Khám bệnh thời...4.0

Mai Lâm |

Dù đang ở giai đoạn vừa tiếp cận, vừa ứng dụng nhưng công nghệ số đã giúp công tác khám, chữa bệnh của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Trị trở nên năng động, linh hoạt hơn. Với việc hướng tới mục tiêu xây dựng "Bệnh viện thông minh", người dân trên địa bàn bước đầu được hưởng lợi từ các dịch vụ y tế hiện đại.

Telehealth - thu hẹp khoảng cách các bệnh viện

Hơn 4 giờ đồng hồ trôi qua, không khí buổi khám, chữa bệnh từ xa qua hệ thống Telehealth giữa các bệnh viện tuyến tỉnh khu vực miền Trung (bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Trung ương Huế) với Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 của Bệnh viện Trung ương Huế tại TP. Hồ Chí Minh (Trung tâm ICU) vẫn diễn ra hết sức sôi nổi. Xoay quanh việc điều trị bệnh nhân COVID-19, có quá nhiều vấn đề mà các bệnh viện tuyến tỉnh cần được đội ngũ bác sĩ tại Trung tâm IUC tư vấn, hỗ trợ về chuyên môn.

Bác sĩ hội chẩn thông qua hình ảnh trên hệ thống PACS mà không cần in phim nhựa như trước - Ảnh: M.L
Bác sĩ hội chẩn thông qua hình ảnh trên hệ thống PACS mà không cần in phim nhựa như trước - Ảnh: M.L

Bác sĩ tại điểm cầu BVĐK tỉnh Quảng Trị chia sẻ về một trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng từng được điều trị tại bệnh viện. Đó là trường hợp bệnh nhân L.T.T. (71 tuổi), đơn vị tiếp nhận điều trị vào ngày 12/10. Bệnh nhân T. nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng phải đặt nội khí quản cấp cứu, thở máy, lọc máu… Bệnh nhân này có tiền sử bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp không kiểm soát. Nhưng sau 28 ngày điều trị COVID-19 tích cực, bệnh nhân T. phục hồi một cách ngoạn mục và đã được xuất viện.

Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Quảng Trị Trương Xuân Nhuận thông tin: "Đơn vị điều trị 35 bệnh nhân COVID-19 từ nặng đến rất nặng, trong đó có 2 trường hợp đã tử vong. Bệnh nhân T. là một trong những trường hợp rất nặng, có lúc nguy kịch nên việc cứu sống được bệnh nhân này là một thành công lớn, cổ vũ, động viên đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện tự tin hơn trong điều trị bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, theo dõi bệnh nhân này, đơn vị gặp khó khăn khi phát hiện tình trạng nhiễm nấm đường hô hấp kéo dài, không điều trị dứt điểm được. Điều này dẫn đến tình trạng xơ hóa phổi hậu COVID-19. Tuy nhiên, đến nay Bộ Y tế chưa có phác đồ điều trị cụ thể, trong khi bệnh viện chưa có kinh nghiệm trong điều trị bệnh nhân COVID- 19 cần được các bác sĩ tuyến đầu chia sẻ, hỗ trợ thêm về chuyên môn".

Phân tích hình ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT scan) phổi của bệnh nhân T. trình chiếu trên màn hình, bác sĩ Trung tâm ICU nhấn mạnh, tổn thương phổi là vấn đề trọng yếu của bệnh nhân COVID-19. Tỉ lệ bệnh nhân có hình ảnh xơ hóa (giai đoạn sớm) trên CT scan khoảng 70%-80% bệnh nhân viêm phổi trung bình và 100% bệnh nhân hội chứng suy hô hấp tiến triển cấp tính ở tại thời điểm xuất viện (khoảng 4 tuần sau khởi phát).

