Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đã và đang triển khai xây dựng một số dự án giao thông trọng điểm. Đó là đường tránh TP. Đông Hà, đường ven biển đoạn từ ranh giới tỉnh Quảng Bình đến Nam cầu Cửa Việt, đường kết nối trung tâm TP. Đông Hà với Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, Quốc lộ 15D từ cảng Mỹ Thủy đến Cửa khẩu quốc tế La Lay, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ Ngã Tư Sòng về Cửa Việt.
Ngoài ra, còn có dự án trọng điểm quốc gia là cao tốc Cam Lộ - Túy Loan đã giúp tỉnh Quảng Trị hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối với các vùng trọng điểm kinh tế trong tỉnh.
Phá thế độc đạo
Cuối tháng 12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ tỉnh Quảng Trị 100 tỉ đồng để xây dựng tuyến đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Tây với đường Hồ Chí Minh nhánh Đông. Tuyến đường dài trên 23 km có tổng mức đầu tư 365 tỉ đồng nối xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh với xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa để phá thế độc đạo của đường Hồ Chí Minh nhánh Tây.
Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn qua huyện miền núi Hướng Hóa là tuyến đường độc đạo nối Quốc lộ 9 với các xã vùng biên giới như Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Sơn, Hướng Linh. Vào mùa mưa lũ, tuyến đường này bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng khiến giao thông ách tắc nên việc cứu nạn, cứu hộ gặp nhiều khó khăn.Trong khi đó, phía Tây Bắc tỉnh Quảng Trị có tuyến đường nối từ đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đã được đưa vào quy hoạch phát triển và đã lập dự án đầu tư từ năm 2017. Tuyến đường nối liền này có điểm đầu tại thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh và điểm cuối là xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa có tổng chiều dài là 63,7 km.
Tỉnh Quảng Trị cũng đã đầu tư xây dựng hoàn thành 40,7 km và vẫn còn lại 23 km từ trung tâm xã Vĩnh Ô đến xã Hướng Lập chưa được xây dựng. Do đó, việc Chính phủ hỗ trợ 100 tỉ đồng để xây dựng 23 km đường kết nối từ trung tâm xã Vĩnh Ô đến xã Hướng Lập nhằm phá thế độc đạo của đường Hồ Chí Minh nhánh Tây là rất kịp thời. Sau khi tuyến đường hoàn thành nối liền nhánh Đông với nhánh Tây đường Hồ Chí Minh được xác định là tuyến giao thông huyết mạch, có vai trò chiến lược quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đặc biệt phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ khi bão lũ xảy ra trên địa bàn 5 xã thuộc huyện Hướng Hóa gồm Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Sơn, Hướng Phùng, Hướng Linh và 2 xã Vĩnh Hà, Vĩnh Ô của huyện Vĩnh Linh. Tuyến đường này hoàn thành cũng sẽ kết nối với tuyến đường ven biển từ Nam cầu Cửa Việt đến giáp ranh tỉnh Quảng Bình. Qua đó giúp tỉnh có thêm một tuyến đường kết nối vùng ven biển với miền núi phía Tây, vốn đang thu hút nhiều dự án đầu tư về năng lượng.
Kết nối giao thông liên vùng
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Hữu Hùng cho biết, hiện nay trên địa bàn Quảng Trị đang rầm rộ triển khai hàng loạt dự án về giao thông. Trong đó, phải kể đến dự án đường giao thông ven biển từ xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh (giáp với tỉnh Quảng Bình đi qua các xã ven biển huyện Gio Linh đến gặp điểm cuối về phía Bắc của đường trục dọc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị ở Cửa Việt), rồi đến TP. Đông Hà nối vào Quốc lộ 9 sắp được triển khai. Chiều dài con đường này là 56 km, được xây dựng bằng vốn ngân sách, giai đoạn 2021-2025. Tuyến đường trọng điểm này là cơ sở để hình thành các khu đô thị ven biển theo quy hoạch phát triển của tỉnh Quảng Trị.
