; khắc phục tình trạng sử dụng đất sai mục đích, chuyển quyền sử dụng đất trái phép.
Đặc biệt, để phát triển các loại cây trồng phù hợp, Huyện ủy Triệu Phong đề nghị các địa phương và ngành liên quan rà soát đánh giá hiệu quả diện tích trồng cây cao su hiện có để có hướng phát triển lâu dài, đồng thời xem xét chuyển đổi diện tích cây phát triển không đạt yêu cầu sang các mô hình sản xuất có hiệu quả cao hơn. Đối với đất trồng cây ngắn ngày, khuyến khích tích tụ đất đai hoặc hợp tác với nông dân để xây dựng các vùng chuyên canh. Ổn định diện tích canh tác lúa hiện nay để đảm bảo lương thực. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội vùng gò đồi; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông, nhất là giao thông kết nối liên xã, liên vùng, đường lâm sinh, hạ tầng thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục, nước sinh hoạt để phát triển kinh tế- xã hội nhanh và bền vững...
(Nguồn: Báo Quảng Trị)