Cách đây vài năm, ngư dân vùng biển bãi ngang vẫn còn nhọc nhằn dùng sức lực để đưa chiếc thuyền nan nặng vài tấn xuống biển hoặc lên bờ trong những chuyến vươn khơi, bám biển. Nay nỗi ám ảnh ấy không còn khi ngư dân vùng biển bãi ngang đã áp dụng các cải tiến như dùng máy tời kéo thuyền, xe đẩy thuyền, thuyền làm bằng vật liệu composite để thay thế thuyền nan truyền thống, từng bước giảm sức lao động trong hoạt động khai thác thủy, hải sản của ngư dân.
Trong ký ức của ngư dân Trần Bốn (52 tuổi) ở Thôn 6, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), bao đời nay do đặc thù vùng biển bãi ngang không có cửa lạch để neo đậu tàu, thuyền, nên mỗi lần ra khơi, vào lộng, ngư dân rất vất vả khi phải vần chiếc thuyền (xoay chiếc thuyền) cùng ngư lưới cụ nặng vài tấn từ dưới biển lên bờ và ngược lại.
“Cực nhất là khi có bão hay áp thấp nhiệt đới, cả chục ngư dân tráng kiện phải vật lộn mấy tiếng đồng hồ trên bờ cát để vần đi, vần lại nhiều lần mới đưa được chiếc thuyền lên gò cao”, ông Bốn cho biết.
Cách đây 2 năm, chuyện ngư dân phải nhọc nhằn “vần thuyền” ở vùng biển bãi ngang đã chấm dứt. Khoảng năm 2021, một số ngư dân ở Thôn 6 có dịp lên thăm người thân ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk… thấy người dân ở đây dùng chiếc máy tời dùng để kéo gỗ trong rừng. Khi về, ngư dân đã mua chiếc máy tời về cải tiến để “thử nghiệm” kéo thuyền khi cập bờ.
Đang vận hành máy tời để kéo thuyền của gia đình từ biển lên bờ, ngư dân Trần Hữu (45 tuổi) ở Thôn 6 cho biết, sau khi được cải tiến một số bộ phận như tang cuốn cáp, hộp giảm tốc… để gia tăng sức kéo, chiếc máy tời đã phát huy hiệu quả khi ngư dân sử dụng vào việc kéo thuyền từ biển lên bờ.
Máy tời kéo thuyền ở vùng biển bãi ngang thường được lắp ráp bằng các loại máy nổ diesel D10, D15, tang cuốn cáp, hộp giảm tốc, dây cáp loại lớn có chiều dài từ 40 - 100 m. Máy tời kéo thuyền được ngư dân đặt ở trên gò cao và cố định chắc chắn bằng sợi dây cáp buộc chặt vào gốc cây dương. Khi thuyền từ biển cập bờ, chỉ cần một người lên nổ máy tời rồi kéo dây cáp buộc vào thuyền là chiếc thuyền nặng cả tấn được kéo nhẹ nhàng lên bờ.
Từ chiếc máy tời kéo thuyền “thử nghiệm”, đến nay Thôn 6 có khoảng 10 máy tời kéo thuyền. Cứ 3 - 4 gia đình trong thôn đầu tư 7 - 10 triệu đồng để mua máy tời kéo thuyền về dùng chung. Máy tời kéo thuyền cũng có thể sử dụng máy nổ diesel D10, D15 cũ trang bị trên thuyền có công suất 10 - 15 CV, sau khi sửa chữa, độ chế thêm một số thiết bị để lắp ráp thành máy tời nhằm giảm chi phí đầu tư mua máy mới.
Bây giờ, sau chuyến lênh đênh trên biển trở về, thay vì phải nhọc nhằn vần thuyền lên bờ, ngư dân chỉ cần thao tác nổ máy tời, kéo dây cáp buộc vào thuyền là chiếc thuyền “chạy” băng băng lên đúng vị trí mong muốn ở trên bờ. Và mỗi khi có bão hay áp thấp nhiệt đới, ngư dân Thôn 6 chỉ cần dùng máy tời kéo thuyền lên những gò cao để tránh thiệt hại về tài sản.
“Cách đây chưa lâu, tôi có chuyến ra vùng biển bãi ngang huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh chơi và tận mắt chứng kiến nhiều ngư dân ở đây dùng máy cày đa năng cũ để cải tiến thành chiếc máy kéo thuyền từ biển lên bờ và ngược lại. Chiếc máy kéo thuyền vừa phục vụ kéo thuyền của gia đình, vừa dùng để kinh doanh dịch vụ.
Máy cày đa năng dùng trong sản xuất nông nghiệp sẽ được ngư dân mua về, sau đó thiết kế thêm khung sắt và máy tời, hệ thống bánh xích chạy trên cát để kéo xe đẩy thuyền xuống biển và ngược lại. Loại máy kéo thuyền này cũng rất hiệu quả mà ngư dân vùng biển bãi ngang ở tỉnh Quảng Trị tham khảo, đặt mua để sử dụng”.
Ngư dân Trần Minh Phí (59 tuổi) ở Thôn 6 góp chuyện, trong cuộc “cách mạng” giảm bớt sức lao động cho ngư dân vùng biển bãi ngang không thể không nói đến chiếc xe đẩy thuyền do cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp (NN&PTNT) tỉnh nghiên cứu, thiết kế và đưa vào sử dụng gần 8 năm nay (từ năm 2015 đến nay).