Để kết nối với trục đường ven biển, tỉnh Quảng Trị đã tiến hành nâng cấp Quốc lộ 9 đoạn từ Ngã Tư Sòng về Cửa Việt. Bởi Quốc lộ 9 là một trong các trục giao thông huyết mạch từ Đông sang Tây có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh Quảng Trị nói riêng, khu vực Bắc miền Trung nói chung. Đây còn là tuyến giao thông huyết mạch kết nối Việt Nam với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar. Hiện nay trên tuyến đường này có lưu lượng xe vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Cửa Việt ngày càng nhiều.
Một khi nhu cầu giao thông tăng đột biến trong lúc đó điều kiện mặt đường đã bị hư hỏng, rạn, lún cục bộ dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông nên việc nâng cấp là hết sức cần thiết. Dự án có điểm đầu tại cảng Cửa Việt, điểm cuối tại km13+800 với chiều dài tuyến gần 14 km. Dự án có quy mô đường cấp II với 4 làn xe, có dải phân cách giữa 3 m; kinh phí đầu tư dự kiến hơn 440 tỉ đồng, trong đó vốn ODA hơn 387 tỉ đồng, vốn đối ứng 53 tỉ đồng.
Ngoài ra, còn có một dự án được nhiều người quan tâm là đường tránh phía Đông từ Gio Linh đến TP. Đông Hà dài hơn 17 km, rộng 12 m, dự kiến đưa vào sử dụng vào năm 2023 sẽ giảm tải được lưu lượng xe có trọng tải lớn đi vào trung tâm TP. Đông Hà, giảm ùn tắc giao thông và đảm bảo an toàn giao thông ở khu vực đô thị.
Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương chấp thuận triển khai dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo phương thức PPP. Quốc lộ 15D là tuyến đường nối từ cảng biển Mỹ Thủy đến Cửa khẩu quốc tế La Lay dài 92 km được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tuyến Quốc lộ 15D hình thành có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng, đồng thời cũng là điểm kết nối với tuyến đường chiến lược Quốc lộ 15B của Lào và hệ thống đường bộ của Thái Lan, Myanmar, tạo ra một trục hành lang song song với Hành lang kinh tế Đông - Tây, nối liền Việt Nam với các nước trong khu vực ASEAN; đồng thời hình thành tuyến nối Biển Đông và Ấn Độ Dương (khoảng hơn 1.300 km), tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển hàng hóa từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương, cộng hưởng giao thương, phát triển kinh tế - xã hội cũng như hợp tác thương mại, đảm bảo quốc phòng - an ninh, tăng khả năng kết nối trong khu vực.
Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành trung ương để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp một số đoạn, đồng thời tích cực huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư nối thông toàn tuyến.
Đầu tháng 11/2021, Sở Giao thông vận tải và các đơn vị tư vấn đã báo cáo UBND tỉnh Quảng Trị quy hoạch đường tránh phía Tây Quốc lộ 1. Đây là dự án trọng điểm của tỉnh, có ý nghĩa quan trọng và cấp bách nhằm đảm bảo an toàn giao thông và chống ùn tắc tại các đô thị dọc Quốc lộ 1, đặc biệt là đoạn qua TP. Đông Hà. Việc đầu tư xây dựng tuyến tránh nhằm hạn chế các phương tiện có trọng tải lớn đi qua trung tâm thành phố, góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và tăng cường kết nối đồng bộ vào hệ thống giao thông quốc gia đi qua địa bàn tỉnh như đường cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 9, Quốc lộ 15D.
