Quảng Trị vốn có giống cây bơ sáp tại các vùng đồng bằng Gio Linh, Vĩnh Linh (Quảng Trị) nổi tiếng về độ dẻo, ngon, tuy nhiên chất lượng chưa đồng đều, năng suất còn thấp và chưa có thương hiệu riêng.
Xác định việc tuyển chọn và lai tạo giống bơ tốt là yếu tố quyết định đến năng suất, chất lượng của sản phẩm, Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ trì phối hợp với ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật tiến hành nghiên cứu để từng bước tạo ra thương hiệu “Bơ sáp Quảng Trị”. Hiện nay, kết quả bước đầu đã tiến triển rất tốt khi đã hoàn thành được vườn cây gốc ghép đạt chuẩn.
Thực hiện đề tài khoa học “Çhọn cây giống làm vật liệu đầu dòng và xây dựng mô hình vườn ươm giống bơ sáp địa phương có triển vọng tại huyện Gio Linh’’ do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, từ mùa bơ năm trước, cán bộ của Trạm TT&BVTV Gio Linh đã đến từng nhà dân của hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh tìm chọn được 3.000 hạt giống bơ sáp từ những cây bơ mạnh khỏe, không sâu bệnh về ươm 3.000 cây làm vườn bơ gốc ghép. Đồng thời, lựa chọn được 5 cây bơ đầu dòng tốt nhất làm giống ghép. Hơn 200 gốc cây đầu tiên được ghép đã cho kết quả sinh trưởng rất tốt. Chị Võ Thị Tuyết Trinh, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Gio Linh cho biết: ‘’Tiêu chí để lựa chọn cây bơ đầu dòng đó là çây từ 10 năm tuổi trở lên, phải là cây thực sinh đã sinh sống lâu năm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, tập trung ở hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, quả ăn phải ngon, trọng lượng từ 3 lạng trở lên, năng suất mỗi năm của cây từ 1 tạ đến 1 tạ rưỡi,….’’
Çhị Trinh cũng cho biết: Hiện nay, tổng diện tích cây bơ đang cho thu hoạch của huyện Gio Linh hiện có gần 100 ha, quả bơ cho chất lượng cao, nhưng năng suất thấp, chưa có thương hiệu. Muốn nâng cao năng suất, sản lượng và thương hiệu của diện tích cây bơ đang có sẵn trên các vườn thì cần phải thực hiện việc ghép cải tạo giống. Bên cạnh đó, cây bơ Quảng Trị lại cho thu hoạch trái mùa với bơ Tây Nguyên nên vẫn đảm bảo được thị trường tiêu thụ. Vì thế Sở Khoa học và Công nghệ cùng Trạm TT&BVTV Gio Linh quyết tâm chọn được giống bơ sáp dẻo để có lối đi riêng, mang lại lợi thế cạnh tranh thương mại.
Ông Tạ Sáu, Trưởng Phòng Quản lý khoa học – Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị cho biết thêm: “Sau khi có vườn cây 3000 gốc đạt chuẩn, lựa chọn 5 cây bơ đầu dòng loại tốt nhất, trong thời gian tới Sở KHCN sẽ chỉ đạo cho ghép để tạo thành vườn ươm giống bơ tại chỗ của tỉnh Quảng Trị để cung cấp giống bơ chất lượng cao, sạch bệnh cho bà con nông dân nhân rộng trong thời gian đến. Đồng thời tiến tới thay thế dần các diện tích cây cao su, hồ tiêu đang xuống giá hoặc cho năng suất thấp”.
Từ kết quả bước đầu này, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục đánh giá và triển khai nhân rộng mô hình vườn ươm cho một số hộ dân và doanh nghiệp, mở ra triển vọng chủ động giống bơ tốt để từng bước xây dựng thương hiệu “Bơ sáp Quảng Trị” trong những năm sắp đến.
(Nguồn: QRTV)