Nỗ lực để chiếm lĩnh thời đại số

Ngọc Khánh |

Những năm qua, chuyển đổi số đã và đang từng bước tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội. Trong đó, giáo dục là lĩnh vực được ưu tiên thứ hai về chuyển đổi số. Liên quan đến vấn đề chuyển đổi số trong ngành giáo dục, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. LÊ THỊ HƯƠNG, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị.

- Thưa bà! Năm 2021 là năm có nhiều biến động, diễn biến phức tạp của COVID-19 khiến nhiều lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng. Điều này đã tác động như thế nào đến hoạt động chuyển đổi số của ngành giáo dục và đào tạo (GDĐT) tỉnh?

- Đúng vậy. Năm 2021 là một năm có nhiều biến động khi đợt dịch COVID-19 thứ tư bùng phát, làm ảnh hưởng rất lớn đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung và giáo dục nói riêng. Thách thức lớn đặt ra cho ngành là làm sao để đảm bảo công tác chỉ đạo dạy học, các hoạt động giáo dục từ sở về cơ sở, hoàn thành chương trình của năm học trong khi học sinh không thể đến trường. Trước khó khăn đó, ngành GD-ĐT Quảng Trị chủ trương: “Dừng đến trường nhưng không dừng việc học”; thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, vừa chủ động linh hoạt trong tổ chức thực hiện, nhằm cung cấp kiến thức cho học sinh và đảm bảo chất lượng giáo dục.

 

Để thực hiện mục tiêu ấy, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo toàn ngành sử dụng internet làm môi trường dạy học, lấy các sản phẩm công nghệ làm công cụ giảng dạy. Với định hướng này, toàn ngành đã chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến. Công tác chỉ đạo, điều hành, làm việc của công chức cũng theo hình thức trực tuyến. Nhiều hội nghị, hội thảo khoa học, chuyên đề được triển khai qua mạng. Qua thời gian thực hiện, toàn ngành giáo dục có sự thay đổi rất lớn. Từ nhận thức về chuyển đổi số, kỹ năng khai thác trên các nền tảng, thiết bị số, đến kinh nghiệm và sáng kiến trong quản lý điều hành trên môi trường số… đều có những thay đổi rõ rệt. Nhờ đó, hiệu quả mang lại rất kịp thời và thiết thực. Tôi nghĩ năm qua, COVID-19 đã đặt ra cho ngành giáo dục nhiều thách thức nhưng đó cũng là cơ hội để xúc tiến và thúc đẩy công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục của tỉnh nhà lên một tầm cao mới.

- Vậy theo bà, việc ứng dụng công nghệ vào phương pháp dạy học liệu có làm giảm đi tính tương tác, gắn kết giữa thầy và trò không?

- Lúng túng và lo lắng về khả năng tương tác với học sinh là tâm trạng chung của các thầy cô khi chuyển sang hình thức dạy, học trực tuyến. Lo lắng này cũng dễ hiểu. Bởi bước đầu, cả thầy và trò đều chưa quen với hình thức dạy học mới. Tuy nhiên, như UNESCO đã dự báo, công nghệ thông tin sẽ làm thay đổi nền giáo dục một cách cơ bản và toàn diện. Sự bùng nổ và phát triển về công nghệ sẽ tạo ra những phương thức giáo dục phi truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền giáo dục, tăng cơ hội tiếp cận, tham gia của người học theo hướng giáo dục mở và trực tuyến. Dần dần, giáo dục số sẽ trở thành một “hình thái quan hệ học tập mới”, làm thay đổi mô hình dạy học truyền thống vốn đã tồn tại khá lâu. Từ kiểu tương tác từ trên xuống sang kiểu tương tác đề cao việc chia sẻ. Trong đó, học sinh sẽ trở thành trung tâm của hoạt động học tập. Hiện nay, sự thay đổi này là xu thế tất yếu và phổ biến. Ngoài ra, việc sử dụng các thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính, bảng, thiết bị dạy học thông minh… sẽ giúp chúng ta dễ dàng tương tác với mọi người trong học tập.

- Có ý kiến cho rằng, việc dạy và học trực tuyến chưa thực sự hiệu quả với học sinh, đặc biệt là học sinh bậc tiểu học, vùng sâu, vùng xa. Bà nghĩ như thế nào về vấn đề này?

- Vấn đề không phải do phương thức dạy học trực tuyến, mà là do chúng ta còn bỡ ngỡ và thiếu phương tiện, nền tảng. Bước đầu, kinh nghiệm tổ chức dạy qua mạng còn hạn chế. Điều kiện giữa các vùng, miền, đặc biệt là các vùng cao, miền núi chênh lệch còn lớn... Các yếu tố này đều làm ảnh hưởng đến hiệu quả học tập của học sinh. Tôi nghĩ, tính hiệu quả của hình thức giảng dạy phụ thuộc vào mục đích và cách thức sử dụng. Và cũng như bất cứ một công cụ học tập hay hình thức giáo dục nào khác, không có phương pháp nào hiệu quả với mọi đối tượng ở mọi nơi. Tuy nhiên, xác định đây là một trong các hình thức dạy học chính thức và là xu thế tất yếu cho giáo dục, Sở GD&ĐT đã có những giải pháp để khắc phục những hạn chế như phối hợp với các đơn vị viễn thông nâng cấp và phủ sóng internet cho các vùng miền qua chương trình “Sóng và máy tính cho em”; tập huấn cho giáo viên kỹ năng dạy học trực tuyến,… Vì vậy, những vấn đề trên đã dần được khắc phục, chất lượng dạy học dần được nâng cao. Tôi cho rằng, khi nhận thức của toàn xã hội thay đổi, việc đồng hành với ngành giáo dục được ưu tiên thì những băn khoăn, lo lắng đó sẽ không còn nữa.