Do đó, đường tránh phía Tây Quốc lộ 1 còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh về phía Tây, khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo dư địa để phát triển hài hòa giữa các vùng miền. Rõ ràng việc xây dựng các tuyến theo trục dọc ven biển, các đường tránh từ 2 phía Đông, Tây xây dựng mới Quốc lộ 15D cũng như nâng cấp Quốc lộ 9 là xâu chuỗi mạch máu giao thông giữa các vùng miền trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, kết nối các trung tâm kinh tế lớn của tỉnh, tạo tiền đề thu hút đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, vùng miền trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Đột phá kinh tế từ giao thông
Khẳng định hạ tầng giao thông luôn đi trước một bước, đặt nền móng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định ưu tiên xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, hoàn thành một số dự án trọng điểm, động lực, có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là các công trình giao thông quan trọng, kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp, Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay với cảng Cửa Việt, cảng Mỹ Thủy và hệ thống giao thông quốc gia. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án Quốc lộ 15D, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ Quốc lộ 1 về cảng Cửa Việt, đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây; đốc thúc, đẩy nhanh quá trình đầu tư để đưa vào khai thác cảng biển Mỹ Thủy; cảng Cửa Việt bờ Bắc và bờ Nam…
Có thể nhận thấy rằng, việc đầu tư xây dựng hoàn thiện tuyến đường ven biển mở ra không gian lớn để phát triển trục đô thị ven biển, phát triển và mở rộng TP. Đông Hà về phía Đông; tăng năng lực vận chuyển, khả năng kết nối bên ngoài nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Trong đó phải kể đến tuyến đường ven biển từ Nam cầu Cửa Việt đến giáp tỉnh Quảng Bình đã góp phần thu hút thêm các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch biển đảo.
Bởi ven tuyến đường này có các bãi tắm nổi tiếng như Cửa Tùng, Cửa Việt, Gio Hải, Vĩnh Thái mà trong những năm gần đây đã thu hút được nhiều du khách và nhà đầu tư, nhất là tam giác du lịch biển Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ. Minh chứng rõ nét nhất là Tập đoàn T&T Group đang triển khai Dự án Khu Dịch vụ - Du lịch Gio Hải tại huyện Gio Linh với quy mô 21ha, tổng vốn đầu tư gần 4.500 tỉ đồng, gồm các hạng mục như khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, resort ven biển.
Hiện nay, trong quá trình triển khai Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Quảng Trị đã rà soát lại quy hoạch, đề xuất quy mô, công năng của Khu bến cảng Mỹ Thủy đáp ứng nhu cầu của các dự án năng lượng, chế biến, sử dụng khí LNG đã và đang triển khai tại khu vực Mỹ Thủy của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị như Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng của Tổ hợp nhà đầu tư: Tập đoàn T&T, Công ty Cổ phần năng lượng Hanwha (HEC), Tổng công ty khí Hàn Quốc (Kogas), Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (Kospa), Nhà máy Nhiệt điện BOT Quảng Trị của Công ty Điện quốc tế Thái Lan(EGATi), Nhà máy chế biến khí của Gazprom International, Liên bang Nga...
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng, ngoài việc huy động các nguồn lực để đầu tư, mở rộng các tuyến giao thông quan trọng, tỉnh Quảng Trị cũng đã đề xuất Bộ Giao thông vận tải đầu tư nâng cấp, kéo dài đê chắn sóng, chắn cát để bảo đảm ổn định luồng ra, vào cảng Cửa Việt cho tàu có trọng tải 5.000 tấn cũng như thúc đẩy các nhà đầu tư triển khai đầu tư các bến phía Nam cảng theo quy hoạch và tiếp tục nâng cấp hai bến cảng Cửa Việt, kéo dài bến số ba của cảng Hợp Thịnh. Triển khai thi công Dự án Cảng du lịch Cửa Việt phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Mặt khác, tỉnh luôn có những cơ chế, chính sách phù hợp, quyết tâm sớm triển khai thực hiện các dự án; đốc thúc nhà đầu tư cam kết thực hiện nghiêm túc, tuân thủ quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, qua đó đồng hành với tỉnh xây dựng những công trình giao thông huyết mạch, tạo động lực phát triển cho tỉnh Quảng Trị.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)