Phát huy tinh thần đồng khởi Cùa để xây dựng quê hương Cam Lộ và vùng Cùa ngày càng giàu đẹp, văn minh

Đỗ Văn Bình |

Cách đây tròn 60 năm, ngày 5/7/1964, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Trị, Nhân dân vùng Cùa (gồm 2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ) đã đồng lòng quật khởi đứng lên phá ấp chiến lược, phá thế kềm kẹp của Mỹ - ngụy, lập nên chính quyền tự quản của Nhân dân.

Từ nơi đây, ngọn lửa đồng khởi diệt ác, phá kềm kẹp lan nhanh khắp vùng giáp ranh, đồng bằng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, mở đầu cho cao trào cách mạng mới, chuyển từ thế phòng ngự, giữ gìn lực lượng sang thế chủ động tiến công, cùng với quân và dân cả nước đưa cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Nhận thấy vị trí chiến lược về quân sự của vùng Cùa, nơi triều đình nhà Nguyễn chọn xây dựng thành Tân Sở làm căn cứ kháng chiến chống Pháp, đế quốc Mỹ và tay sai đã đưa lực lượng đến đây để xây dựng đồn bốt, lập ấp chiến lược, tạo thành lá chắn phía Tây của trục đường số 9 huyết mạch, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam.

Chúng ra sức dồn dân lập ấp, xây dựng các khu tập trung nhằm kiểm soát, khống chế nghiêm ngặt quần chúng, thủ tiêu tinh thần đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta. Ngoài việc xây dựng “Ấp chiến lược điển hình” của tỉnh, tại huyện Cam Lộ, Mỹ - Diệm đã lập đoàn chỉ đạo của quận gồm: công dân vụ, thông tin, bảo an và xây dựng ấp điển hình của huyện để triển khai ra diện rộng.

Trước tình hình đế quốc Mỹ gia tăng can thiệp và đẩy mạnh các hoạt động chống phá cách mạng miền Nam, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khoá III) và tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng” của Hội nghị Chính trị đặc biệt do Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập tại Thủ đô Hà Nội, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị mở rộng tại Ro Ró (Hướng Hóa) quyết định phát động phong trào đồng khởi ở nông thôn, đồng bằng, bắt đầu từ tháng 7/1964 đến tháng 1/1965.

Vùng Cùa là nơi được Thường vụ Tỉnh uỷ chọn làm khởi điểm của cuộc đồng khởi, vì cơ sở của ta ở đây rất mạnh, có khả năng thu hút địch, tạo điều kiện cho vùng giáp ranh và khắp các vùng đồng bằng, nông thôn vùng lên.

Đêm ngày 4 rạng ngày 5/7/1964, sau khi nghe đồng chí Vũ Soạn thay mặt Thường vụ Tỉnh uỷ đọc bản “Mật lệnh” phát động đồng khởi, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Bổ - Uỷ viên Thường vụ Tỉnh ủy, đội công tác xã được sự hỗ trợ của một bộ phận lực lượng vũ trang địa phương đã huy động quần chúng các thôn Mai Lộc, Mai Đàn (xã Cam Chính) tự trang bị các loại vũ khí thô sơ, tự tạo, lùng bắt bọn tề vệ ác ôn, giành quyền làm chủ.

Bị đánh bất ngờ, bọn địch tháo chạy tán loạn, một số tên bị ta bắt sống. Phong trào đồng khởi lan nhanh ra khắp cả vùng Cùa và thu được thắng lợi. Sáng 6/7/1964, quân và dân vùng Cùa tổ chức mít tinh mừng thắng lợi bước đầu đạt được.

Đến sáng ngày 9/7/1964, địch huy động lực lượng tổ chức phản kích lại ta rất quyết liệt. Lực lượng vũ trang, chính trị ta tuy ít, lại trang bị súng đạn chưa đầy đủ, song tinh thần chiến đấu rất dũng cảm và được sự hỗ trợ giúp đỡ đắc lực của quần chúng nhân dân địa phương, nên sau một ngày chiến đấu, quân và dân vùng Cùa đã đánh bật được quân địch có cả máy bay và phương tiện cơ giới yểm trợ ra khỏi thôn Thượng Nghĩa, xã Cam Nghĩa, bảo vệ được quyền làm chủ của Nhân dân.

Chính quyền cách mạng tự quản của xã được thành lập đến các thôn. Kết quả phong trào đồng khởi ở vùng Cùa, quân và dân ta đã thu 130 súng các loại, bắt 63 tên ác ôn, gián điệp, gọi 22 tên lính và bảo an ra hàng, bức hàng 15 tên khác, thu khoảng 100 tấn gạo; rút thanh niên 2 xã Cam Chính, Cam Nghĩa thành lập một trung đội bộ đội địa phương huyện Cam Lộ, thành lập 2 trung đội du kích ở 2 xã Cam Chính, Cam Nghĩa; có 15 thanh niên bổ sung vào lực lượng vũ trang tỉnh.

