Nhân rộng mô hình nuôi thỏ thương phẩm ở Hướng Hóa

Ngọc Trang |

Hướng Hoá (Quảng Trị) là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển chăn nuôi. Khai thác lợi thế đó, ngoài xây dựng các mô hình nuôi lợn rừng, nuôi chồn hương, dê… thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở địa phương này còn phát triển mô hình nuôi thỏ thương phẩm. Đây là hướng đi mới giúp nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng cho người dân.

Nắm bắt nhu cầu thực tế của khách hàng, sau khi tìm hiểu thông tin, học hỏi kỹ thuật nuôi thỏ, vợ chồng chị Đào Thị Diệu ở khóm Tây Chín, thị trấn Lao Bảo cải tạo mảnh đất vườn sản xuất kém hiệu quả của gia đình để xây dựng chuồng trại chăn nuôi thỏ New Zealand.

Những ngày đầu thử nghiệm nuôi thỏ, do chưa có nhiều kinh nghiệm, nguồn vốn hạn chế nên gia đình chị gặp không ít khó khăn. Nhờ sự kiên trì, chịu khó, quyết tâm, vợ chồng chị Diệu đã dần nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, phát triển đàn thỏ hiệu quả.

Chị Diệu chia sẻ: “Để thỏ sinh trưởng tốt, gia đình tôi chú trọng phòng bệnh, tăng cường vitamin để tăng sức đề kháng cho vật nuôi, tiêm vắc xin cho thỏ mẹ 6 tháng/lần, thỏ con từ 1,5 tháng tuổi tiêm 1 lần cho tới khi xuất bán; luôn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông; thường xuyên quan sát, kiểm tra đàn thỏ hằng ngày. Nếu thấy thỏ có biểu hiện bị bệnh, kém ăn, mệt mỏi, phải tách đàn để chăm sóc riêng...

Thức ăn của thỏ chủ yếu là phụ phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương. Nuôi thỏ đầu tư ít, thu hồi vốn nhanh, rất hợp với quy mô chăn nuôi nông hộ”.

Sau 5 năm đầu tư mô hình nuôi thỏ thương phẩm, hiện trong chuồng nhà chị Diệu có trên 500 con thỏ mẹ và thỏ con.

Với đặc điểm sinh sản nhanh, một năm thỏ mẹ sinh sản từ 6 -7 lứa, mỗi lứa 6 - 10 con, sau khoảng 3 - 4 tháng nuôi, thỏ đạt trọng lượng từ 2 - 4 kg/con thì xuất bán, giá bán 90.000 - 110.000 đồng/kg thỏ thịt.

Mô hình nuôi thỏ thương phẩm của gia đình chị Diệu bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao - Ảnh: N.T
Mô hình nuôi thỏ thương phẩm của gia đình chị Diệu bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao - Ảnh: N.T
Ngoài nuôi thỏ thương phẩm, vợ chồng chị Diệu còn bán thỏ giống với giá 120 - 150.000 đồng/con. Hiện tại, gia đình chị đang có gần 200 m2 chuồng trại, được đầu tư xây dựng khép kín, gồm hệ thống chuồng nuôi nhốt, máng ăn uống tự động, hệ thống nước, quạt mát...

Mô hình của gia đình chị có đầu ra thuận lợi. Sau khi trừ mọi chi phí, mang lại lợi nhuận cho gia đình chị từ 150 - 200 triệu đồng/năm. Chị Diệu cho biết, trong thời gian tới, chị tiếp tục mở rộng quy mô để phát triển nuôi thỏ với số lượng lớn hơn.

Dù sức khỏe bị giảm sút do nhiễm chất độc da cam nhưng ông Phạm Văn Yên ở Khối 3B, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa vẫn không ngừng nỗ lực khắc phục khó khăn, tìm hướng đi phù hợp để phát triển kinh tế gia đình.

Nhờ cần cù, chịu khó cùng với sự năng động trong sản xuất, ông chủ động tìm hiểu kỹ thuật nuôi thỏ qua internet, sách báo, tham quan các mô hình nuôi thỏ ngoài địa bàn và quyết định đầu tư mô hình nuôi thỏ.

Với lợi thế vườn nhà rộng, ông trồng thêm một số loại cây, cỏ để chủ động nguồn thức ăn tự nhiên cho vật nuôi. Ông Yên cho biết thêm: “Thỏ có bộ lông dày, lại không có tuyến mồ hôi nên khả năng chịu nhiệt độ cao là rất thấp, nhiệt độ thích hợp cho sự sinh trưởng của thỏ là 25o C, độ ẩm từ 60 - 80%.