Từ thực tiễn điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại TP. Hồ Chí Minh, đội ngũ bác sĩ Trung tâm ICU đã chia sẻ, chuyển giao nhiều kinh nghiệm hữu ích cho các bệnh viện tuyến tỉnh miền Trung về cách sử dụng thuốc kháng nấm hiệu quả trong quá trình điều trị bệnh nhân COVID-19; cách phục hồi chức năng hô hấp để giải quyết tình trạng xơ hóa phổi hậu COVID-19; chăm sóc sức khỏe tâm lý trong quá trình điều trị (bệnh nhân COVID-19 thường bị tổn thương, sang chấn mạnh về tinh thần dẫn đến lo âu, hoảng sợ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng hồi phục), phác đồ điều trị thuốc chống đông máu hiện hành… 

Telehealth là cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân từ xa thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin. Hệ thống này đáp ứng đầy đủ 6 lĩnh vực theo tiêu chuẩn hệ thống khám, chữa bệnh từ xa mà Bộ Y tế ban hành gồm: Tư vấn y tế; hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh; hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh; hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh; hội chẩn tư vấn phẫu thuật và đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám, chữa bệnh.

Buổi hội thảo về kinh nghiệm điều trị bệnh nhân COVID nặng trên là một trong rất nhiều chương trình khám, chữa bệnh từ xa được triển khai thực hiện tại BVĐK tỉnh Quảng Trị với các bệnh viện trung ương trong toàn quốc, mang lại hiệu quả thiết thực. Đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2025 của Bộ Y tế qua hệ thống Telehealth được triển khai từ năm 2020. Nhờ được hỗ trợ về chuyên môn từ các bệnh viện tuyến trung ương, BVĐK tỉnh đã chữa trị thành công hàng trăm ca bệnh khó, phức tạp mà không cần phải chuyển lên tuyến trên như trước. Telehealth đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả người dân và các cơ sở y tế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh bủa vây như hiện nay.

Bệnh viện “không phim”

Cuối tháng 11/2021, bà Đinh Thị Chanh (84 tuổi) ở xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, được chuyển đến cấp cứu tại BVĐK tỉnh trong tình trạng đau đầu, chóng mặt dữ dội kèm khó thở.

Để xác định nguyên nhân gây đau đầu của bà Chanh, bác sĩ điều trị chỉ định CT scan não. Chỉ vài thao tác kỹ thuật ở phòng chụp cắt lớp vi tính, toàn bộ hình ảnh CT scan não của bệnh nhân được chuyển lên hệ thống PACS của bệnh viện. Bác sĩ đọc phim, trả kết quả trên máy tính. Khoa Chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện không cần in phim nhựa như trước.

Bác sĩ Phùng Hưng, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, BVĐK tỉnh nhớ lại: "Từ hình ảnh CT scan não của bệnh nhân, chúng tôi nhận định đây là trường hợp dị dạng mạch máu não. Ca bệnh này phức tạp, hiếm gặp, chúng tôi chưa từng xử lý nên đã kết nối hội chẩn trực tuyến với các bác sĩ can thiệp mạch máu não Bệnh viện Y Dược TP. Hồ Chí Minh ngay tại phòng can thiệp. Theo đó, hình ảnh chiếu chụp não của bệnh nhân được chuyển thẳng từ phòng chụp lên hệ thống hội chẩn trực tuyến một cách nhanh chóng cho các bác sĩ Bệnh viện Y Dược TP. Hồ Chí Minh theo dõi, nắm bắt. Qua trao đổi, đánh giá và tư vấn hướng xử lý, chúng tôi được các chuyên gia đầu ngành hỗ trợ thực hiện phương pháp đưa dụng cụ bằng đường nội mạch từ đùi bệnh nhân lên mạch máu não để thả những cuộn dây kim loại (Coils) vào ổ dị dạng mạch máu, bịt tắc các túi phình. Ca can thiệp được thực hiện gần 3 giờ đồng hồ và đã thành công".

Theo anh Lê Đình Ngoạn - con trai bà Chanh - tình trạng sức khỏe của mẹ anh đã cải thiện rất nhiều sau khi được các bác sĩ can thiệp kịp thời. "Chỉ 5 ngày sau phẫu thuật, mẹ tôi bình phục và được ra viện. Từ đây, bà đã chấm dứt những cơn đau đầu, chóng mặt hành hạ suốt 3 năm trời. Gia đình chúng tôi rất hạnh phúc vì điều đó”, anh Ngoạn chia sẻ.