Mô hình trồng cây dược liệu dây thìa canh đem lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ - Ảnh: N.T.H
Mô hình trồng cây dược liệu dây thìa canh đem lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ - Ảnh: N.T.H


Sau đợt đồng khởi mở đầu ở vùng Cùa, phong trào đồng khởi vùng nông thôn đồng bằng trong toàn tỉnh lan rộng, đến tháng 11/1964, ta đã phá thế kềm kẹp của địch ở 236 ấp chiến lược. Vùng giải phóng được mở rộng từ miền núi Hướng Hóa đến vùng đồng bằng Triệu - Hải, Gio - Cam, chiếm khoảng 4/5 diện tích đất đai của toàn tỉnh, với gần 13 vạn dân; huy động được sự đóng góp của Nhân dân về lương thực, thực phẩm, bảo đảm được khâu hậu cần tại chỗ cho các lực lượng vũ trang huyện, tỉnh đứng chân hoạt động.

Những chiến công oanh liệt của quân và dân vùng Cùa, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị trong phong trào đồng khởi là điểm khởi đầu đầy táo bạo, bất ngờ ngay trong lòng địch, tạo thế và lực để sau đó ta tiếp tục tiến công giải phóng quê hương Cam Lộ vào ngày 2/4/1972 và tỉnh Quảng Trị vào ngày 1/5/1972, cùng với quân và dân cả tỉnh, cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, khí phách anh hùng của phong trào đồng khởi, sau ngày quê hương được giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất, Đảng bộ và Nhân dân huyện Cam Lộ đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, quyết tâm khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Sau 52 năm quê hương được giải phóng và 32 năm lập lại huyện, kinh tế - xã hội của địa phương đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt trên 12,5%; kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ. Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, duy trì 100% trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia; 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2023 đạt 66,52 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,09%. Quốc phòng - an ninh được giữ vững ổn định. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy đảng ngày càng được nâng cao; hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền từ huyện đến cơ sở ngày càng hiệu quả; hoạt động của mặt trận và các tổ chức chính trị- xã hội được đổi mới theo hướng gần dân, sát cơ sở.

Với những kết quả đạt được, ngày 16/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 520/QĐ-TTg công nhận huyện Cam Lộ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Hiện nay, huyện Cam Lộ đang tập trung huy động nguồn lực, phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2025 và sớm đưa huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, vùng Cùa ngày nay đã vươn lên mạnh mẽ, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân. Đặc biệt, đã tập trung khai thác, phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng gò đồi để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại hiệu quả, nhất là các loại cây công nghiệp, lâm nghiệp, cây dược liệu và các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

Các ngành nghề, dịch vụ tiếp tục phát triển, tạo việc làm và nâng cao đời sống của người dân. Thu nhập bình quân đầu người ở 2 xã Cam Chính, Cam Nghĩa ước đạt 61 triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 1,25%. Đến nay, 2 xã Cam Chính, Cam Nghĩa được UBND tỉnh công nhận đạt nông thôn mới nâng cao vào năm 2022 và đang phấn đấu đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.

Chất lượng giáo dục - đào tạo có sự chuyển biến toàn diện. Công tác chăm sóc sức khoẻ Nhân dân và thực hiện các chính sách xã hội, đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội được quan tâm. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường.

Phát huy tinh thần đồng khởi ở vùng Cùa 60 năm trước và truyền thống của quê hương anh hùng, cán bộ và Nhân dân huyện Cam Lộ vững tin, quyết tâm cùng cả tỉnh, cả nước tiếp tục làm nên cuộc “đồng khởi mới”, phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Trồng thành công nấm dược liệu linh chi đỏ

Nguyễn Trang |

Nấm dược liệu linh chi đỏ là loại đối tượng trồng chưa phổ biến trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nhưng từ một số mô hình thử nghiệm trồng quy mô tập trung đã cho thấy giá trị, hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như cơ sở trồng nấm linh chi đỏ của hộ anh Trần Văn Linh ở thôn Huỳnh Thượng, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh.

Chú trọng phát triển sản phẩm OCOP từ cây dược liệu

Bảo Bình |

Nhận thấy tiềm năng và thế mạnh về cây dược liệu, thời gian qua, tỉnh đã xây dựng quy hoạch phát triển dược liệu đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, ban hành các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch, chính sách hỗ trợ để phát triển sản phẩm OCOP từ những loại cây này.

Cam Lộ chú trọng phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến, xuất khẩu dược liệu

Đan Tâm |

Ông TRẦN ANH TUẤN, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ trả lời phỏng vấn

Tìm hướng đi riêng để đưa nông sản, cây dược liệu bản địa vươn ra thị trường

Mai Lâm |

Dù mới đi vào hoạt động nhưng nhờ biết cách liên kết, hợp tác với đơn vị sản xuất có kinh nghiệm và lựa chọn dòng sản phẩm riêng, các thành viên HTX Nông nghiệp sinh thái Tây Thạch Hãn, xã Mò Ó, huyện Đakrông (Quảng Trị), đã sản xuất được một số sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương, bước đầu được thị trường đón nhận.