Ngôi trường mơ ước ở vùng Càng

Đức Việt |

Vai trò của những lớp ghép ở các “ốc đảo” vùng Càng đã thật sự kết thúc vào năm học 2020-2021 này khi một ngôi trường mới khang trang được xây dựng nên ngay tại càng An Thơ, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng. Từ ngôi trường mơ ước này, sự học và tương lai của các em học sinh nơi đây - vốn đã trải qua bao nhọc nhằn từ hàng chục năm qua - được kỳ vọng sẽ trở nên tươi sáng hơn…

Giã biệt lớp ghép

Vùng Càng - là những xóm làng nhỏ loi thoi nằm rải rác giữa cánh đồng bao la của huyện Hải Lăng, tuy không quá xa xôi với các trung tâm xã, thị trấn nhưng từ lâu thường được gọi tên là những “ốc đảo” bởi sự phân bố khá biệt lập, đi lại gian nan. Đặc biệt, vào mùa mưa lũ, khi cánh đồng mênh mông ngập nước bạc trắng, trông từ xa những “ốc đảo” này như những chấm xanh nổi lên mặt nước thật hiu quạnh. Những con đường độc đạo nối liền các “ốc đảo” của vùng Càng lúc ấy bị chia cắt, việc đi lại mùa mưa lũ chủ yếu bằng ghe, thuyền. Với đặc thù như vậy nên ngoài khó khăn về cuộc sống sinh hoạt của người dân thì việc dạy và học ở vùng đất này cũng gian truân không kém.

Điểm trường Càng, ngôi trường mơ ước của biết bao thế hệ học trò và người dân vùng Càng, huyện Hải Lăng -Ảnh: Đ.V​
Điểm trường Càng, ngôi trường mơ ước của biết bao thế hệ học trò và người dân vùng Càng, huyện Hải Lăng -Ảnh: Đ.V​

 Được sự quan tâm của Nhà nước, ngành giáo dục đầu tư xây dựng nên năm học này các em học sinh vùng Càng đã được học tại điểm trường Càng (thuộc Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hải Hòa) khang trang, kiên cố. Theo thầy Trương Văn Mẫu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hải Hòa thì việc thầy cô giáo, các em học sinh được dạy và học trong ngôi trường khang trang bắt đầu từ năm học này là một sự kiện hết sức đáng nhớ. Với người dân ở vùng đất biệt lập này thì đó là điều mà họ mong ước hàng chục năm qua. Trong hoàn cảnh đất đai chật hẹp đặc thù của vùng Càng, nhưng trường được bố trí ngay tại một khoảnh đất trung tâm bằng phẳng, thoáng rộng là điều hết sức xúc động và đáng ghi nhận. Điểm trường được xây dựng với quy mô gồm: Một dãy nhà 2 tầng, có 5 phòng học, 1 phòng giáo viên, 1 phòng để trang thiết bị dạy học, nhà vệ sinh và khuôn viên rộng rãi… Thầy Mẫu cho biết: “Điểm trường Càng được xây dựng đã chính thức xóa sổ các lớp ghép tồn tại hơn 20 năm qua ở các càng kể từ năm học này. Theo đó, năm học này 65 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 của các càng: An Thơ, Hưng Nhơn, Hội Điền (xã Hải Phong); Cây Da (thị trấn Diên Sanh); Mỹ Chánh (Hải Chánh)… đã về học tập trung tại ngôi trường này. Với điều kiện trang thiết bị, vật chất dạy học đầy đủ, trường lớp khang trang, thầy cô giáo dạy riêng từng lớp học thì chúng tôi kỳ vọng chất lượng dạy và học nơi đây sẽ được nâng lên so với những năm học trước”.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Tâm nắn nót từng nét chữ cho các em học sinh điểm trường Càng -Ảnh: Đ.V​
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Tâm nắn nót từng nét chữ cho các em học sinh điểm trường Càng -Ảnh: Đ.V​