- Bà có thể cho biết những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại cho học sinh là gì?

- Với việc chuyển đổi môi trường học tập qua internet và sử dụng công cụ công nghệ số đã mang lại nhiều lợi thế cho học sinh. Trước hết, kỹ năng ứng dụng công nghệ của các em đã có nhiều thay đổi. Có những em mới đầu còn bỡ ngỡ nhưng đến thời điểm này rất tích cực, trách nhiệm trong việc học trực tuyến. Năng lực của học sinh đã có nhiều thay đổi. Qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và tiếp cận linh hoạt, kiến thức về công nghệ thông tin của học sinh cũng tốt hơn. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa thầy và trò, giữa các em học sinh đã ăn ý hơn trong quá trình tổ chức các hoạt động dạy học trực tuyến. Nói tóm lại, bên cạnh những khó khăn, thách thức, đại dịch cũng đã mở ra cho các em học sinh nhiều cơ hội để tiếp cận và phát triển bản thân, áp dụng chúng vào quá trình học tập. Đó cũng là hành trang cần có cho các em trong tương lai.

Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị phát động ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em” - Ảnh: NVCC
Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị phát động ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em” - Ảnh: NVCC

- Trong năm học 2021-2022 và những năm tới, Sở GD&ĐT Quảng Trị đặt ra những mục tiêu nào trong hoạt động chuyển đổi số, thưa bà?

- Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề công nghệ mà còn là vấn đề về nhận thức và thói quen, là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện phương thức làm việc dựa trên công nghệ số. Đó là hành trình số hóa tài nguyên dữ liệu, tự động hóa các nền tảng công nghệ, ứng dụng chúng vào việc quản lý và vận hành trong công tác. Trên hành trình đó, trong lộ trình từ 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Trị đã đặt ra những mục tiêu như sau:

Thứ nhất, các hoạt động quản lý, điều hành trong Sở GD&ĐT sẽ được chuyển đổi số một cách toàn diện để triển khai quản lý, điều hành chủ yếu trên môi trường trực tuyến.

Thứ hai, nâng cao kỹ năng số, khai thác sử dụng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu ngành... cho cán bộ quản lý, cán bộ chuyên trách.

Thứ ba, xây dựng kho học liệu số phục vụ cho công tác dạy và học.

Thứ tư, chuyển đổi cách dạy và học, quản trị và quản lý dựa trên nền tảng công nghệ số, hướng tới một hệ thống giáo dục chất lượng tốt, chi phí thấp và tiếp cận dễ dàng với mọi người dân.

Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ nhằm thúc đẩy phát triển giáo dục số, góp phần vào nền kinh tế số, xã hội số và quốc gia số.

Thứ sáu, khai thác tối đa tiến bộ công nghệ để giúp thầy dạy tốt hơn, trò học dễ hơn, quản lý thuận tiện và hiệu quả hơn.

Thứ bảy, đổi mới cách tư duy, cách dạy và học, mô hình quản lý và cung cấp dịch vụ.

Cuối cùng, hình thành những nền tảng giáo dục mở, chia sẻ phục vụ cộng đồng, dựa trên sức mạnh cộng đồng.

- Xin cảm ơn bà!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng thích ứng với chuyển đổi số

Lâm Khanh |

Hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó chú trọng phát triển hệ thống viễn thông dùng riêng và tự động hóa là nhiệm vụ trọng tâm của Công ty Điện lực Quảng Trị. Nhờ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, phần mềm chuyên dụng nên đã góp phần tăng năng suất lao động, phục vụ công tác sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.

Hướng Phùng chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với tiềm năng, lợi thế

Nguyễn Đình Phục |

Những năm qua, Đảng bộ xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) luôn phát huy vai trò hạt nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Những kết quả đạt được đã làm cho diện mạo của xã vùng cao biên giới Hướng Phùng ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, an ninh trật tự trên địa bàn và chủ quyền an ninh biên giới quốc gia luôn được giữ vững.

Chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh và vận hành hệ thống điện

Phan Quốc Huy |

Thực hiện chủ đề chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong năm 2021, Công ty Điện lực Quảng Trị đã không ngừng nỗ lực sáng tạo, tìm ra nhiều giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, công nghệ, áp dụng có hiệu quả vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại đơn vị.

Người dân nên thực hiện chuyển đổi thẻ ATM công nghệ từ sang thẻ chip để đảm bảo quyền lợi

Lâm Thanh |

Ngày 31/12/2021 là thời hạn bắt buộc 100% thẻ ATM bằng công nghệ từ trước đây tại các ngân hàng phải thực hiện chuyển sang thẻ chip theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Thông tư số 41/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018.