Kinh tế biển, động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển

Phương Minh |

Việt Nam là quốc gia có điều kiện tự nhiên đa dạng, đặc biệt là nhiều tài nguyên về kinh tế biển.

Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, sông ngòi, biển, đảo luôn gắn với quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Bước vào thời kỳ đổi mới, nguồn tài nguyên biển được các tỉnh, thành phố quan tâm khai thác, phục vụ công cuộc xây dựng đất nước. Những năm qua, thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị, các tỉnh, thành phố ven biển thuộc các tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đã đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển cho kinh tế biển; nhiều vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển của đất nước.

Trong các tỉnh, thành phố có biển, Quảng Trị là tỉnh có bờ biển dài 75 km với ngư trường rộng hơn 9.000 km2 , có trữ lượng hải sản tương đối lớn. Hiện nay đã hình thành Khu kinh tế Đông Nam để khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng biển. Vùng ven biển của tỉnh còn có điều kiện để phát triển cảng biển, các cơ sở công nghiệp sửa chữa và đóng mới tàu thuyền.

Dọc theo bờ biển còn có nhiều bãi biển đẹp như: Cửa Tùng, Cửa Việt, Gio Hải, Mỹ Thủy và có đảo Cồn Cỏ nằm cách đất liền 18 hải lý đã trở thành các điểm du lịch biển, đảo mới thu hút khách du lịch. Trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng ven biển đã phát triển mạnh nghề nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Trong những năm qua, tỉnh đã khai thác kinh tế biển có hiệu quả, trong đó có phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát triển đồng bộ cả khai thác, nuôi trồng và dịch vụ thủy sản; chú trọng phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ.
Hình ảnh minh họa - Ảnh: ST
Hình ảnh minh họa - Ảnh: ST
Các địa phương ven biển đã từng bước chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân, tập trung chế biến thủy hải sản, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, góp phần đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, từng bước giải quyết việc làm ở địa phương.

Tuy nhiên, cũng như một số tỉnh, thành phố trong khu vực, kinh tế biển ở Quảng Trị vẫn còn nhỏ bé, chưa trở thành ngành kinh tế quan trọng. Khu kinh tế Đông Nam, cảng biển nước sâu Mỹ Thủy đã được tỉnh xác định tiềm năng, lợi thế từ lâu và ra sức kêu gọi, thu hút đầu tư nhưng phần lớn các dự án chỉ mới dừng lại ở cấp chủ trương đầu tư, số doanh nghiệp đầu tư vào khu kinh tế này chưa nhiều; vẫn còn thiếu dự án đầu tư quy mô lớn, có tính động lực.

Ngành du lịch, dịch vụ trong thực tế phát triển chưa đa dạng, chất lượng chưa cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng vùng biển chưa hoàn chỉnh và đồng bộ; tốc độ đô thị hóa và chất lượng đô thị còn thấp. Tỉ lệ người lao động thiếu việc làm, tỉ lệ hộ nghèo còn cao…

Để kinh tế biển trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển toàn diện, các địa phương ven biển cần có chương trình, kế hoạch hành động kịp thời, hiệu quả, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị.

Một vấn đề đặt ra cấp thiết hiện nay, đó là tập trung xây dựng quy hoạch vùng và quy hoạch các địa phương có tầm nhìn tổng thể, dài hạn; bảo đảm gắn kết giữa phát triển khu kinh tế với các khu du lịch và dịch vụ; giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; giữa phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng; phát triển các ngành du lịch và dịch vụ biển.

Sau khi được đầu tư xây dựng, cần phát huy hiệu quả hoạt động của các cảng biển, cảng hàng không. Các nhà hoạch định chính sách cần cập nhật công tác thẩm lượng, thẩm định, phê duyệt trữ lượng đối với các mỏ Báo Vàng, Kèn Bầu để phát triển điện khí.

Tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; đầu tư phát triển hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tập trung cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển…

Với lợi thế có bờ biển dài, ngư trường rộng lớn, các địa phương ven biển cần tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển doanh nghiệp và thu hút nguồn lực nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là các ngành kinh tế biển.

Phát triển công nghiệp ven biển, nhất là năng lượng tái tạo và khai thác các tài nguyên khoáng sản biển; nuôi trồng và khai thác hải sản kết hợp với công nghệ chế biến; phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá.

Phân bổ không gian công nghiệp theo các hành lang kinh tế ven biển gắn với các cảng biển, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối với tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây. Tập trung phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm QP-AN trên biển, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển cân đối, toàn diện, bền vững.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Chính phủ Lào dự kiến mức tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 4,4%

PV |

Trong 9 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế của Lào tăng trưởng 4,2% và kỳ vọng hết năm 2022 sẽ tăng trưởng ở mức 4,4%, thấp hơn một chút so với mục tiêu đề ra ban đầu là 4,5%.

Huyện Đakrông đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể

Kô Kăn Sương |

Thời gian qua, lĩnh vực kinh tế tập thể (KTTT) trên địa bàn huyện Đakrông (Quảng Trị) có bước tiến đáng kể.

Khu kinh tế hiện diện ở hầu khắp Lào

Tổng hợp |

Hiện Lào có 22 đặc khu kinh tế tại 8 tỉnh đã được phê duyệt thành lập với 1.184 công ty đăng ký và đầu tư, đóng góp nghĩa vụ ngân sách đạt hơn 809 tỉ Kíp, giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 3 tỉ USD và tạo việc làm cho 61.482 lao động.

Đề xuất bổ sung 100.000 tỷ đồng cho nền kinh tế ngay trước Tết Nguyên đán

Viên Viên |

HoREA đề nghị xem xét nới trần tín dụng thêm 1%, để có thêm khoảng hơn 100.000 tỷ đồng hỗ trợ cho nền kinh tế trước Tết Quý Mão 2023.