Trong khi đó, mùa hè ở Khe Sanh khá nóng, trung bình từ 30 - 35o C nên ảnh hưởng rất lớn đến sức đề kháng của thỏ. Bởi vậy, tôi lợp mái cao cho chuồng nuôi và dùng lưới mành phủ kín xung quanh để ánh nắng không chiếu trực tiếp vào tường giúp giảm được từ 2 - 4o C so với nhiệt độ ngoài trời. Bên trong chuồng, tôi lắp thêm nhiều quạt trần, hệ thống nước phun sương tạo không khí mát mẻ, dễ chịu cho đàn thỏ”.

Nhờ vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đảm bảo đủ dinh dưỡng từ thức ăn tinh và thô, dùng van nước tự động cho thỏ uống nên đàn thỏ của ông Yên sinh trưởng tốt, số lượng thỏ nuôi ngày một tăng. Đến nay, mô hình nuôi thỏ của ông Yên có hơn 300 con. Mỗi tháng, ông xuất bán cho các thương lái, nhà hàng trong và ngoài huyện từ 2 - 2,5 tạ thỏ thịt với giá từ 90.000 - 100.000 đồng/kg. Tính ra mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông Yên thu lãi gần 100 triệu đồng.

Hiện nay, huyện Hướng Hóa có gần 10 mô hình nuôi thỏ quy mô vừa và lớn, với số lượng hơn 3.000 con, tập trung chủ yếu ở thị trấn Khe Sanh, thị trấn Lao Bảo, xã Hướng Tân và xã Tân Lập.

Sau thời gian chuyển đổi chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các mô hình nuôi thỏ phát huy hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân trên địa bàn huyện.

Trong đó, mô hình nuôi thỏ của gia đình chị Diệu, ông Yên là những mô hình nuôi thỏ quy mô lớn ở huyện Hướng Hóa, được Hội Nông dân thị trấn Lao Bảo và Hội Nông dân thị trấn Khe Sanh xem là mô hình điểm, sẽ tổ chức cho các hội viên nông dân đến tham quan, học tập kinh nghiệm, qua đó, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân vươn lên làm giàu chính đáng.

Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Lao Bảo Nguyễn Thị Thanh Ngọc cho biết: “Mô hình nuôi thỏ của gia đình chị Diệu là một mô hình kinh tế đem lại hiệu quả khá cao và đầy triển vọng.

Thời gian tới, hội sẽ tham mưu với các cấp mở các lớp tập huấn phổ biến kiến thức, kỹ thuật cho nông dân. Đồng thời, tìm kiếm, hỗ trợ các nguồn vốn vay ưu đãi để cho các hộ nông dân có điều kiện phát triển kinh tế”.

Hiện nhiều nông dân ở địa phương đã chủ động đổi mới cách thức làm ăn phù hợp, hiệu quả, trong đó có mô hình nuôi thỏ thương phẩm nên huyện Hướng Hóa khuyến khích nông dân khi chăn nuôi phát triển mạnh cần hình thành tổ hợp tác để cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, đặc biệt là cùng liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp có uy tín để có thị trường tiêu thụ ổn định, góp phần xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả và bền vững.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Bàn giao gần 1,3 tỉ đồng vốn vay Dự án chăn nuôi bò cho người khuyết tật ở huyện Cam Lộ

Anh Vũ |

Ngày 27/10, Hội Nông dân huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị phối hợp với Tổ chức Chia sẻ Dân sự toàn cầu (GCS), Quỹ Hạnh phúc KRX (Hàn Quốc) tổ chức lễ bàn giao vốn vay Dự án chăn nuôi bò cho các hộ gia đình người khuyết tật tại huyện Cam Lộ.

Cam Lộ: 14 trang trại liên kết với doanh nghiệp phát triển chăn nuôi

Anh Vũ |

Với lợi thế về đất đai vùng gò đồi, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế trang trại, thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã mạnh dạn đầu tư vốn, liên kết với doanh nghiệp để xây dựng trang trại chăn nuôi có quy mô lớn mang lại hiệu quả cao.

Hướng Hóa: Gần 5 tỉ đồng xây dựng 4 mô hình trồng trọt, chăn nuôi ở 10 xã

Nguyễn Đình Phục |

Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 vừa có văn bản gửi UBND huyện và Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) việc thống nhất triển khai thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi trong năm 2022.

Mỗi năm thu lãi trên 500 triệu đồng từ nuôi thỏ

Minh Long |

Bằng sự cần cù, sáng tạo của tuổi trẻ, anh Võ Phi Hùng ở thôn Dương Đại Thuận, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã tìm hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế gia đình. Tận dụng tiềm năng, lợi thế ở địa phương, anh đã xây dựng thành công mô hình nuôi thỏ thương phẩm và thỏ sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế cao.