Chiều mùa hè, đi giữa cánh đồng dưa hấu trải dài của thôn Lễ Môn, xã Phong Bình, huyện Gio Linh (Quảng Trị), chúng tôi quên đi cái nắng chói chang, bỏng rát, mà thay vào đó là sự mát lành của đất, sự ngọt lịm của dưa vào độ được mùa.
Tôi ghé lại ruộng dưa của anh Nguyễn Khắc Biên, người đi đầu trong cách nghĩ, cách làm và vận động dân làng cùng chuyển đổi mô hình trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dưa hấu, đã đưa sản phẩm dưa hấu thôn Lễ Môn trở thành thương hiệu đến với nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Là người trồng dưa hấu lâu năm ở vùng đồi của thôn Lễ Môn có thu nhập ổn định, anh Biên luôn tâm đắc câu tục ngữ của người xưa để lại “Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa”, vì vậy với diện tích 0,2 ha đất trồng lúa thiếu nước của gia đình anh chuyển đổi trồng xen dưa vụ hè thu mang lại hiệu quả. Trong khi đó, đất đồng cao của người dân trong làng duy trì trồng lúa 2 vụ, nhất là vụ hè thu cho năng suất thấp. Nghĩ là làm, anh đi khảo sát một số thửa ruộng trong làng thiếu nguồn nước tưới, chủ động tìm đến một số hộ dân đi làm ăn xa cho thuê lại ruộng lâu dài, anh mạnh dạn thuê với diện tích 0,5 ha. Năm 2018, ban đầu sợ rủi ro trong sản xuất nên anh trồng thử 0,3 ha ruộng dưa hấu vụ hè thu, vận động thêm 9 hộ trong thôn có diện tích liền kề cùng làm.
Qua thu hoạch vụ dưa hấu năm 2018, với giống dưa Trang Nông 755 sinh trưởng nhanh, quả thon dài, dáng đẹp, nhiều nước, ngọt lịm, vỏ cứng dễ vận chuyển đi xa, có độ nhiễm sâu bệnh thấp hơn so với các loại giống dưa khác, thích hợp với điều kiện đất đồng cao; chi phí đầu tư thấp; thời gian sinh trưởng của cây dưa từ 55- 60 ngày, trừ các khoản chi phí, anh Biên thu được 50 triệu đồng. Năm 2019, ngoài sản xuất lúa, cao su, dưa hấu hết diện tích đất 3,2 ha của gia đình, anh đầu tư trồng dưa hết diện tích 0,5 ha ruộng thuê; cùng với đó truyền đạt kinh nghiệm cho 9 hộ nông dân trong thôn chuyển đổi đất trồng lúa vụ hè thu ở các chân ruộng thiếu nước sang trồng dưa hấu với diện tích 15 ha.
Được sự quan tâm của Hội Nông dân tỉnh, mô hình trồng dưa hấu của anh Biên và 9 hộ còn lại được hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt và tiếp nhận nguồn vốn 330 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân. Với quyết tâm cao và hỗ trợ nhau trong sản xuất nên bước đầu 10 hộ này đã thu hoạch thắng lợi vụ dưa hấu hè thu năm 2020. Với diện tích 0,5 ha, gia đình anh Biên thu 10 tấn dưa hấu, nhập cho thương lái tại chỗ, với giá 6.000 đồng/kg, thu về 60 triệu đồng. Trong khi đó, thời gian trồng và cho thu hoạch của lúa vụ hè thu kéo dài từ 105 - 110 ngày; thu nhập 12 triệu đồng trên đơn vị diện tích.
Khi được hỏi về cách làm ăn và trách nhiệm đối với hội viên, nông dân trong phát triển kinh tế của anh Nguyễn Khắc Biên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Bình Trần Chiến cho biết: “Ngoài 10 hộ hội viên nông dân của thôn Lễ Môn được Tỉnh hội chọn làm mô hình điểm thì vụ hè thu năm 2020, có gần 100 hộ nông dân trong thôn chuyển đổi đất lúa sang trồng dưa hấu hiệu quả, nâng tổng diện tích trồng dưa lên 30 ha, ước thu từ 3 - 3,5 tỉ đồng. Với kết quả này, phải kể đến công lao đóng góp rất lớn của anh Biên. Anh đã mạnh dạn đi đầu trong chuyển đổi đất trồng lúa thiếu nguồn nước tưới sang trồng dưa hiệu quả, thu nhập kinh tế gia đình cao, đồng thời anh còn đi vận động, trực tiếp truyền đạt kinh nghiệm cho người dân trong vùng thử nghiệm mô hình trồng trọt mới cho năng suất cao, góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người lao động trên địa bàn. Trong các năm tới, Hội Nông dân xã Phong Bình tiếp tục tham mưu Đảng ủy, UBND xã vận động hội viên, nông dân nhân rộng mô hình hiệu quả này; đồng thời đề nghị cấp trên quan tâm tìm đầu ra cho dưa hấu để người dân yên tâm sản xuất”.
Với đức tính cần cù, chịu khó, cùng với lòng quyết tâm, anh Nguyễn Khắc Biên đã làm thay đổi cách thức sản xuất, mang lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế; tạo sự gắn kết trong cộng đồng, góp phần cùng dân làng đưa đặc sản dưa hấu truyền thống chinh phục những thị trường khó tính.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)