Năm 2015, cán bộ Sở NN&PTNT tỉnh sau khi tham khảo mẫu xe đẩy thuyền của ngư dân vùng biển bãi ngang xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, nhận thấy mẫu xe này chưa phù hợp với vùng bãi ngang của tỉnh Quảng Trị, nên đã tìm phương án hạ trục xe, loại bỏ càng xe và cải tiến sàn xe từ cơ cấu cứng sang cơ cấu mềm.
Ưu điểm của chiếc xe đẩy thuyền sau khi được cải tiến đó là trục bánh xe được hạ thấp nên ngư dân có thể dễ dàng đưa xe vào sâu dưới đáy thuyền, cho phép đưa thuyền lên xe ngay trên bờ; trục xe cũng được cải tiến bằng sắt đường ray tàu hỏa nên chịu lực tốt hơn; sàn đỡ thuyền làm bằng gỗ, nằm gá trên trục xe qua một khớp động dạng bập bênh, nhờ khớp động này sàn có thể dễ dàng quay quanh trục.
Vì vậy, khi nâng thuyền lên, phản lực của sàn xe lên vỏ thuyền được phân bố đều làm giảm việc rạn vỏ thuyền nên tuổi thọ của vỏ thuyền không bị ảnh hưởng khi sử dụng xe đẩy thuyền… “Chính từ những cải tiến chiếc xe đẩy thuyền phù hợp, hữu ích này mà đến tận bây giờ ngư dân vùng biển bãi ngang từ xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh) cho đến xã Hải Khê (huyện Hải Lăng) đã trang bị hàng trăm chiếc để không còn phải nhọc nhằn, vất vả vần thuyền sau mỗi chuyến biển”, ông Phí cho biết.
Còn nhớ, cách đây chưa lâu tôi về làng biển Thái Lai, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh. Lúc bấy giờ, không khí ở làng biển này khẩn trương, nhộn nhịp vì cánh thợ đang trong giai đoạn hoàn thành nhiều công đoạn để cho ra đời hàng chục chiếc thuyền composite kịp bàn giao cho bà con ngư dân ra biển đánh bắt thủy, hải sản khi “trời yên, biển lặng” ở cơ sở đóng thuyền composite của anh Nguyễn Duy Thủ.
“Năm 2014, tôi vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để làm nghề “đi bạn” trên các tàu đánh bắt xa bờ. Chính những ngày “đi bạn” ấy, “duyên nghiệp” với nghề đóng thuyền lại đến với tôi thêm lần nữa. Trong một lần nghỉ biển, tôi lang thang vào các làng chài để chơi rồi thấy bà con sử dụng thuyền bằng vật liệu composite để đánh bắt gần bờ. “Máu nghề nghiệp” nổi lên, tôi liền dò hỏi rồi tìm đến cơ sở đóng thuyền composite.
Sau đó, tôi lại tiếp tục cách học nghề khá lạ của riêng mình là “nhìn - ghi nhớ”. Đến cuối năm 2014, tôi trở về quê hương với hành trang mang theo là những kiến thức khá vững vàng về công nghệ đóng thuyền bằng vật liệu composite”, anh Thủ nhớ lại. Rồi anh Thủ giải thích cặn kẽ cho tôi hiểu công năng của vật liệu composite.
Theo anh Thủ thì vật liệu composite là loại vật liệu được tổng hợp từ nhiều vật liệu khác nhau tạo nên vật liệu mới có tính năng vượt trội so với vật liệu ban đầu. Vật liệu composite kế thừa những ưu điểm của vật liệu nhựa thông thường và cả của kim loại như có tính chất dẻo dai; rất dễ pha màu và đóng khuôn trong tạo hình.
Vật liệu composite rất bền màu và chống chịu đặc biệt tốt với chất ăn mòn, oxy hóa nên được ứng dụng nhiều trong ngành công nghiệp hóa chất dùng làm bồn đựng hóa chất, bọc bể chống ăn mòn, đồ gia dụng, ống nước, mái che… Vật liệu composite rất nhẹ (chỉ bằng 40% so với nhôm nếu cùng thể tích). Chính ưu điểm này nên gần đây, vật liệu composite được sử dụng để thay thế kim loại trong các sản phẩm của ngành cơ khí, chế tạo máy, đóng tàu, thuyền...
Khi đã nắm bắt được công nghệ, anh Thủ bắt đầu đầu tư vốn để mở cơ sở đóng thuyền composite. Thuyền composite với những ưu điểm sử dụng rất ít nguyên liệu là gỗ, ván, tre già… nên thân thiện với môi trường; nhẹ hơn thuyền nan truyền thống, vì thế khi gắn động cơ thì thuyền sẽ có vận tốc cao gấp nhiều lần… Giá mỗi chiếc thuyền composite cũng tương đương với thuyền nan truyền thống, đó là khoảng 20 - 25 triệu đồng/chiếc, nhưng thời gian sử dụng gấp đôi (thường thời gian sử dụng là 10 - 15 năm). Khách hàng từ nhiều vùng miền bắt đầu tìm đến cơ sở sản xuất thuyền composite của anh để đặt hàng.
Đến bây giờ, ngoài việc du nhập nhiều loại hình ngành nghề để nâng cao năng suất, sản lượng đánh bắt thủy, hải sản, việc áp dụng các cải tiến hữu ích như dùng máy kéo thuyền, xe đẩy thuyền, thuyền làm bằng vật liệu composite để thay thế thuyền nan truyền thống… đã thực sự giúp ngư dân vùng biển bãi ngang vơi bớt vất vả khi vươn khơi, bám biển.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)