Tại hội nghị sơ kết công tác quốc phòng - an ninh năm 2016 do Bộ Tư lệnh Quân khu IV tổ chức, tôi rất ấn tượng với phát biểu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Quân Chính về việc tỉnh Quảng Trị đang “biến bất lợi trở thành lợi thế“ phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung. Phát biểu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quân Chính lúc đó cũng đã gây được sự chú ý đặc biệt của các đại biểu 6 tỉnh Bắc miền Trung về dự hội nghị.
Theo Bộ Công Thương, dự kiến trong giai đoạn tới công suất của của các dự án điện đã đầu tư và phê duyệt của tỉnh Quảng Trị sẽ lên đến gần 10.000 MW. Riêng quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Quảng Trị giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, tiềm năng phát triển điện gió của tỉnh có thể đạt tổng công suất 1.280 MW; tập trung ở các xã Hướng Linh, Hướng Sơn, Hướng Lập, Hướng Phùng của huyện Hướng Hóa; xã Hướng Hiệp của huyện Đa Krông; các xã Gio Việt, Gio Hải (bao gồm Gio Thành và Gio Hải trước đây) của huyện Gio Linh; xã Vĩnh Tân (nay là TT. Cửa Tùng) và khu vực ven biển của huyện Vĩnh Linh và đảo Cồn Cỏ.
Trong giai đoạn hiện nay, muốn đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên cơ sở khai thác, phát huy các ngành có lợi thế như: công nghiệp năng lượng trong đó chú ý đến năng lượng sạch là giải pháp quan trọng mà đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII nhiệm kỳ 2021-2025 sắp tới hết sức quan tâm. Hiện tại, tỉnh Quảng Trị đang triển khai xây dựng các dự án năng lượng tái tạo đã được quy hoạch nhằm phấn đấu xây dựng Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030.
Về điện gió, tỉnh Quảng Trị hiện có 17 dự án điện gió đã được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch với tổng công suất 608 MW, trong đó có dự án Hướng Linh 2 đã vào vận hành thương mại vào đầu năm 2017 và dự án Hướng Linh 1 đã vận hành thương mại vào dịp cuối năm 2019. Về điện mặt trời, Quảng Trị có 3 dự án đã được bổ sung quy hoạch với tổng công suất là 149,5 MWp. Tỉnh Quảng Trị cũng đã trình bổ sung 13 dự án điện mặt trời trên địa bàn với tổng công suất 894,95 MWp, gồm: Gio Mỹ công suất 50 MWp; Vĩnh Tú công suất 50 MWp; Trúc Kinh công suất 50 MWp; Điện mặt trời nổi Ái Tử công suất 49,95 MWp; Hacom Quảng Trị công suất 50 MWp; Hải Dương - Hải Lăng công suất 80 MWp; LIG - Gio Linh 1,2,3, công suất 125 MWp; Mai Quang 1 công suất 50 MWp; Mai Quang 2 công suất 50 MWp; Điện mặt trời nổi La Ngà, công suất 90 MWp; Quảng Trị công suất 250 MWp.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị đang ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị làm hạt nhân phát triển công nghiệp, trong đó tập trung hoàn thành và đưa vào hoạt động các dự án trọng điểm như dự án nhiệt điện than BOT 1, dự án nhà máy điện tua bin khí hỗn hợp Quảng Trị 340 MW, dự án khí hóa lỏng LNG.
Quảng Trị đang có những điều kiện rất tốt để trở thành trung tâm năng lượng sạch và năng lượng tái tạo của Khu vực miền Trung với những nguồn năng lượng như: Điện gió, điện mặt trời, năng lượng khí, nhiệt điện khí. Dự kiến trong giai đoạn tới công suất phát của của các dự án đã đầu tư và phê duyệt của tỉnh Quảng Trị sẽ lên đến gần 10.000 MW. Quảng Trị đang “biến bất lợi trở thành lợi thế “, biến cái nắng, cái gió trở thành nguồn năng lượng thiên nhiên vô tận phục vụ cho mục tiêu phát triển KTXH. Vì vậy, đẩy mạnh phát triển công nghiệp năng lượng hy vọng sẽ là trụ cột quan trọng để Quảng Trị có điều kiện phát huy được ảnh hưởng, vai trò của mình trong liên kết vùng đặc biệt thông qua hệ thống truyền tải năng lượng quốc gia, Quảng Trị sẽ có điều kiện tiếp tục phát triển các vùng phụ tải để hình thành trung tâm công nghiệp chế biến gắn với nền tảng nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ bền vững phấn đấu đưa Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước vào năm 2025; nằm trong nhóm 30 tỉnh thuộc tốp đầu của cả nước vào năm 2030.
(Nguồn: QRTV)