“Việt - Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”, lời thơ của Bác Hồ đã diễn tả quan hệ gắn bó khăng khít giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào.
Giữa đôi bờ sông Sê Pôn trên tuyến biên giới Việt - Lào ở huyện Hướng Hóa hôm nay, tình cảm thắm thiết, đậm đà của người dân hai bên biên giới từ lâu cũng đã được giữ gìn bền chặt.
Hằng năm, cứ đến ngày cúng lúa mới, dân bản Pa Lọ Vạc, xã Thanh, Hướng Hóa lại chuẩn bị chu đáo nơi ăn, chốn ở để đón tiếp những người bạn Lào đến từ bản Đen Vi Lay, huyện Mường Nòong, tỉnh Savannakhet sang thăm. Từ lâu, ngày cúng lúa mới đã trở thành dịp gặp gỡ ấm nồng tình hữu nghị của những người dân biên giới nơi đây. Ngay từ sáng sớm, ở bờ sông Sê Pôn tại biên giới xã Thanh đã rộn rã tiếng nói cười của người dân bản Đen Vi Lay, nước bạn Lào sang mừng lúa mới. Lâu nay, tuy khác quốc tịch và địa bàn sinh sống nhưng người dân ở hai bên biên giới Việt - Lào nơi đây luôn gắn bó keo sơn. Đặc biệt, nhiều người còn có quan hệ thân tộc nên rất gần gũi với nhau. Dần dần, vào các ngày lễ, tết đều trở thành dịp gặp gỡ của dân bản Pa Lọ Vạc nói riêng, đồng bào vùng cao ở phía tây Quảng Trị nói chung với bà con các bộ tộc Lào. Anh Song Vi Say, bản Đen Vi Lay, huyện Mường Noòng, tỉnh Savannakhet chia sẻ: “Tuy chúng tôi là người Lào nhưng từ lâu đã xem những người dân ở bản Pa Lọ Vạc là anh em, bên chúng tôi có lễ hội gì họ cũng sang thăm chơi vài ngày mới về và ngược lại bên họ có công việc gì chúng tôi cũng sang phụ giúp và chung vui”. Vào những ngày cúng lúa mới, các gia đình ở bản Pa Lọ Vạc cùng nhau mổ trâu, bò, dê, lợn để đón khách. Biết sẽ có nhiều vị khách từ bản Đen Vi Lay ở lại chung vui nên gia đình nào cũng sắm thêm chăn màn mới và chuẩn bị những món quà nhỏ dành tặng các vị khách trước khi họ trở về quê hương.
Bản Pa Lọ Vạc, xã Thanh và bản Đen Vi Lay, huyện Mường Noòng là một cặp bản kết nghĩa có chung đường biên giới là dòng sông Sê Pôn. Từ ngày kết nghĩa hai bên biên giới, họ luôn giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, phối hợp hỗ trợ khắc phục thiên tai, dịch bệnh, xóa đói giảm nghèo... Có lẽ vì vậy mà thời gian gần đây, nhiều ngôi nhà sàn của người Vân Kiều, Pa Kô tại bản Pa Lọ Vạc cũng được xây dựng có thêm những nét kiến trúc đặc trưng của nhà Lào. Điều này không chỉ giúp ngôi nhà sàn trở nên sống động mà còn thể hiện sự giao thao văn hóa, sự gắn kết của hai bên biên giới. Khác với nhà sàn truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô chỉ có một mái, những ngôi nhà mới này mang dáng dấp pha trộn phong cách của người Lào bên kia biên giới. Ngôi nhà uy nghi, bề thế hơn với nhiều lớp mái ngắn dài, kiểu cách xếp chồng lên nhau. Cầu thang, hiên nhà được trang trí cầu kì, sinh động. Đặc biệt, màu sắc được tô vẽ tinh tế, những gam màu tươi sáng được dùng để tạo sức sống tươi mới, vui mắt cho ngôi nhà sàn. Tổng thể ngôi nhà sàn được nâng cao hơn, kiến trúc bên trong với nhiều kèo kép vững chãi, phân chia khu vực chức năng. Cùng với đó là sự kết hợp hài hòa với dáng nhà sàn truyền thống tạo nên một tổng thể độc đáo, không gian thông thoáng.Để xây dựng một ngôi nhà sàn với lối kiến trúc đặc sắc đều nhờ vào bàn tay tài tình của những người thợ lành nghề. Nhiều năm kinh nghiệm làm nhà trên đất Việt cũng như đất Lào, những người thợ làm nhà sàn cho hay, công đoạn chọn gỗ, làm cột, kèo là quan trọng nhất và đòi hỏi kĩ thuật khá cao, phải hết sức khéo léo, tỉ mỉ, cẩn thận. Mỗi dịp xẻ gỗ, dựng nhà người dân trong xã đều có bà con bên kia biên giới qua lại thăm thân, trước là để ngắm ngôi nhà được xây đúng mẫu hay chưa sau là gắn chặt tình cảm hai bên biên giới. Anh Hồ Văn Lang, thôn Pa Lọ Vạc, xã Thanh nói: “Ngôi nhà sàn này tôi dành dụm rất lâu mới xây dựng được. Những lúc qua lại thăm chơi họ hàng bên nước bạn Lào tôi rất thích những kiểu nhà như vậy. Tôi rất vui khi có nhà mới vừa đẹp mà vẫn giữ được dáng nhà sàn truyền thống. Ngôi nhà to đẹp này cũng là nơi đón tiếp chu đáo khách bạn, họ hàng bên kia biên giới mỗi khi có dịp sang thăm chơi”.
Ông Pả Thảo, Bí thư Chi bộ thôn Pa Lọ Vạc cho biết, nhờ tình cảm khăng khít, bền chặt và sự giúp đỡ lẫn nhau thường xuyên của người dân hai bản Pa Lọ Vạc - Đen Vi Lay mà tình hình kinh tế- xã hội có bước phát triển, những nét văn hóa độc đáo thời gian qua của cả hai bên đều khởi sắc; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới Việt - Lào được giữ vững. Thấp thoáng giữa những ngôi nhà sàn giản dị của người Vân Kiều, Pa Kô là những mái nhà sàn sặc sỡ sắc màu, pha trộn những nét kiến trúc đặc sắc của người dân nước bạn Lào. Sự giao thoa văn hóa này làm cho không gian bản làng giữa núi rừng Hướng Hóa trở nên sống động hơn. Những nét kết hợp hài hòa ấy cũng tô thắm tình đoàn kết hữu nghị keo sơn, bền chặt của cư dân hai bên biên giới Việt-Lào.