Trong ngày đầu tiên ngôi trường đi vào hoạt động, chúng tôi đã được gặp gỡ các thầy cô giáo, các em học sinh nơi đây. Trong những lớp học sạch đẹp tinh tươm còn thoảng thơm mùi sơn mới, các em học sinh say sưa nghe thầy cô giảng bài. Giáo viên và học sinh ai cũng tỏ ra phấn khởi, mang trong mình niềm vui khó diễn tả thành lời. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Tâm, người ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh đã 23 năm gắn bó công ở địa bàn huyện Hải Lăng tâm sự: “Tôi vào đây dạy học rồi lấy chồng, gắn bó với nơi đây như là quê hương thứ 2. Trong hàng chục năm công tác, tôi đã dạy học ở rất nhiều điểm lẻ, lớp ghép ở vùng Càng. Khó khăn của cô trò nơi đây khó có thể nói hết, nhất là vào mùa mưa lũ… Nhiều bữa để đến điểm trường phải nhờ phụ huynh chống ghe đưa vào, nhiều hôm dạy xong trở ra không được vì nước dâng quá lớn. Kỷ niệm với các lớp ghép ở đây thì nhiều lắm. Năm học này thì cô trò vui sướng lắm vì đã có ngôi trường mới kiên cố, khang trang. Tôi cùng các thầy cô giáo khác nguyện sẽ cố gắng hơn nữa truyền thụ kiến thức để các em học tập ngày càng tốt hơn”. Ở lớp học bên cạnh, cô giáo Lê Thị Hồng, cũng là giáo viên có thâm niên dạy học ở vùng Càng ngay từ những ngày đầu ra trường, khoảng năm 2004. Lớp học 4C do cô đứng lớp có sĩ số vỏn vẹn chỉ 5 em. Cô Hồng nói đùa rằng “5 em cũng như là đại diện cho học sinh lớp 4 của 5 càng. Tuy lớp chỉ có 5 em nhưng việc học hành cũng rôm rả, sôi nổi lắm”. Em Nguyễn Văn Phương Bắc, học sinh lớp 4C trong ngày học đầu tiên đi học trông chững chạc với quần xanh áo trắng, sách vở mới toanh tỏ ra vô cùng vui vẻ, nói: “Em và các bạn vui lắm vì được học trong trường mới được xây dựng 2 tầng thật thoáng đẹp, sạch sẽ. Không như năm trước, năm nay chúng em đã được học lớp riêng, cô giáo riêng, không phải học ghép chật chội, vất vả nữa. Chúng em sẽ cố gắng học thật chăm chỉ để đạt kết quả tốt”.

“Tiếp sức” nuôi con chữ

Thầy Mẫu cho biết, năm học này Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hải Hòa bố trí 5 giáo viên chuyên trách giảng dạy luôn ở điểm trường Càng. “Việc bố trí cố định như thế này sẽ tạo điều kiện tốt để giáo viên yên tâm cho công tác giảng dạy, nhằm giúp các em học tập tốt hơn. Từ năm học này, việc dạy và học tập trung nên sẽ tạo thuận lợi trong việc đi lại cho cả học sinh, giáo viên”, thầy Mẫu cho biết thêm. Trong số 5 giáo viên dạy ở điểm trường Càng thì có 3 giáo viên người địa phương, 2 giáo viên ở xa hơn. Tuy nhiên, thầy cô giáo nào khi được hỏi cũng đều bày tỏ sự nhiệt huyết của mình đối với giáo dục vùng Càng. Cô giáo trẻ Hồ Thị Thùy Trang là giáo viên mới về nhận công tác tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hải Hòa từ đầu tháng 9 năm nay cũng đã xung phong ra dạy ở điểm trường Càng. Cô Trang giải bày: “Nghe các anh chị đi trước kể nhiều về vùng Càng, nay tôi mới được ra đây trải nghiệm. Thật sự tôi thấy học sinh ở đây dù còn thiệt thòi hơn so với vùng thuận lợi khác nhưng hiền lành, dễ thương và ham học. Tôi sẽ cố gắng hết sức để chắp cánh cho việc học của các em”. Là người địa phương, từ thuở học trò đã gắn bó với những lớp ghép tạm bợ ở càng Hội Điền nên hơn ai hết thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Huynh hiểu rõ nỗi nhọc nhằn của các em học sinh vùng Càng quê mình. Vậy nên sau khi tốt nghiệp Trường CĐSP Quảng Trị, năm 2012 thầy Huynh xin về dạy học ngay tại quê hương mình, dù điều kiện nơi này còn nhiều khó khăn. Thầy Huynh chia sẻ: “Tôi chọn về công tác tại vùng Càng vì ở đây đa phần các em là con em của những gia đình nông dân, các gia đình làm nghề sông nước có cuộc sống còn nhiều vất vả, sự học đôi lúc chưa được quan tâm đúng mức. Đó cũng là lý do mà thầy muốn được gắn bó với vùng Càng để truyền lửa tiếp sức cho các em hăng say học hành, có ý chí vượt khó chinh phục tri thức để có tương lai tươi sáng hơn. Dù đã gắn bó hàng chục năm với công tác dạy học ở vùng Càng như cô Tâm, cô Hồng hay những giáo viên trẻ như thầy Huynh, cô Trang… nhưng trong câu chuyện của mình, những người đưa đò thầm lặng và tâm huyết này luôn bày tỏ mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp trồng người đầy gian khó và vinh quang. Họ kỳ vọng ngày càng có nhiều hơn những em học sinh ở vùng Càng vững vàng vào đời bằng ý chí vượt khó, bằng vốn tri thức được truyền dạy, bằng những con chữ được ươm lên từ vùng đất gian khó này…

Thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Huynh trong giờ đứng lớp -Ảnh: Đ.V​
Thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Huynh trong giờ đứng lớp -Ảnh: Đ.V​

Chia tay chúng tôi, thầy Mẫu chia sẻ thêm rằng, hiện nay điểm trường Càng đang trồng và chăm sóc hàng chục cây xanh bóng mát, hy vọng chỉ một vài năm nữa thôi ngôi trường này sẽ rợp bóng cây xanh. Ngày đầu tiên đến trường của các em học sinh vùng Càng năm nay đã có đồng phục quần xanh áo trắng tươm tất thay cho áo quần lộn xộn như các năm trước ở những lớp ghép. Đang tần ngần chờ đón con trai học lớp 3 trước cổng trường, chị Trần Thị Phượng ở càng Cây Da xúc động bày tỏ: “Chúng tôi cảm thấy vui sướng lắm, các con cũng hân hoan vui vẻ. Có lớp, có trường mới, có thầy cô giáo nhiệt huyết dạy dỗ thì mong rằng con em của vùng Càng sẽ được học hành tốt hơn, học lên cao hơn và có tương lai tốt đẹp hơn”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Vĩnh Thủy - lũy thép lũy hoa trong thời kỳ mới

Vĩnh Nhiên |

Sau ngày đất nước thống nhất, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh là địa phương cấp xã duy nhất của tỉnh Quảng Trị vinh dự được Chủ tịch Nước tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. 44 năm liên tục kể từ năm 1976 Đảng bộ xã Vĩnh Thủy đạt danh hiệu đảng bộ trong sạch vững mạnh. Những năm tháng chiến tranh ác liệt Vĩnh Thủy là lũy thép, trong hòa bình Vĩnh Thủy là lá cờ đầu trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng quê hương.

Khô hạn nặng xảy ra nhiều nơi ở Vĩnh Linh

Tú Linh |

Khô hạn nặng đang diễn ra mấy tháng nay tại các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) gây thiệt hại lớn. Người dân đang thiếu nước sinh hoạt; gia súc, gia cầm cũng thiếu nước uống; nhiều diện tích cây trồng lâu năm bị khô héo và chết.

Sắm ô tô nhờ nuôi bò

Công Điền |

Trong khi nhiều nông dân vùng gò đồi phía Tây loay hoay với bài toán thoát nghèo, người dân ở xã Cam Tuyền đã tìm được lời giải bằng mô hình nuôi bò thâm canh.

Khởi nghiệp với mô hình bột rau củ sấy lạnh

Kim Huệ - Bru Xinh |

Với niềm đam mê cùng sự tìm tòi, sáng tạo, từ các loại rau củ tươi như cà rốt, chùm ngây, tía tô, bí đỏ… Chị Lê Thị Hồng Nguyên ở thôn Cu Ty, xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã chế biến thành các loại bột nhờ công nghệ sấy lạnh.