Hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng là 10 năm người dân cả tỉnh, cả nước biết thêm về Vĩnh Linh (Quảng Trị) - một địa phương có tinh thần “quyết liệt, bài bản, sáng tạo” trong thực hiện chương trình.
Kết quả là đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn ngày càng được nâng cao, diện mạo nông thôn khởi sắc, hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện, an ninh thôn xóm được giữ vững, tình làng, nghĩa xóm ngày càng keo sơn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX xác định: phấn đấu đến năm 2025, địa phương sẽ trở thành huyện nông thôn mới (NTM). Vĩnh Linh đang bứt phá, vươn lên, tiến nhanh trên bước đường xây dựng NTM, quyết tâm trở thành một điểm sáng phát triển kinh tế – xã hội ở khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Trị.
Hành trình 10 năm, thu về quả ngọt
Vĩnh Linh vốn là huyện thuần nông có 15 xã, 3 thị trấn. Trong đó có 3 xã ở miền núi với điều kiện tự nhiên, xã hội vô cùng khó khăn. Cách đây 10 năm, mặc dầu đã được cấp ủy, chính quyền hết sức quan tâm song nền kinh tế - xã hội của địa phương vẫn còn kém bền vững, sức cạnh tranh thấp, chuyển giao khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế. Bên cạnh đó kết cấu hạ tầng như giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nước sạch, vệ sinh môi trường còn nhiều bất cập. Đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có, tỷ lệ hộ nghèo trên 15%, chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị còn lớn.
Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, huyện đã xác định cần đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế. Mà trọng tâm là chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Bên cạnh đó, quan tâm phát triển xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá. Đi liền với đó trình độ dân trí phải được nâng cao; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững. Từ những mục tiêu cụ thể, các cấp uỷ Đảng, Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, các cơ quan, ban, ngành trong huyện đã vào cuộc một cách tích cực; tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt sâu sắc mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 đến các tầng lớp nhân dân, từ đó đi đến thống nhất về mặt nhận thức, quyết tâm thực hiện.
Bằng sự năng động của chính quyền gắn với sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp, người dân đã tạo nên phong trào thi đua xây dựng NTM rộng khắp trên toàn huyện. Trong đó phải kể đến phong trào hiến đất làm đường, ủng hộ tiền để chính quyền đầu tư xây dựng nhà văn hóa, trường học… Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, huyện Vĩnh Linh đã huy động được gần 600 tỉ đồng xây dựng NTM. Trong đó vốn người dân đóng góp trên 182 tỉ đồng. Nhờ vậy, nhiều công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng. Đến nay, 100% tuyến đường do huyện quản lí đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm và kết nối tới trung tâm hành chính các xã. Điện sinh hoạt, trường học, trạm y tế ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 50,8 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,98%. Vĩnh Linh đã có 13/15 xã được công nhận đạt chuẩn. Trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là Vĩnh Kim, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang.
Bên cạnh đó, huyện đã triển khai tích cực và có hiệu quả cao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Năm 2020, Vĩnh Linh có 2 sản phẩm công nhận đạt chuẩn 4 sao và 4 sản phẩm 3 sao cấp tỉnh. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
Chia sẻ với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Với nền tảng là người dân, nòng cốt cũng là người dân, công cuộc xây dựng NTM của Vĩnh Linh đã vượt qua nhiều thách thức và đang đi đúng hướng, dần dần cán đích. Thành công của phong trào xây dựng NTM ở Vĩnh Linh không chỉ biểu hiện ở việc đề ra các chủ trương, đường lối phát triển đúng đắn mà còn ở sức lan tỏa của các chủ trương, đường lối ấy đến toàn bộ người dân vùng nông thôn, biến mỗi người dân trở thành một chiến sĩ trên mặt trận xây dựng NTM với tinh thần quyết không lùi bước trước khó khăn”.
Bác Hồ đã từng dạy "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng NTM, Vĩnh Linh đã đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ tại cơ sở, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, huy động toàn dân tham gia với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”. Nếu như trước đây trong thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM có một số nội dung tưởng chừng như chỉ do một số ban ngành, đơn vị đơn độc thực hiện; đến nay phải có sự tham gia của người dân. Ví dụ trong việc thực hiện quy hoạch về điểm dân cư nông thôn, quy hoạch đất phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Trong xây dựng hạ tầng, người dân bàn những công trình hạ tầng nào đưa vào xây dựng trước phục vụ cho đời sống dân sinh. Mặt khác tham gia giám sát công trình trong quá trình thi công. Hoặc là trong phát triển sản xuất, thông qua chính sách của huyện giúp bà con định hướng mục tiêu sản xuất có sự tham gia hướng dẫn về mặt khoa học kỹ thuật của các cơ quan liên quan... Thông qua minh bạch hóa các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân đã huy động sức dân trong xây dựng NTM.
Vươn tới khát vọng nông thôn mới
Mục tiêu lớn nhất được Đảng bộ huyện đề ra phấn đấu đến năm 2025 là 100% xã trong huyện đạt chuẩn NTM. Giữ vững và nâng cao chất lượng các xã đã đạt chuẩn NTM; có từ 40 - 45% xã đạt tiêu chuẩn xã NTM kiểu mẫu; 60-70% bản, 45-50% thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Vĩnh Linh dự kiến nguồn vốn xây dựng NTM từ nay cho đến năm 2025 sẽ đạt mức 640 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn do Nhân dân đóng góp sẽ phấn đấu huy động trên 72 tỷ đồng.
Để làm được điều đó, Vĩnh Linh tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, phát huy vai trò MTTQ và các tổ chức đoàn thể cùng tham gia xây dựng NTM. Làm tốt công tác vận động tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn cũng như những người con của quê hương đang sinh sống khắp mọi miền cùng góp sức. Bên cạnh đó sẽ kiện toàn lại Ban chỉ đạo cấp huyện để chỉ đạo vệc xây dựng và triển khai đề án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững tại ba xã miền núi Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà. Đưa ra nhiều chính sách ưu tiên thông qua các chương trình, dự án; huy động, lồng ghép nhiều nguồn khác nhau để từng bước hoàn thiện các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh, giúp Vĩnh Ô, Vĩnh Khê hoàn thành mục tiêu NTM trước năm 2023.
Đối với các địa phương đã được công nhận đạt chuẩn phải xây dựng các giải pháp để giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí theo hướng bền vững. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, tăng mức độ hưởng thụ trực tiếp cho người dân.
Huyện sẽ thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tập trung các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực. Đồng thời xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện tốt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện, điều chỉnh quy hoạch chi tiết các xã theo mô hình xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Thường xuyên quan tâm, chăm lo đến công tác giảm nghèo, lao động, việc làm; nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, chú trọng xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, nếp sống văn minh và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân khu vực nông thôn.
Trên chặng đường xây dựng NTM, với sự đồng thuận của hệ thống chính trị và đoàn kết của Nhân dân, tin tưởng rằng Vĩnh Linh sẽ sớm cán đích NTM theo đúng lộ trình đặt ra.
(Nguồn: QRTV)