Người dân thôn Tùng Luật nỗ lực thoát nghèo

Trúc Phương |

Thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) vốn là một trong những địa phương đông dân và có số hộ nghèo cao nhất trong xã. Những năm qua, nhờ đổi mới trong tư duy và nỗ lực, chịu khó làm ăn, nhiều gia đình đã thoát nghèo thành công, từ đó góp phần làm giảm nhanh tỉ lệ hộ nghèo của địa phương. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng đối với công tác giảm nghèo của thôn Tùng Luật nói riêng và xã Vĩnh Giang nói chung.

Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Tùng Luật Dương Thị Loan cho biết: “Thôn Tùng Luật vốn là địa phương đông dân cư nhất trong xã với 355 hộ, 1.235 nhân khẩu. Trước đây, người dân chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt hải sản và buôn bán nhỏ lẻ nên đời sống tương đối khó khăn. Trong những năm trở lại đây, nhờ nỗ lực vượt bậc, nhiều hộ dân đã thoát nghèo thành công, làm giảm tỉ lệ hộ nghèo trong thôn từ trên 14% vào năm 2015 xuống còn 2,25% vào cuối năm 2019”.

Các mô hình nuôi cá giúp người dân thôn Tùng Luật phát triển kinh tế - Ảnh: T.P​
Các mô hình nuôi cá giúp người dân thôn Tùng Luật phát triển kinh tế - Ảnh: T.P​

Gia đình chị Bùi Thị Hồng Vân (sinh năm 1977), hiện sống tại Đường 2, thôn Tùng Luật trước đây là hộ nghèo trong thôn. Chị không có việc làm ổn định, lại là mẹ đơn thân nuôi con nhỏ nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ của người thân và chính quyền địa phương, chị Vân được đào tạo nghề may, sau đó được nhận vào làm việc tại một xưởng may nằm trên địa bàn thôn Tùng Luật. Công việc này mang lại cho chị thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/tháng. Ngoài giờ làm việc, chị còn buôn bán cây cảnh để có thêm đồng ra đồng vào, nuôi các con ăn học. Tuy cuộc sống hiện vẫn còn nhiều vất vả nhưng chị được xem là một trong những tấm gương về tinh thần vượt khó vươn lên, thoát nghèo thành công. Hay như gia đình anh Lê Hữu Thông (sinh năm 1976) cũng là điển hình về thoát nghèo thành công của thôn Tùng Luật. Cuộc sống gia đình anh Thông vốn khó khăn, bởi vợ chồng anh không có việc làm ổn định, nuôi ba người con đều đang tuổi đến trường, anh lại bị mắc bệnh tim. Mọi chi phí trang trải trong gia đình đều phụ thuộc vào những đồng lãi ít ỏi từ việc buôn bán nhỏ lẻ ở chợ của người vợ. Những năm trở lại đây, đời sống người dân trong thôn được nâng cao, nhu cầu về dịch vụ giải trí cũng ngày càng nhiều. Nhờ khoản tiền vay được từ Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Thông mua sắm một dàn karaoke lưu động và cho thuê. Công việc này đã mang lại cho anh khoản thu nhập khá, giúp cuộc sống gia đình anh dần ổn định, không phải chạy vạy lo từng bữa ăn.

Trước đây, thôn Tùng Luật là địa phương có số dân đông với tỉ lệ hộ nghèo tương đối cao. Để giúp người dân có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, xóa nghèo bền vững, những năm trở lại đây, huyện Vĩnh Linh nói chung và xã Vĩnh Giang nói riêng đã tổ chức hàng chục lớp đào tạo kỹ thuật, nâng cao tay nghề trong sản xuất, chăn nuôi cho lao động tại địa phương như mở lớp học nghề nấu ăn cho chị em phụ nữ, lớp nuôi cá lóc, cá vẹm, giun đất, sửa chữa điện lạnh, may mặc… Từ các lớp học này, nhiều ngành nghề được mở ra và mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi cá của anh Phan Văn Sỹ. Vốn là một hộ cận nghèo, sau khi được tập huấn và tham quan các mô hình nuôi cá lồng trên sông tại thị trấn Cửa Việt, anh Sỹ đã đầu tư giống, thức ăn để nuôi cá. Bằng các kỹ thuật được tập huấn và kiến thức học được qua việc tham khảo một số mô hình trên địa bàn tỉnh, mô hình cá lồng của anh phát triển nhanh, đời sống gia đình từ đó được cải thiện và dần thoát nghèo. Hay như tổ nấu tiệc đám cưới của Hội Phụ nữ thôn Tùng Luật với sự tham gia của hơn 20 chị em phụ nữ hoạt động hiệu quả, mang lại thu nhập khá cho mỗi thành viên trong tổ. Bên cạnh các mô hình phát triển kinh tế, công tác xuất khẩu lao động cũng được chính quyền và người dân địa phương tích cực đẩy mạnh. Những năm qua, xã Vĩnh Giang đã tạo điều kiện cho người dân khó khăn thôn Tùng Luật tiếp cận với nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư sản xuất, kinh doanh và tham gia xuất khẩu lao động. Đến cuối năm 2019, tỉ lệ hộ nghèo toàn thôn Tùng Luật chỉ còn 2,25% với mức thu nhập bình quân 43 triệu đồng/người/năm. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng trong công tác xóa đói giảm nghèo và phong trào xây dựng nông thôn mới của thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Giang Phan Thị Liên cho biết: “Để đạt được thành tích trong công tác giảm nghèo như hiện nay là nhờ sự nỗ lực của người dân và sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương. Với những lợi thế của Tùng Luật là làng văn hóa điển hình, thời gian tới, bên cạnh mục tiêu hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại thôn Tùng Luật vào cuối năm 2020, chúng tôi định hướng xây dựng nơi đây trở thành làng du lịch cộng đồng. Khách du lịch khi đến đây có thể thưởng thức hò chèo cạn làng Tùng, đua thuyền truyền thống,… và người dân cũng có thể phát triển kinh tế bằng việc mở rộng các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ phục vụ du lịch.”

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Khánh thành nhà xưởng sản xuất cho Hội Người mù huyện Vĩnh Linh

Nguyên Đồng |

Ngày 23/6/2020, Hội Người mù huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) tổ chức khánh thành công trình nhà xưởng sản xuất do Dự án RENEW tài trợ.

Cây hồ tiêu của huyện Vĩnh Linh giảm cả về sản lượng và giá thành

Nguyên Đồng |

Từ năm 2018 đến nay, năng suất, sản lượng của cây hồ tiêu cũng như giá thành tiêu hạt giảm so với các năm trước. Năm 2020, sản lượng cây hồ tiêu của huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đạt trên 1.400 tấn, giảm 1,3% so với năm 2019.

Trao quà cho ngư dân có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Vĩnh Linh

Mai Linh - Hoàng Hùng |

Ngày 21/5, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, Hải đội 202 phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh uỷ tổ chức thăm, tặng quà cho ngư dân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị).

Làng Tùng Luật - ký ức và ước vọng

Thùy Liên |

Dọc theo tả ngạn sông Minh Lương (nay là Hiền Lương) xuôi về Cửa Tùng (Vĩnh Linh, Quảng Trị) có một ngôi làng trù phú ven sông, ấy là làng Tùng Luật.