Khám, chữa bệnh từ xa qua Telehealth - Ảnh:M.L
Khám, chữa bệnh từ xa qua Telehealth - Ảnh:M.L

Bác sĩ Phùng Hưng cho biết thêm, nhờ sử dụng công nghệ số để xử lý phim chụp nên kết quả rất nhanh và chính xác. Tất cả hình ảnh đều được lưu trong máy, cần là sử dụng được ngay nên bác sĩ có thể xem bất kỳ lúc nào, bất kỳ đâu. Sau 2 năm áp dụng hệ thống PACS, đơn vị đã lược giản nhiều công đoạn trong quy trình chẩn đoán hình ảnh cho bệnh nhân. Quy trình chụp X-quang, CT scan hay chụp cộng hưởng từ (MRI) của một bệnh nhân tại bệnh viện như sau: Bác sĩ nhập yêu cầu vào phần mềm và chỉ định thẳng tới hệ thống máy chụp mà không cần qua bộ phận hành chính. Sau khi chụp, phim dưới dạng số hóa được chuyển thẳng đến bác sĩ chẩn đoán hình ảnh.

Từ đây, bác sĩ chẩn đoán bấm hình ảnh kèm kết quả gửi đến bác sĩ khám bệnh. Tất cả đều thao tác trên máy tính, điện thoại thông minh… có kết nối internet. Phim được lưu vào hồ sơ bệnh án điện tử của bệnh nhân để sử dụng cho lần sau. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào chẩn đoán hình ảnh không chỉ giảm được thời gian, công sức mà còn giảm được đáng kể chi phí in sao, lưu trữ phim sau khi chiếu chụp. Ứng dụng hệ thống PACS cũng giúp các bệnh viện chuẩn hóa quy trình chẩn đoán hình ảnh, hạn chế in phim nhựa, ảnh hưởng tới môi trường do dung dịch rửa phim bằng hóa chất. Hoạt động này đem lại lợi ích đáng kể cho cả bệnh nhân, bệnh viện lẫn cơ quan bảo hiểm y tế.

Thông tin thêm về ứng dụng công nghệ số tại bệnh viện, Giám đốc BVĐK tỉnh Trần Quốc Tuấn cho hay, dù còn nhiều rào cản, khó khăn về kinh phí, nguồn nhân lực nhưng bệnh viện đang tập trung nguồn lực xây dựng quy trình kết hợp các phần mềm công nghệ thông tin. Tranh thủ các nguồn lực, đơn vị sẽ lựa chọn sử dụng những phần mềm, hệ thống tiêu biểu vào công tác chẩn đoán, điều trị và quản lý điều hành... Cố gắng tạo thành một hệ sinh thái y tế hoàn chỉnh, tiến tới mô hình "bệnh viện không giấy" vào năm 2023.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Những trường hợp nào cần đi khám hậu COVID-19

Thanh Mai |

Nhóm cần phải đi khám hậu Covid-19 sớm là người từng phải điều trị trong phòng hồi sức, âm tính nCoV nhưng phải chuyển sang khu phục hồi chức năng.

Khám, cấp phát thuốc miễn phí cho gần 2 nghìn người dân ở biên giới

Đình Tiến |

Trong 2 ngày 7-8/12, tại khóm An Hà, thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), đoàn y, bác sĩ của Cục Quân y QĐND Việt Nam và QĐND Lào đã tổ chức khám, phát thuốc miễn phí cho người dân trên địa bàn.

Khám chữa bệnh miễn phí cho người dân khu vực biên giới huyện Sê Pôn

Đình Tiến |

Từ ngày 5/12 đến 6/12/2021, tại Trạm xá Đen Sa Vẳn, huyện Sê Pôn, tỉnh Xa Vẳn Na Khệt (Lào), Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bệnh viện: 354, 4, 268 của Quân đội Nhân dân Việt Nam và chính quyền địa phương tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân trên địa bàn huyện Sê Pôn.

Khám bệnh online miễn phí cho bệnh nhi trong điều kiện giãn cách xã hội

Thanh Trúc |

Trong những ngày COVID-19 diễn biến phức tạp, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) triển khai thực hiện Chỉ thị 16 để đảm bảo phòng chống dịch bệnh hiệu quả, nhiều phòng khám tư nhân đóng cửa, việc có con nhỏ đau ốm phải đến bệnh viện làm nhiều bậc phụ huynh rất lo ngại.