Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều chính sách thu hút đầu tư, trong đó có chính sách ưu tiên cấp đất cho các doanh nghiệp, dự án đầu tư trên địa bàn.
Tuy nhiên, nhiều dự án được cơ quan thẩm quyền quyết định cấp phép đầu tư nhưng thực hiện không đúng, không phù hợp với cấp phép đầu tư, triển khai chậm tiến độ hoặc không triển khai đã gây lãng phí tài nguyên đất. Trước thực trạng đó, tỉnh đã có nhiều hướng xử lý nhằm thực hiện tốt hơn việc quản lý tài nguyên đất đai trên địa bàn.
Thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương đã triển khai đồng bộ chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư như: Ban hành và tổ chức thực hiện chính sách về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018 - 2021, triển khai thực hiện đầy đủ quy trình và quy định về thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.
Trong giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh đã tranh thủ tối đa các nguồn lực hỗ trợ của trung ương để hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong các khu kinh tế, khu công nghiệp để thu hút đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 265 dự án với tổng vốn đăng ký gần 83.820 tỉ đồng.
Đến nay, đã có nhiều dự án đi vào hoạt động, tạo việc làm cho người lao động và đóng góp cho ngân sách địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, qua giám sát của HĐND tỉnh, nhiều dự án được cơ quan có thẩm quyền quyết định cấp phép đầu tư nhưng tiến độ triển khai thực hiện chậm, tình trạng quản lý, sử dụng đất chưa đúng mục đích, có sai phạm vẫn còn diễn ra. Sở dĩ có tình trạng này là do trong quá trình kêu gọi, thu hút đầu tư chưa phân tích, sàng lọc đúng thực chất về năng lực tài chính của nhà đầu tư để lựa chọn, do vậy chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư một số dự án chưa đạt như mong muốn.
Ngoài các dự án năng lượng thì hầu hết các dự án có vốn đầu tư thấp, quy mô nhỏ, thiếu những dự án chế biến sâu, dự án mang tính động lực để tạo sự đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mặt khác, tình trạng chồng lấn giữa các quy hoạch ngành, giữa quy hoạch phát triển các khu kinh tế; khu, cụm công nghiệp; các dự án phát triển dịch vụ, du lịch với các dự án phát triển nông, lâm nghiệp… làm ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án, thu hút đầu tư và các hoạt động sản xuất của Nhân dân.
Mặc dù đã được chính quyền, các ngành chức năng và người dân hết sức tạo điều kiện nhưng không ít dự án vẫn thực hiện chưa đúng như cam kết và chậm tiến độ gây bức xúc trong dư luận, do đó trong nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân cũng như chính quyền cơ sở đã có nhiều kiến nghị tỉnh cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để hoặc thúc đẩy các dự án sớm đi vào hoạt động hoặc dự án không khả thi thì tỉnh cần sớm thu hồi đất. Những mong muốn, kiến nghị của cử tri và chính quyền địa phương nơi có dự án là rất chính đáng.
Tỉnh Quảng Trị kiểm tra tiến độ thi công các dự án điện gió ở Hướng Hóa
Đầu tư dự án đường tránh phía Đông thị trấn Gio Linh và thành phố Đông Hà
Sau các đợt giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách và Thường trực HĐND tỉnh, các giải pháp được HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện là: Tiếp tục tăng cường giám sát, kiểm tra hậu giám sát về tiến độ triển khai các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư đã được tỉnh giao đất, cho thuê đất; tập trung rà soát các dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; thanh tra, kiểm tra tính hợp pháp của một số dự án có dấu hiệu vi phạm về quản lý, sử dụng đất để kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật; có lộ trình và kiên quyết thu hồi đất, thu hồi giấy phép đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án mà nhà đầu tư không đủ năng lực triển khai, chây ỳ, chiếm đất.
Xử lý dứt điểm tình trạng chồng lấn đất đã cấp cho doanh nghiệp, chủ đầu tư với đất sản xuất của Nhân dân tại các địa phương để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của Nhân dân vùng bị ảnh hưởng bởi dự án, tránh tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài; xây dựng và tổ chức thực hiện phương án tổng thể về tái định cư, bố trí lại đất sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho các hộ dân sau khi nhà nước thu hồi đất để giao cho các nhà đầu tư thuê thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh để người dân ổn định cuộc sống, đảm bảo sinh kế lâu dài cho Nhân dân vùng bị ảnh hưởng, nhất là đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn khi triển khai các dự án năng lượng; chỉ đạo kiểm tra, khắc phục kịp thời các địa điểm thi công công trình, dự án có nguy cơ sạt lở đất trước mùa mưa lũ…
Việc triển khai chủ trương thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất, rừng để giao thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh là phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền. Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai sẽ thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế của địa phương.
Vì vậy, trong quá trình triển khai cần thường xuyên rà soát, thanh tra, kiểm tra tình hình sử dụng đất của các dự án trên địa bàn để có sự đánh giá sát đúng hiệu quả của các dự án sau giao đất, kịp thời xử lý các vướng mắc, khó khăn của các dự án, kiên quyết thu hồi các dự án có dấu hiệu sai phạm, chiếm đất. Có chính sách thích đáng nhằm đảm bảo lợi ích của Nhân dân và doanh nghiệp sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)